Kỳ 3: Tình yêu làm nên điều khác biệt

Kỳ 3: Tình yêu làm nên điều khác biệt

Nelson Mandela - Những bài học về cuộc sống, tình yêu và lòng can đảm

Khi nói đến tình yêu, Mandela là một người lãng mạn. Nhưng ông lại là một người thực tế vì ông buộc phải như thế. Trong suốt phần lớn cuộc đời ông, tình yêu là điều gì xa xôi, tồn tại chủ yếu trong sự tưởng tượng và ký ức hơn là trong thực tiễn. Và khi tình yêu trở thành hiện thực, nó lại thường là nguồn gốc của những nỗi đau hơn là hạnh phúc. Ông chưa bao giờ từ bỏ ý tưởng rằng, tình yêu luôn ngự trị trong cuộc đời ông.

Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela với người vợ thứ hai Winnie, sau khi được thả khỏi nhà tù Victor Verster tháng 2-1990. Ảnh: T.L.

Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela với người vợ thứ hai Winnie, sau khi được thả khỏi nhà tù Victor Verster tháng 2-1990. Ảnh: T.L.

Dưới chế độ phân biệt chủng tộc apartheid, nếu bạn là một chiến sĩ đấu tranh cho tự do và đang chạy trốn thì gia đình bạn sẽ là mục tiêu; đàn áp gia đình bạn là cách hiệu quả nhất mà chế độ apartheid làm tổn thương bạn. Vì vậy, ông giữ khoảng cách với gia đình mình, nhìn một cách vô vọng khi họ bị săn đuổi hay bị giày vò. Gia đình làm cho ông dễ bị tổn thương, chứ không phải ít bị tổn thương. Ông rất ít khi có điều kiện thực hiện chức năng của người cha. Có một lần, con trai lớn của ông hỏi tại sao ông không ở nhà vào ban đêm, ông trả lời rằng có hàng triệu đứa trẻ Nam Phi cũng đang cần ông. Thật đau lòng khi phải nói với con như thế và từ góc độ nào đó, có thể nói sự hy sinh là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời ông.

Trong những năm tháng lao tù, tình yêu đã ngự trị khắp nơi: trong những bức thư, trong ký ức và trong tương lai mà ông tưởng tượng ra. Mandela có một giấc mơ tình yêu và cuộc sống gia đình đã nuôi dưỡng ông, thậm chí khi thực tế thật khốc liệt. Trong những năm tháng đó, ông vẫn ấp ủ giấc mơ và khi ông được tự do, nó lại trở thành ảo vọng. Thậm chí, khi đó ông cũng không từ bỏ tình yêu.

Mong ước về tình yêu lãng mạn, chứ không phải mối hận thù những bất công đã khiến chàng thanh niên trẻ Mandela từ bỏ miền quê lên TP lớn. Đó là khi vua Jongintaba quyết định sắp xếp các cuộc hôn nhân cho con trai ông và cho cả Nelson Mandela. Hai chàng trai trẻ phải ngấm ngầm âm mưu bỏ trốn đến Johanesburg. Thật mỉa mai, nền giáo dục mà nhà vua làm mọi cách để Mandela có được cơ hội tiếp cận đã khiến anh chống lại truyền thống về hôn nhân và gia đình của bộ tộc. Từ những bài thơ trữ tình của Jane Austen và Shakespeare đã giúp Mandela ôm ấp quan điểm tình yêu của phương Tây. Cha ông có đến 4 bà vợ và ông phải ghé thăm các bà xoay vòng. Mandela muốn có tình yêu chứ không phải những người hầu gái.

Thời tuổi trẻ, chàng thành niên Mandela lần đầu tiên đã có một thoáng lãng mạn. Anh quen biết con gái của một gia đình mà anh lưu lại ở quận Alexandra dành cho người da đen. Cô ấy tên Didi. Mandela phải lòng Didi nhưng cuộc sống của anh quá bấp bênh để có thể tỏ tình với cô. Khi Mandela trở thành sinh viên trường luật, Walter Silulu giới thiệu anh với người cháu họ tên là Evelyn Mase. Họ cưới nhau và nhanh chóng có 4 đứa con. Do công việc, học hành và bắt đầu sự nghiệp chính trị, ông thường xuyên vắng nhà. Ông tham gia ngày càng tích cực vào cuộc đấu tranh cho tự do nên ngày càng rời xa Evelyn. Khi ông giành được cảm tình của cộng đồng người da đen thì ông lại không giành lại được tình yêu của Evelyn. Cô không muốn nghe về chính trị và rút lui vào một thế giới khác. Chẳng bao lâu sau, họ chia tay nhau.

Vào năm 1956, Mandela trở thành một luật sư thành công. Là một chiến sĩ đấu tranh cho tự do nhưng ông thích ăn diện, mặc đồ vest, lái xe hơi Mỹ, thích vào nhà hàng và trở thành người đàn ông lý tưởng của nhiều phụ nữ.

Có lần tôi chỉ vào bức ảnh ông chụp thời ấy với điều xì gà trên tay và hỏi ông có hút thuốc không. Ông trả lời với giọng buồn rầu: “Không. Tôi chỉ đóng vai một thằng ngốc thôi”.

Một lần đi dạo cùng ông trong sân vườn vào buổi sáng sớm, ông bất chợt hỏi tôi đã cưới vợ chưa. Đó là câu hỏi không bình thường vì ông ít khi hỏi những câu hỏi cá nhân. Tôi trả lời chưa, rồi hỏi ông: “Ngài quen biết người nào đó bao lâu trước khi cưới?”. “Một ngày,  một ngày là quá đủ”, ông nói và mỉm cười.

Chắc là tôi nhìn ông bối rối nên ông giải thích thêm: “Anh có thể yêu một phụ nữ từ cái nhìn đầu tiên nhưng tình yêu cần 1 năm hay lâu hơn nữa để nhận ra”. Rồi ông định nghĩa khái niệm hấp dẫn: “Anh có thể gặp một phụ nữ trong một cuộc hội thảo và rất ấn tượng với sự thông minh của cô ấy nhưng tình cảm thì không hề lay động. Nhưng có khi anh gặp một phụ nữ và bỗng nhiên quan tâm đến cô ấy dù kiến thức nông cạn”. Nói như thế, ông ngụ ý sự hấp dẫn bên ngoài của phụ nữ. “Không có một luật lệ nào, nhưng tình yêu là điều quan trọng nhất”, ông nói.

Một ngày có thể là quá đủ. Nó quá đủ đối với Mandela khi ông phải lòng người vợ thứ hai của mình. Lần đầu tiên, ông nhìn thấy Winnie là từ chiếc xe hơi của mình trong lúc cô đang chờ xe buýt đi đến bệnh viện làm việc. Cô ấy rất xinh, ông nghĩ thế và không thể loại hình ảnh của cô ra khỏi tâm trí mình. Vài ngày sau, cô cần tư vấn tại văn phòng luật của ông. Thật là điều kỳ diệu, ông gặp may vô cùng.

Nelson Mandela và Winnie Madikizela vào thời điểm đó rất khác nhau về tính cách. Winnie là một cô gái miền quê mới 22 tuổi lặng lẽ, kín đáo, chất phác. Mandela lớn hơn cô 16 tuổi và đã là người đàn ông ly hôn có 3 con (một người con đã chết khi mới 9 tháng tuổi), một luật sư thành công và một chiến sĩ đấu tranh cho tự do được kính trọng. Cô rất ngần ngại trước sự chú ý của Mandela và thường im lặng đi bên ông. Ông đưa cô đi ăn trưa, lái chiếc xe hơi của ông và cùng sánh bước ở vùng quê.

Từ góc độ nào đó, có thể thấy đó là sự tán tỉnh theo phong cách phương Tây nhưng lời cầu hôn thì không hề có. Một hôm, ông chỉ hỏi cô sắp xếp thế nào để thử áo cưới. Sau này, ông cũng thừa nhận rằng ông chưa bao giờ chính thức cầu hôn bà và bà cũng thường đùa chưa bao giờ có cơ hội nói “đồng ý”.

Tình yêu của Mandela không chỉ khiến Winnie cũng lãng mạn theo mà còn đưa cô đến với con đường hoạt động chính trị. Mandela yêu Winnie mãnh liệt nhất khi ông ở trong tù. Sự xa cách Winnie đã khiến cô trở thành tượng đài lý tưởng. Ông yêu tất cả những gì thuộc về cô. Điều đó giúp ông nuôi dưỡng hy vọng ngày đoàn tụ với cô và ông có thể trở thành người chồng tốt mà trước đây ông không có điều kiện làm. Ông giữ ảnh vợ trong xà lim và có lần đã viết cho cô: “Anh lau bụi bức ảnh em mỗi buổi sáng, làm như thế, anh có cảm giác vẫn ở bên em như những ngày xưa. Anh chạm vào mũi em để bắt lấy nguồn năng lượng và nguồn năng lượng đó tràn ngập huyết quản anh mỗi khi anh làm thế”.

Năm 1970, Winnie cũng bị bắt và ông đau đớn tột cùng khi nghĩ đến việc không ai chăm sóc các con mình. Ông viết cho vợ: “Anh cay đắng biết bao khi hoàn toàn bất lực trong việc giúp em. Sự chịu đựng về thể xác không là gì nếu so sánh với những tình cảm bị chà đạp”.

Nhưng khi ông được tự do, hai người lại bất đồng về hoạt động chính trị. Năm 1996, ông chia tay Winnie, 2 năm sau ông lại yêu một phụ nữ khác và cưới bà vào ngày sinh nhật thứ 80 của mình. Lần này ông cũng yêu nồng nhiệt. Trong suốt cuộc đời của mình, ông luôn phải cân nhắc giữa tình yêu và trách nhiệm đối với đất nước, cuối cùng trách nhiệm luôn chiến thắng. Có rất ít không gian cho tình yêu của một chiến sĩ cách mạng, nhưng Mandela không bao giờ từ bỏ tình yêu. Niềm tin vào sức mạnh tình yêu mãnh liệt nhất là khi ông bị giam cầm chốn lao tù. Ông từng nói: “Khi bạn yêu một phụ nữ bạn không nhìn thấy những lỗi lầm của người ấy”.

Đó là cách mà ông đã yêu. Cuối cùng ở tuổi 80 ông cũng tìm được tình yêu và hạnh phúc với Gracy Machel. Đó là kết thúc có hậu mà ông đã đi tìm suốt nửa thế kỷ.

VIỆT TRUNG (dịch)

- Kỳ 2: Can đảm không phải không sợ hãi

Tin cùng chuyên mục