Kỳ họp đặc biệt quan trọng

Hôm nay, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII kết thúc. Đây là kỳ họp đặc biệt quan trọng, vì Quốc hội đã xem xét và xử lý những vấn đề đặc biệt quan trọng.

Hôm nay, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII kết thúc. Đây là kỳ họp đặc biệt quan trọng, vì Quốc hội đã xem xét và xử lý những vấn đề đặc biệt quan trọng. Trước hết, đó là vấn đề kinh tế. Kinh tế đang hết sức khó khăn: tăng trưởng đang suy giảm ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng tạo ra việc làm và thu nhập mới; nợ xấu như khối u ác tính làm tắc nghẽn gần như mọi giao dịch kinh tế; thị trường bất động sản đóng băng gây ra muôn vàn hệ lụy cho các nhà đầu tư, cũng như các nhà sản xuất; các doanh nghiệp lao đao vì thiếu vốn, thiếu thị trường…

Kỳ họp là diễn đàn quan trọng để Quốc hội và Chính phủ cùng bàn luận và có những phản ứng kịp thời đối với những vấn đề kinh tế hết sức khó khăn của đất nước. Sau kỳ họp này, việc xử lý nợ xấu, việc giải cứu các doanh nghiệp… chắc chắn sẽ được triển khai mạch lạc hơn và quyết liệt hơn.

Thứ hai là vấn đề lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Đây là một vấn đề hết sức hệ trọng đối với việc xác lập chế độ trách nhiệm chính trị. Có vẻ như từ trước đến nay, chúng ta mới chỉ xử lý trách nhiệm được đối với các quan chức cấp dưới nhưng lại chưa có cơ chế để xử lý trách nhiệm đối với quan chức cấp trên.

Các quan chức cấp dưới làm sai chính sách, pháp luật là bị xử lý (bị kỷ luật, bị xử lý hành chính, bị xử lý hình sự). Nhưng quan chức cấp trên hoạch định và ban hành chính sách, pháp luật chưa phù hợp thì không có cách gì để xử lý cả. Nhưng cứ nghĩ mà xem, một chính sách đã bị hoạch định sai thì việc triển khai đúng phỏng có lợi ích gì?!

Như vậy, việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ giúp xử lý vấn đề chế độ trách nhiệm ở tầm cao nhất. Các quan chức cao cấp nhất (ở tầm hoạch định chính sách, pháp luật) không có được tín nhiệm của Quốc hội sẽ bị mất chức. Và đó là trách nhiệm chính trị. Quyền bỏ phiếu tín nhiệm, tất nhiên, sẽ làm cho Quốc hội có thực quyền. Vấn đề còn lại là: phải xác lập được chế độ trách nhiệm của các vị dân biểu trước cử tri thì quyền này mới không bị lạm dụng, không bị sử dụng méo mó.

Thứ ba, Quốc hội đã thảo luận một vấn đề hết sức hệ trọng đối với toàn dân, thậm chí có ý nghĩa to lớn đối với sự ổn định của đất nước sắp tới, đó là Luật Đất đai sửa đổi. Có vẻ như, các tranh chấp, khiếu kiện vô tận về đất đai không chỉ đang lấy đi vô khối tâm lực, trí lực và thời gian của xã hội ta mà còn đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự gắn kết xã hội, cũng như sự ổn định xã hội. Ý kiến thảo luận của các vị dân biểu lần này sẽ giúp cho cơ quan soạn thảo cảm nhận được sâu sắc hơn ý nguyện của nhân dân mà tiếp tục hoàn thiện văn bản cho phù hợp. Luật Đất đai không điều chỉnh những miếng đất mà điều chỉnh quyền của cá nhân, cộng đồng và pháp nhân đối với đất đai. Bảo đảm quyền tự do tài sản và lợi ích công bằng giữa các chủ thể nói trên đối với đất đai là rất quan trọng.

Thứ tư, tuy mới chỉ là cho ý kiến lần đầu nhưng việc thảo luận và cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng hết sức quan trọng. Hiến pháp năm 1992 đã từng được coi là Hiến pháp của đổi mới. Các quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản được Hiến pháp bảo đảm, về thực chất, đã tạo nên bước phát triển ngoạn mục của đất nước ta trong thời gian qua. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này có tạo ra được nguồn động lực mới cho giai đoạn phát triển mới của đất nước hay không là câu hỏi đặt ra cho tất cả chúng ta. Với việc Quốc hội quyết định đưa dự thảo sửa đổi Hiến pháp ra lấy ý kiến toàn dân, mỗi công dân Việt Nam sẽ có cơ hội nói lên ý nguyện và mong muốn của mình đối với công cuộc cải cách Hiến pháp lần này.

Tại kỳ họp đặc biệt này, với tư cách là người quan sát, người ta có thể nhận thấy một điểm mới nổi trội, đó là tính tương tác rất cao giữa đại biểu Quốc hội với cử tri và xã hội thông qua báo chí và các mạng xã hội. Các vị đại biểu dân cử đã nắm bắt rất nhanh nhạy những vấn đề đang nóng bỏng trong cuộc sống và tại diễn đàn Quốc hội, họ đã phản ánh trực tiếp và khá thành công ý chí nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Minh chứng là những phát biểu và đặc biệt là những câu hỏi chất vấn của nhiều đại biểu rất sắc sảo và thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần cho thấy một bước tiến đáng ghi nhận trong tiến trình đổi mới và dân chủ hóa hơn nữa đời sống chính trị trên đất nước ta.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Tin cùng chuyên mục