Kỷ cương trách nhiệm và sức ép cải cách

Trước bức xúc xã hội về các dự án thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng, mới đây Văn phòng Trung ương Đảng đã có văn bản công bố ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp thuộc ngành công thương; lưu ý một số điểm quan trọng: 
Tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra để làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp; làm rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân liên quan; xử lý nghiêm minh, sớm hoàn tất các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật; không để tái diễn những yếu kém, khuyết điểm trong quản lý và điều hành đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như thời gian qua.

Văn bản trên cũng nêu rõ: Kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án nêu trên. Trong năm 2017, hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phấn đấu đến hết năm 2018 xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém ở các dự án...
Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành 3 nghị quyết quan trọng của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII: Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (NQ 10-NQ/TW); Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (NQ 11-NQ/TW); Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN (NQ 12-NQ/TW). Có thể nói đây là “bộ ba” có vai trò cốt lõi để hoàn thiện thể chế, tạo động lực cải cách triệt để để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đất nước; tạo lực đẩy giải phóng sức sản xuất, kiến tạo mô hình phát triển thời kỳ mới.

Nghị quyết 11-NQ/TW nhấn mạnh: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật. Khuyến khích làm giàu hợp pháp; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế với mục tiêu xây dựng “dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh...

Điểm mới căn bản của NQ 12-NQ/TW là yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN; thực hiện việc tách người quản lý DNNN khỏi chế độ viên chức, công chức; triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch với tất cả các chức danh quản lý, điều hành. Quan hệ kinh tế, tài chính giữa nhà nước và DNNN, nhất là các quyền và nghĩa vụ, phải được thực hiện đầy đủ, minh bạch theo quy định của pháp luật. Các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho DNNN; đối xử bất bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực nhà nước, tín dụng, đất đai, tài nguyên, cơ hội đầu tư, tài chính, thuế... được yêu cầu bãi bỏ.

Điều này tạo sức ép lớn trong việc nâng cao kỷ cương trách nhiệm của người lãnh đạo DNNN; có thể nói sẽ tiến tới xóa bỏ vấn nạn “chạy” chức danh lãnh đạo doanh nghiệp để “ấm” chỗ, với chỉ nhiệm vụ bảo toàn được vốn; không lỗ là đã hoàn thành nhiệm vụ. Từ nay, người quản lý DNNN phải là những ông chủ thật sự, tỏ rõ vai trò của mình trong quản lý, điều hành; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trong doanh nghiệp; phòng ngừa sai phạm và tiêu cực, bảo đảm sử dụng nguồn vốn nhà nước... Có thể nói đó sẽ là những chiếc ghế nóng, phải có bản lĩnh mới đảm đương được nhiệm vụ của mình.

Quan điểm chỉ đạo của NQ 10-NQ/TW có nhiều điểm rất mới: Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, cấp thiết; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Khuyến khích, tạo thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Khẩn trương hoàn thiện pháp luật về đất đai, tài nguyên và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tiếp cận thuận lợi một cách minh bạch, bình đẳng theo cơ chế thị trường; có cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân tích cực tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế...

Có thể nói các Nghị quyết Trung ương 5 đã tạo sức ép cải cách thể chế một cách sâu sắc và triệt để, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nền kinh tế, cụ thể hóa chủ trương nhà nước kiến tạo phát triển; hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và xây dựng đội ngũ cán bộ - doanh nhân có năng lực, phẩm chất, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới. Nghị quyết cũng đã đưa ra các chính sách có tính đột phá để tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trên cơ sở đẩy mạnh đồng bộ cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Người dân kỳ vọng với các quan điểm mới nêu trên sẽ xử lý triệt để, dứt điểm các tồn tại, yếu kém đã tích tụ trong nền kinh tế nhiều năm qua; tạo điều kiện và nguồn lực đưa nền kinh tế phát triển, tự tin bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không bị vấp váp, lỡ bước…

Tin cùng chuyên mục