Theo số liệu của UBND tỉnh Kon Tum, từ năm 2009 đến tháng 11-2011, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư 74 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 16.100 tỷ đồng. Riêng trong năm 2011, cấp 49 dự án, với số vốn đăng ký 4.278 tỷ đồng. Đó là con số khá khiêm tốn so với một tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển như Kon Tum, xét về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý thuận lợi, khoáng sản, tài nguyên nước dồi dào.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kon Tum năm 2011, các nhà đầu tư đều đánh giá cao những tiềm năng mà tỉnh Kon Tum đang sở hữu. Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư đều cho rằng, việc “rót vốn” vào tỉnh Kon Tum vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, một số chính sách còn gây phiền hà cho nhà đầu tư, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa (đặc biệt là các dự án cần mặt bằng lớn).
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, bày tỏ: “Các cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng công trình của tỉnh Kon Tum quy định rườm rà, nhất là các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi và giao đất để xây dựng công trình. Điều đó ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công dự án”.
Còn ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray, phàn nàn: “Đối với việc giao đất trồng cao su, việc tận thu lâm sản, bàn giao mặt bằng của chủ rừng còn chậm, ảnh hưởng lớn đến việc khai hoang trồng cao su của công ty. Công ty có 5 dự án đã được triển khai thực hiện, tuy nhiên đến nay chỉ có 1 dự án được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Về một số thủ tục pháp lý, nhà đầu tư vào tỉnh Kon Tum vẫn còn băn khoăn. Bà Lưu Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH Vinh Quang 1 (doanh nghiệp đến từ TPHCM) cho biết: “Chúng tôi gặp vướng mắc ban đầu khi xây dựng khu dân cư tại TP Kon Tum. Cụ thể, thủ tục kéo dài đến 2 năm bởi sự thiếu đồng thuận giữa các ban, ngành của tỉnh Kon Tum. Đối với Kon Tum, một địa phương rất xa các trung tâm kinh tế lớn, với những đặc thù kinh tế và mức thu nhập dân cư rất thấp thì chính sách về nhà ở cho người dân phải có gì đó riêng, hấp dẫn nhà đầu tư. Nếu đánh đồng những chính sách thuế như hiện tại thì sự thiệt hại chỉ dành cho người dân và nhà đầu tư cũng không được lợi gì ở đó”.
Qua ý kiến của các doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Kon Tum khẳng định sẽ có những biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư. Ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, thừa nhận: “Kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư là rất chính đáng và thẳng thắn. Quan điểm của UBND tỉnh Kon Tum và các sở, ngành là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng cải cách các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước nhằm rút ngắn thời gian trình tự, thủ tục đầu tư”.
Ngày 22-11, tại TP Kon Tum, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kon Tum năm 2011, với sự tham gia của gần 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo định hướng phát triển đến năm 2015 và tầm nhìn 2020, tỉnh Kon Tum xác định 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh gồm: TP Kon Tum gắn với các KCN Hòa Bình, Sao Mai. Vùng kinh tế Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái Măng Đen. Vùng kinh tế Ngọc Hồi gắn với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y. |
ĐỨC TRUNG