(SGGPO).- Lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm 65 năm Ngày tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (06-01-1946 – 06-01-2011) đã được tổ chức trọng thể sáng nay, 5-1, tại Nhà Hát Lớn (Hà Nội).
Đây cũng là nơi đã diễn ra kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I. Tham dự buổi lễ có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Trước đó, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Quốc hội, đại biểu Quốc hội các thời kỳ đã vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong diễn văn khai mạc lễ mít tinh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá sự kiện trọng đại này “đã đánh dấu bước nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho đất nước. Từ đó đến nay, mỗi khóa Quốc hội đều để lại dấu ấn riêng và thực hiện tốt các chức năng đã được nhân dân giao phó; không ngừng phát huy vai trò cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân”.
Về hoạt động của Quốc hội hiện nay, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nhận định, hoạt động lập pháp đang ngày càng được đẩy mạnh, góp phần phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Hoạt động giám sát của Quốc hội cũng đang được nâng cao, tập trung vào các vấn đề bức xúc nhất. Quy trình thủ tục giám sát được cải tiến mạnh mẽ, nhất là chất vấn và giám sát chuyên đề, góp phần thúc đẩy các cơ quan nhà nước từng bước khắc phục các thiếu sót, hạn chế. Việc xem xét quyết định các vấn đề quan trọng đang ngày càng thực chất hơn.
Mọi thành tựu của Quốc hội 65 năm qua bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Quốc hội các khóa luôn nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng. Đó cũng là kết quả sự gắn bó giữa Quốc hội và nhân dân, nắm bắt đúng tâm tư nguyện vọng của dân. Việc lắng nghe dân đã làm cho Quốc hội thực sự trở thành cơ quan đại biểu cao nhất, đại diện cho tiếng nói của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong những năm trước mắt, sự nghiệp đổi mới đang đòi hỏi Quốc hội phải cải tiến nhiều hơn nữa, cụ thể là tiếp tục đổi mới các hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề, phát huy dân chủ, tăng hợp lý số lượng đại biểu chuyên trách làm việc tại các Ủy ban và Hội đồng Dân tộc, xem đây là lực lượng nòng cốt của Quốc hội.
| |
B. VÂN