Nelson Mandela - Những bài học về cuộc sống, tình yêu và lòng can đảm
Hầu hết mọi người đều cho rằng Nelson Mandela nhân cách hóa lòng dũng cảm. Nhưng bản thân Mandela định nghĩa lòng dũng cảm theo một cách rất lạ. Ông không xem nó là bẩm sinh, hay một loại thần dược để có thể uống hay học được. Ông xem nó như con đường chúng ta phải chọn. Không ai trong chúng ta sinh ra đã dũng cảm, ông thường nói, nó là tất cả những gì trong cách thức chúng ta phản ứng lại những tình huống khác nhau.
Có nhiều thời điểm trong cuộc đời của Mandela phải bị thử thách. Những người mà công chúng biết đều vĩ đại, nổi tiếng và gây ấn tượng mạnh. Nhưng lòng can đảm, ông nói, là hành động mỗi ngày và chúng ta thể hiện nó nhiều hay ít. Tôi đã chứng kiến bản chất tự nhiên của lòng can đảm của ông ở Natal năm 1994. Lúc đó đang thời điểm chuẩn bị bầu cử dân chủ đầu tiên của Nam Phi, bạo lực chính trị leo thang dữ dội.
Ông chọn bay đến Natal trên một chiếc máy bay cánh quạt nhỏ để phát biểu với những người ủng hộ thuộc tộc người Zulu. Ông lẽ ra không nên đi. Vào thời điểm đó, nhiều người ủng hộ đã bị ám sát bởi đảng đối thủ Tự do Inkatha và tình hình không chút an toàn. Nhưng ông đã quyết.
Tôi hẹn gặp ông ở sân bay Natal. Khi chỉ còn 20 phút nữa máy bay hạ cánh, một quan chức sân bay đến chỗ tôi và nói rằng một trong những động cơ máy bay bị hỏng và họ đã chuẩn bị xe cứu hỏa, xe cứu thương trong trường hợp có sự cố. Quan chức này cũng cho biết với tình hình hiện tại thì phi công có thể hạ cánh an toàn.
Mandela đang ở trên máy bay với một cận vệ tên Mike và 2 phi công. 20 phút sau, máy bay hạ cánh nhẹ nhàng trong vòng vây của xe cứu thương và cứu hỏa. Mandela tươi cười đi vào phòng khách sân bay, nơi ông tình cờ gặp một nhóm du khách Nhật Bản. Ông bắt tay từng người và tươi cười hết cỡ với bất cứ ai muốn chụp ảnh kỷ niệm cùng ông.
Trong khi Mandela chụp ảnh, Mike bảo tôi rằng khi máy bay đã đi được 2/3 chặng đường, Mandela chỉ ra cửa sổ và bình tĩnh nói với Mike máy bay có vấn đề và yêu cầu Mike hỏi phi công. Phi công đã biết rõ tình hình và báo với ông rằng sân bay đã chuẩn bị mọi việc cần thiết trong tình huống khẩn cấp. Mandela bình tĩnh và lặng lẽ ngồi xuống đọc báo.
Mike không phải người đi máy bay có kinh nghiệm nên sợ hãi vô cùng. Mike nói điều duy nhất anh ta có thể làm lúc đó là nhìn chằm chằm vào Mandela, còn Mandela vẫn bình tĩnh đọc báo trong khi máy bay hạ cánh.
Khi đã vào trong xe đi đến cuộc biểu dương lực lượng của người Zulu, tôi hỏi ông chuyến bay thế nào, ông mở thật to mắt nhìn tôi và bằng giọng đầy kịch tính, ông nói: “Trời ạ! Tôi kinh hãi lắm khi ở trên đó”.
Điều này có thể làm nhiều người ngạc nhiên vì ai cũng biết đến ông như một biểu tượng, tôi không thể bảo bạn bao nhiêu lần ông tâm sự với tôi rằng ông đã từng sợ hãi. Ông đã từng lo sợ trong suốt phiên tòa Rivonia, phiên tòa kêu án chung thân đối với ông; ông từng sợ hãi khi cai ngục dọa đánh ông; ông từng sợ hãi trong thời gian hoạt động bí mật ông bị báo chí gọi là “Hoa phiên lộ đen” (Black Pimpernel- Pimpernel là bí danh của một nhân vật được xem là anh hùng trong tiểu thuyết Hoa phiên lộ đỏ thắm (Scarlet Pimpernel) do hai nhà văn Don de la Vega và Bruce Wayne viết về thời kỳ bùng nổ cuộc cách mạng Pháp- ND); ông đã sợ hãi khi bắt đầu bí mật đàm phán với chính phủ; và ông sợ trong suốt thời kỳ hỗn loạn trước cuộc bầu cử đã đưa ông trở thành tổng thống đầu tiên của nước Nam Phi mới. Ông không bao giờ sợ phải nói mình sợ hãi.
Vào những tháng đầu tiên của hành trình viết hồi ký cho ông (sau khi ông vừa được trả tự do và đang hoạt động chính trị), chúng tôi thường đối mặt với cảnh sát hoặc rút vào bí mật. Khi đó tôi hỏi ông rằng ông có sợ hãi không. Ông nhìn tôi cứ như tôi là kẻ ngu xuẩn và nói: “Dĩ nhiên tôi sợ rồi. Chỉ có kẻ ngốc mới không sợ”. Nhưng ông kể trong mỗi tình huống ông cố gắng chế ngự nỗi sợ của mình - chỉ đơn giản ông không muốn để bất cứ ai nhìn thấy ông đang sợ hãi.
Can đảm không phải là không có sợ hãi, ông dạy tôi như thế. Vấn đề là cần phải học cách vượt qua nó.
Vào những năm 1950, có lần ông lái xe đến bang Free hẹn gặp tiến sĩ James Moroka, Chủ tịch ANC. Trên đường đến đó, nơi là một trong những khu vực bảo thủ nhất Nam Phi, ông đụng phải một cậu bé chạy xe đạp. Cậu bé ngã nhưng không bị thương. Việc đầu tiên ông làm là giấu ngay tờ báo New Age bị cấm phát hành vì lúc đó ai có ấn phẩm này sẽ bị ngồi tù 5 năm.
Một trung sĩ cảnh sát chạy đến, nhìn chằm chằm ông và cậu bé rồi nói: Mày sẽ đi bậy ngày hôm nay đấy. Mandela đáp lại: Tôi không cần một cảnh sát chỉ chỗ đi bậy.
Ông dừng lại khi kể đến đây và nói: “Tôi quyết định hung hăng nhưng tôi rất sợ. Tôi làm ra vẻ dũng cảm và rằng tôi có thể đánh bại cả thế giới…”.
“Tôi làm ra vẻ tôi rất dũng cảm”. Thật vậy, đó là những gì ông đã làm. Và đó là cách ông miêu tả lòng can đảm: tỏ ra dũng cảm. Nỗi sợ hãi thật là ngu ngốc. Lòng can đảm không để cho nỗi sợ hãi đánh bại bạn. Khi tên cảnh sát quát Mandela, ông nói với hắn hãy cẩn thận và ông là luật sư nên có thể làm tiêu tan sự nghiệp của một cảnh sát. Tối hôm đó, cảnh sát đã thả ông và ông tiếp tục con đường của mình.
Mandela cũng kể câu chuyện tương tự khi ông bị đày ra đảo Robben vào tháng 5-1963. Vào đêm ông bị dẫn ra đảo, các cai ngục nói với ông và các đồng chí của ông rằng họ sắp được đưa đến nơi rất đẹp. Mandela kể lại họ đã bị đối xử như gia súc, cai ngục thì quát lên: “Nhìn đi, chúng tao sẽ giết chúng mày ở đây, cha mẹ, người thân chúng mày cũng không bao giờ biết điều gì đã xảy ra với chúng mày”. Sau khi tù nhân đã vào trong xà lim, bọn cai ngục bắt mọi người cởi hết quần áo và bắt đầu dùng nhục hình.
Mandela kể lại khi tên cai ngục quát ông, ông đã quát lại: Này hãy nhìn tao đây… Đủ rồi đấy. Đừng bao giờ nói với tao bằng cái giọng đó nữa.
Mandela dừng lại và đi đến chiếc ghế của ông. Mắt ông nhìn xa xăm. “Và rõ ràng hắn đang muốn hành hung tôi và tôi đã phải nhận lỗi vì tôi sợ. Bạn không thể bảo vệ chính mình, không thể chống trả lại”.
Chúng ta nghĩ những người khác hồi hộp khi gặp Mandela, nhưng ông thường hồi hộp khi gặp những người khác. Ông đã rất lo lắng trong cuộc gặp đầu tiên giữa ông với Tổng thống Nam Phi P.W. Botha được biết đến với biệt danh “Cá sấu khổng lồ” (Big Crocodile) vì các công cụ cai trị hà khắc của ông ta.
Lúc đó, Mandela đang chịu năm cuối của án tù và đây là lần đầu tiên một tù nhân là thành viên ANC đến gặp tổng thống. Trong đầu ông đã dự định nói gì và làm gì. Ông dự tính sẽ vào phòng, gật đầu khẳng khái chào Botha với nụ cười rộng mở. Ông đã xóa tan những nghi ngờ của tổng thống bằng sự thân thiện và phong cách tự nhiên, những điều ông đã chuẩn bị và thực hành từ trước.
Hãy tỏ ra dũng cảm và bạn không chỉ trở nên dũng cảm mà bạn đã thật sự dũng cảm. Mandela dạy tôi như thế.
| |
VIỆT TRUNG (dịch)
- Kỳ 1: Nhà tù đã đúc nên con người Nelson Mandela