Kỷ niệm 60 năm trận Phước Thành 17-9-1961_17-9-2021: Chiến thắng Phước Thành - Ý nghĩa vượt khỏi phạm vi một trận đánh

Thắng lợi của cuộc tiến công tỉnh lỵ và tiểu khu Phước Thành có một ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. Kết quả của nó vượt khỏi phạm vi một trận đánh thông thường, tác động sâu sắc đến cục diện chung ở chiến trường miền Đông Nam bộ trong những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước.
Các đại biểu dự Hội thảo chiến thắng Phước Thành do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Tỉnh ủy Sông Bé tổ chức năm 1983. (Hàng ngồi, thứ 4 từ trái sang là Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam)
Các đại biểu dự Hội thảo chiến thắng Phước Thành do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Tỉnh ủy Sông Bé tổ chức năm 1983. (Hàng ngồi, thứ 4 từ trái sang là Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam)

Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng với luận điểm cơ bản: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân” đã mở một cao trào đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị trên toàn miền Nam. Tại miền Đông Nam Bộ, tiếp nối các trận đánh vang dội ở Sở Cao su Bến Củi (3-4-1957), đồn điền Minh Thạnh (10-8-1957), Trại Be (10-9-1957), Lò Than (19-12-1957), Chi khu Dầu Tiếng (11-8-1958), Trụ sở MAAG Nhà Xanh (7-7-1959), Căn cứ Tua Hai (26-1-1960); tháng 9-1961, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông chủ trương tổ chức một trận tiến công Tiểu khu quân sự Phước Thành, nhằm tiêu diệt toàn bộ quân đội và cảnh sát Sài Gòn tại đây, làm chủ tiểu khu và tỉnh lỵ, gây tiếng vang lớn về chính trị, phá tan ý đồ dùng Phước Thành làm lá chắn và bàn đạp tiến công Chiến khu Đ. 

1. Tỉnh Phước Thành và Tiểu khu Phước Thành

Mặc dù Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký, nhưng đế quốc Mỹ không chịu thi hành Hiệp định, trực tiếp nhảy vào miền Nam Việt Nam, thiết lập thể chế chính trị thân Mỹ, áp đặt chính sách thực dân kiểu mới, xây dựng bộ máy bạo lực phản cách mạng và sử dụng bộ máy ấy để đàn áp phong trào cách mạng miền Nam. Nhằm tạo ra một lá chắn kiểm soát vùng Chiến khu Đ, ngày 23-1-1959, chính quyền Sài Gòn cắt một phần đất của tỉnh Biên Hòa và tỉnh Thủ Dầu Một để thành lập tỉnh Phước Thành (gồm 3 quận: Phú Giáo, Tân Uyên, Hiếu Liêm, tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Phước Vĩnh) và điều Thiếu tá Ngô Minh Mẫn, con nuôi của Ngô Đình Diệm về làm tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng.

Về quân sự, Diệm lập ở Phước Thành 1 tiểu khu (đặt tại thị trấn Phước Vĩnh) và 3 chi khu đặt tại 3 quận Phú Giáo, Tân Uyên, Hiếu Liêm. Tiểu khu Phước Thành thuộc Khu chiến thuật 32, Vùng chiến thuật 3.

Tại tiểu khu, chúng bố trí 1 tiểu đoàn chủ lực cơ động, 6 đại đội bảo an, 1 tiểu đoàn biệt động quân, 1 đại đội cảnh sát hiến binh, 1 đại đội pháo (3 khẩu 50mm) và 1 chi đội thiết giáp (5 xe bọc thép), tổng cộng hơn 2.000 quân, chưa kể lực lượng sẵn sàng ứng cứu thuộc Sư đoàn bộ binh 5 đóng tại Bến Cát.

Toàn bộ lực lượng nói trên được bố trí trong 3 khu vực: 1) Khu trung tâm tỉnh lỵ (có dinh tỉnh trưởng, toà hành chính tỉnh) và đại đội cảnh sát hiến binh; 2) Khu phía Bắc gồm tiều đoàn biệ động quân, chi đội thiết giáp và pháo binh. 3) Khu phía Nam gồm lực lượng bảo an và đội quản lý trại giam (có lúc giam cầm trên 500 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước).

Toàn bộ nằm trong một khu vực biệt lập xung quanh có tường xây và rào dây thép gai bảo vệ. Mọi sự ra vào tỉnh lỵ đều bị kiểm soát chặt chẽ ở 2 cổng gác phía Đông và phía Tây. Âm mưu của chính quyền Sài Gòn là biến Phước Thành thành căn cứ quân sự, một mắt xích quan trọng trong hệ thống cứ điểm liên hoàn bảo vệ Sài Gòn trên hướng Bắc, Đông Bắc, đồng thời làm bàn đạp tiến công đánh phá sâu vào Chiến khu Đ.

2. Trận đánh “ra mắt” của Quân Giải phóng miền Đông Nam Bộ 

Từ sau cao trào Đồng Khởi, tại Nam bộ, các đơn vị vũ trang tại chỗ phát triển nhanh chóng, từng đoàn cán bộ tập kết ra miền Bắc lần lượt trở về, số vũ khí do Trung ương chi viện bằng đường biển ngày một lớn, lực lượng vũ trang ba thứ quân hình thành rộng khắp. Tại miền Đông Nam bộ, tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của Quân khu 7 được thành lập, lấy phiên hiệu là D500. Tiểu đoàn có 2 đại đội bộ binh (C59, C80), 1 đại đội trợ chiến (C300) và 1 đại đội trinh sát. Về tổ chức quân sự theo lãnh thổ, tháng 5-1961, Quân khu 7 (Đông Nam bộ) được thành lập, do Trưởng ban Quân sự miền Đông Nguyễn Hữu Xuyến làm Chỉ huy trưởng, Bí thư Khu ủy Mai Chí Thọ kiêm Chính ủy. 

Ngay sau ngày thành lập, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông chủ trương tổ chức trận tiến công Tiểu khu quân sự Phước Thành, nhằm tiêu diệt lực lượng quân đội và cảnh sát Sài Gòn tại đây, làm chủ tiểu khu và tỉnh lỵ, giải thoát tù chính trị, phá tan ý đồ dùng Phước Thành làm lá chắn và bàn đạp tiến công vào Chiến khu Đ.

Theo kế hoạch, lực lượng tham gia trận đánh, ngoài các đơn vị vũ trang địa phương phối hợp ở vòng ngoài, có Tiểu đoàn 800 (đổi phiên hiệu từ Tiểu đoàn 500) của Quân khu 7, được tăng cường Đại đội đặc công trinh sát 260 và bốn khẩu đội ĐKZ của Q761 chủ lực Miền. Ban chỉ huy trận đánh được thành lập gồm: Nguyễn Hữu Xuyến - Chỉ huy trưởng; Nguyễn Việt Hồng - Chính ủy; Đặng Ngọc Sĩ - Chỉ huy phó; Đặng Hữu Thuấn - Tham mưu trưởng. 

22 giờ đêm 17-9, các đơn vị tham gia trận đánh lần lượt tiến vào chiếm lĩnh trận địa. Trên hướng tiến công chủ yếu (phía Tây tiểu khu), bộ đội lợi dụng sau mỗi lần đèn pha từ các tháp canh chiếu quét qua để nhích dần đội hình, vượt bãi trống, vượt qua cổng, tiến thẳng đến dinh tỉnh trưởng, đặt bộc phá. Đúng 23 giờ, bộc phá nổ, đánh sập một góc sau của dinh.

Sau tiếng bộc phá lệnh, tất cả các hướng, mũi đồng loạt nổ súng. Đại đội 59 và 1 tiểu đội đặc công đánh thẳng vào dinh tỉnh trưởng, chi đội thiết giáp; Đại đội 260 và 1 tiểu đội đặc công khác tiến công ty cảnh sát, đại đội hiến binh; Đại đội 300 cùng một phân đội đặc công tiến đánh lực lượng bảo an và chiếm lĩnh khu trại giam. Trên hướng tiến công thứ yếu (phía Bắc tiểu khu), khẩu đội ĐKZ nổ súng tiêu diệt lô cốt ở góc phía Tây Bắc, phân đội đặc công dùng mìn đánh thủng tường thành để Đại đội 80 tiến công khu doanh trại tiểu đoàn biệt động quân và trận địa pháo. Phân đội ĐKZ bắn chế áp sự kháng cự của tiểu đoàn bảo an, chi đội thiết giáp và các ổ đề kháng đặt trên toà hành chính, khu nhà xe. 

Sau gần 1 giờ 30 phút chiến đấu, các lực lượng tiến công đã hoàn toàn làm chủ tiểu khu quân sự và trung tâm hành chính tỉnh, làm tan rã lực lượng chiếm đóng tại thị trấn Phước Vĩnh, bắt tù binh, giáo dục và thả tại chỗ, thu gom chiến lợi phẩm. Riêng 4 chiếc xe thiết giáp, 3 khẩu pháo 105mm tuy đã có kế hoạch kéo về  để sử dụng, nhưng không đúng chủng loại bộ đội đã được học ở miền Bắc, không biết thao tác nên đành phải phá huỷ. Kết quả, Quân giải phóng loại khỏi chiến đấu trên 2.000 tên (gồm 1 tiểu đoàn biệt động quân, 1 tiểu đoàn bảo an, 1 chi đội thiết giáp, 1 đại đội pháo 105mm, 2 đại đội bảo an độc lập, 1 đại đội cảnh sát dã chiến, 1 đại đội dân vệ...); diệt 300 tên (có tỉnh trưởng kiêm chỉ huy trưởng tiểu khu), bắt sống 15 tên (có tỉnh phó và trưởng ty cảnh sát), bắt giáo dục và thả tại chỗ 400 hàng binh; phá hủy 3 khẩu pháo 105mm, 1 súng đại liên, 16 xe quân sự (có 4 xe thiết giáp); thu hơn 600 súng các loại cùng nhiều đồ dùng quân sự; giải thoát 300 tù chính trị. 

3. Ý nghĩa vượt khỏi phạm vi một trận đánh 

Thắng lợi của cuộc tiến công tỉnh lỵ và tiểu khu Phước Thành có một ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. Kết quả của nó vượt khỏi phạm vi một trận đánh thông thường, tác động sâu sắc đến cục diện chung ở chiến trường miền Đông Nam bộ trong những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước.

Trước hết, sự thất thủ, tan rã hoàn toàn của tất cả cơ quan hành chính, tòa tỉnh trưởng và toàn bộ căn cứ tiểu khu quân sự chỉ cách Sài Gòn 80km đã gióng lên tiếng chuông báo hiệu sự phá sản không thể tránh khỏi của kế hoạch Staley - Taylor của Mỹ ở miền Nam. Sau sự kiện 17-9, mặc dù được bổ sung quân số, trang bị và hệ thống công sự phòng thủ, tuy nhiên tiểu khu vẫn không ngừng bị các lực lượng vũ trang cách mạng tiến công. Và ngày 6-7-1965, chính quyền Sài Gòn buộc phải giải thể tỉnh Phước Thành do không thể thực hiện được nhiệm vụ bao vây và tiến công cơ quan đầu não kháng chiến cùng các đơn vị Quân Giải phóng trong Chiến khu Đ như mục đích đề ra. 

Về phía lực lượng kháng chiến, trận đánh Phước Thành là một trong những chiến thắng quan trọng nhất của quân và dân miền Đông Nam bộ nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng trong thời điểm khởi đầu chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ; tạo nên một hiệu ứng mới, khích lệ và tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương đồng loạt tiến công địch tại các bót cầu Ông Hựu, cầu Gõ, cầu Chùa, cầu Rạch Rỡ, cầu Bà Đặng (Tân Uyên); tại ấp chiến lược Nhà Đỏ, các xã Phước Sang, An Long, An Linh, dọc Đường số 14 từ Bố Lá (Phú Giáo)…

Với riêng lực lượng vũ trang cách mạng, lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quân Giải phóng tiến công một tiểu khu và làm chủ toàn bộ tỉnh lỵ của quân đội và chính quyền Sài Gòn. Trận đấu đạt hiệu suất chiến đấu rất cao, thể hiện sự trưởng thành về trình độ tổ chức, chỉ huy chiến đấu của cán bộ và trình độ kỹ, chiến thuật của chiến sĩ. 

Cuộc tiến công tỉnh lỵ Phước Thành và phong trào đấu tranh quân sự, chính trị và binh vận sau đó đã phá thế bao vây chia cắt của địch, mở thông hành lang từ Chiến khu Đ phát triển đi các hướng, nối liền Chiến khu Đ với các căn cứ địa ở Bến Cát, Dầu Tiếng, sang chiến khu Dương Minh Châu, tạo thế liên hoàn giữa các căn cứ lớn ở miền Đông Nam Bộ. Nó đánh dấu thời kỳ đấu tranh quân sự được đẩy mạnh, làm “đòn xeo” cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân, góp phần đánh dấu một bước nhảy vọt quan trọng chuyển cách mạng miền Nam sang thế tiến công, phát triển cao trào cách mạng ra khắp miền với sự kết hợp cả hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự. 


Tin cùng chuyên mục