Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2014
Ngày 31-10, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị sơ kết Chương trình hợp tác thương mại và kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2014. Đây là chương trình xúc tiến trọng điểm, có quy mô lớn nhất tại TPHCM hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với các hệ thống phân phối tại TPHCM, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa liên tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thu hút nhiều DN tham gia
Hội nghị cung cầu hàng hóa vào hệ thống phân phối giữa TPHCM với các tỉnh, thành năm 2014 đã tiếp đón gần 1.300 đại biểu của 38 tỉnh, thành trong cả nước (13 tỉnh miền Tây, 8 tỉnh miền Đông Nam bộ, 9 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và 8 tỉnh miền Bắc) tham dự. Trong đó, bao gồm các vị lãnh đạo đứng đầu các tỉnh, thành; sở, ngành, liên minh HTX; 1.100 DN tham gia, trong đó có 433 DN sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu; 147 DN, hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ (gồm 14 hệ thống siêu thị, 67 hệ thống cửa hàng, 3 chợ đầu mối, 63 chợ loại 1-2 trên địa bàn TP); 152 DN tiêu thụ sản phẩm như nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, căn tin trường học; 8 tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Với 124 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm (tăng 92 DN và tăng 67 gian hàng so với năm 2013), thuộc các nhóm hàng nông sản, thực phẩm, bánh kẹo, rau củ quả… DN và HTX của các tỉnh mang đến chương trình rất nhiều mặt hàng đặc sản, mới lạ, độc đáo của từng địa phương, từng vùng miền như bưởi Năm Roi, kẹo dừa Bến Tre, các loại đặc sản khô như cá lóc, cá điêu hồng… Đặc biệt, các DN của TPHCM cũng giới thiệu đến đối tác các mặt hàng vốn là thế mạnh như thực phẩm chế biến Vissan, trứng gia cầm Ba Huân, thịt gia cầm và trứng gia cầm Phạm Tôn, San Hà, rau VietGAP của HTX Ngã Ba Giòng… Đại diện các nhà phân phối lớn của TPHCM như Saigon Co.op, Big C, Citimart, 3 chợ đầu mối của TP là Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn… cũng cung cấp thông tin cho các DN về hệ thống phân phối của mình, cũng như các tiêu chuẩn hàng hóa vào siêu thị.
Sản xuất nước mắm phục vụ bình ổn thị trường tại Công ty cổ phần chế biến thủy hải sản Liên Thành. Ảnh: C.Thăng.
Kết quả đã có 347 hợp đồng nguyên tắc của các DN tại 33 tỉnh, thành đã thực hiện đàm phán thỏa thuận tại hội nghị được ký kết, trong đó 13 tỉnh miền Tây ký kết 214 hợp đồng; 8 tỉnh miền Đông và Tây Nguyên ký kết 53 hợp đồng và 5 tỉnh miền Trung ký 33 hợp đồng. Nhận định về kết quả đạt được trong 3 năm qua, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết kết quả này có ý nghĩa hết sức to lớn, hội nghị kết nối ngày càng quy mô và có tính lan tỏa ngày càng lớn và thu hút nhiều DN tham gia từ các tỉnh, thành, thể hiện qua số lượng DN và hợp đồng kết nối giao thương tăng lên từng năm. Hội nghị đã trở thành nơi hội tụ các đặc sản vùng miền, gặp gỡ kết nối giao thương giữa hệ thống phân phối, nhà tiêu thụ và DN sản xuất.
Cần sự góp sức của các bên
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết từ hội nghị kết nối lần đầu tiên vào tháng 12-2012, đến nay Saigon Co.op khi đi cùng với Sở Công thương TPHCM đã thực hiện ký kết hàng trăm hợp đồng nguyên tắc với các DN, HTX. Sau khi ký kết, bộ phận thu mua của Saigon Co.op đã đi trực tiếp đến các nhà vườn, các đơn vị để thực hiện các hợp đồng với sản lượng hàng chục ngàn tấn hàng hóa. Việc hợp tác này quan trọng và có ý nghĩa rất lớn, đó là tạo đầu ra ổn định cho nhà nông, còn người tiêu dùng sẽ tiếp cận được những sản phẩm độc đáo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Lê Ngọc Đào nhìn nhận chương trình kết nối cung - cầu vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, một số hợp đồng nguyên tắc đã được ký kết, tuy nhiên đến nay chưa triển khai thực hiện được, lý do nhà cung ứng sản xuất sản phẩm tại các tỉnh, thành chưa đáp ứng được tiêu chí, yêu cầu của các hệ thống phân phối TP. Nguyên nhân chính là do DN chậm thay đổi về mẫu mã, kích thước, bao bì sản phẩm, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm… theo yêu cầu của nhà phân phối. Mặt khác, một số nhà cung ứng không đảm bảo yêu cầu về thời gian, tiến độ giao hàng kịp thời cho hệ thống phân phối vì không có kho hàng, điểm tập kết và mạng lưới điều phối hàng hóa tại TP. Chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển, đổi trả sản phẩm tăng cao do bước đầu tiếp cận hệ thống phân phối, người tiêu dùng chưa nhận biết được về thương hiệu sản phẩm, doanh thu bán hàng đạt tỷ lệ thấp. Vì vậy, những nhà sản xuất có tiềm lực tài chính kém khó duy trì việc cung ứng hàng hóa trong khoảng thời gian dài…
Để khắc phục những nhược điểm này, các bên cần nỗ lực hơn trong việc hỗ trợ về vốn, kiến thức, công nghệ cho các DN. Vấn đề đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng là việc làm đòi hỏi sự góp sức của nhiều bên, trong đó rất cần sự trợ giúp của cơ quan quản lý. Bà Lê Ngọc Đào cũng cho biết, mục đích của việc kết nối hàng hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhà sản xuất trực tiếp tiếp cận hệ thống phân phối, từ đó tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp DN ổn định phát triển sản xuất. Thông qua chương trình, các hệ thống phân phối của TP cũng sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho các DN, HTX khi đưa hàng hóa vào siêu thị, cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì… Nếu các DN có nhu cầu hợp tác, Sở Công thương TP sẽ tiếp tục làm cầu nối nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các DN.
|
HẠNH NHUNG - THÚY HẢI