Ngày 16-7, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 9. Trọn buổi sáng, UBTVQH dành thời gian đánh giá lại kết quả kỳ họp thứ 3, cho ý kiến chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 vào cuối năm.
Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, Văn phòng Quốc hội (QH) trình UBTVQH dự kiến nội dung và thời gian kỳ họp. Theo đó, kỳ họp tới QH sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật và 1 nghị quyết; cho ý kiến 10 dự án luật. Dự kiến QH làm việc khoảng 22 ngày rưỡi; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 22-10 và bế mạc vào ngày 21-11. Kỳ họp này sẽ có nhiều nội dung quan trọng như QH cho ý kiến lần đầu về sửa đổi Hiến pháp, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi; thông qua các Luật Điện lực, Luật Thủ đô, bỏ phiếu quy chế bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ…
Để cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, Văn phòng QH kiến nghị UBTVQH dự kiến tổ chức hội nghị đại biểu QH chuyên trách vào hạ tuần tháng 8-2012 để thảo luận về các dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Thủ đô; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và hội nghị trực tuyến vào đầu tháng 9-2012 để thảo luận về các dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đầu tư công, mua sắm công; Luật hoặc Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Luật Việc làm.
Văn phòng QH cũng đề xuất, tại kỳ họp thứ 4 tiếp tục triển khai việc gửi tài liệu dưới dạng điện tử và chỉ gửi tài liệu là văn bản giấy theo đăng ký của đại biểu QH và các tài liệu mật hoặc có nội dung nhạy cảm. Ngoài ra, tiếp tục giảm tối đa việc nghe đọc văn bản tại hội trường.
Văn phòng QH cũng đề nghị UBTVQH xem xét tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn từ 2 ngày rưỡi như thông lệ lên 3 ngày để có thể bố trí các bộ trưởng báo cáo về việc thực hiện lời hứa tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp thứ 3 (đối với những vụ việc bức xúc, đến thời hạn trả lời ĐBQH như đã hứa).
“Cần nâng cao chất lượng hoạt động QH ở tất cả các khâu. Cần hiện đại hóa hoạt động của QH (gửi tài liệu điện tử), tuy nhiên cần thận trọng, phù hợp. Đọc báo cáo ở QH cần ngắn gọn, cô đọng lại. Báo cáo nào có thể gửi sẽ gửi ĐB, còn báo cáo cần đọc vẫn phải đọc trước QH” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói. Về chất vấn ở kỳ họp thứ 4, Chủ tịch QH cho biết sẽ không diễn ra trong 3 ngày mà vẫn 2 ngày rưỡi. Trong đó điểm mới, sẽ dành nửa ngày để QH chất vấn lại các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn trước đó, như một hình thức kiểm lại những lời hứa của các bộ trưởng.
Về kỳ họp cuối năm, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho biết, QH sẽ cho ý kiến lần đầu về sửa Luật Đất đai, vì luật này liên quan đến toàn thể người dân, đến toàn bộ các chính sách đầu tư từ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đến điều kiện ăn ở của người dân nên phải chuẩn bị thật tốt để cùng các cơ quan liên quan sửa luật này.
Sau khi có ý kiến của các thành viên UBTVQH, Chủ tịch QH yêu cầu các bộ ngành liên quan chuẩn bị để UBTVQH dành 1 ngày rưỡi chất vấn 3 vị bộ trưởng: Tổng Thanh tra Chính phủ (về giải quyết khiếu nại tố cáo, sửa Luật Phòng chống tham nhũng); Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (về nợ xấu, cơ cấu ngân hàng); Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH (về dạy nghề...).
Chiều cùng ngày, UBTVQH đã thảo luận và thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (có hiệu lực từ 1-9-2012). Theo đó, pháp lệnh này được chỉnh lý theo hướng chuyển nhóm đối tượng người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày đang hưởng trợ cấp 1 lần hiện nay sang chế độ trợ cấp hàng tháng. Thực hiện chế độ điều dưỡng 2 năm một lần đối với những người hiện nay thuộc diện hưởng chế độ điều dưỡng 5 năm một lần; đồng thời bổ sung chế độ điều dưỡng hàng năm đối với trường hợp cha đẻ có 1 con duy nhất là liệt sĩ; cha đẻ, mẹ đẻ có 2 con là liệt sĩ trở lên... Với việc điều chỉnh chế độ này, mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ chi tăng thêm 10.000 tỷ đồng.
| |
Phan Thảo