Cuộc đời của ba tôi thật ngắn ngủi. 43 tuổi đời thì 23 năm hiến trọn đời mình cho dân cho nước, với năm lần vào tù và cuối cùng hy sinh nơi địa ngục Côn Đảo.
Năm 1923 lúc mới 23 tuổi, ông đã đăng đàn diễn thuyết kêu gọi thanh niên phải sống có lý tưởng. Sau đó ông làm báo, diễn thuyết công khai, đả kích quyết liệt chế độ thống trị tàn bạo của thực dân Pháp ở Đông Dương. Những hoạt động của ông đã khiến cả bộ máy thống trị ở Nam kỳ thời đó mất ăn mất ngủ. Bên cạnh những hoạt động công khai, không ít việc ông làm thầm lặng ít người biết đến.
Ba tôi cùng chú Nguyễn Văn Trân đi bán dầu cù là suốt mấy năm liền là một việc làm thầm lặng, là tấm lòng của người trí thức đối với đất nước, với dân tộc, với Đảng Cộng sản. Chú Nguyễn Văn Trân là bạn của ba tôi từ những ngày chú còn học bên Pháp. Chú là người Việt Nam tham gia Đảng Cộng sản Pháp rất sớm, được Đảng Cộng sản Pháp cử đi học Trường Đại học Đông Phương ở Mạc Tư Khoa năm 1927. Chú là cán bộ phụ trách kinh tài của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương trong giai đoạn chú Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư.
Má tôi kể lại:
Một ngày đầu năm 1932, ba tôi đi thăm bạn bè ở Khám Lớn về, nét mặt vui vẻ khác hẳn ngày thường. Má tôi chưa kịp hỏi, ba tôi đã nói:
- Trân được thả rồi, anh phải đi tìm Trân bàn công việc. Nếu Trân đồng ý thì em có thêm việc rồi đó.
- Việc gì? Anh nói để em còn sắp xếp.
- Nấu dầu cù là cho anh đi bán.
- Mình đã túng bấn đâu? Hơn nữa em chưa nấu dầu lần nào, phải nấu thử mới được.
- Đi bán cù là chỉ là cái cớ để đi đây đi đó thôi. Còn dầu hay dở gì cũng được, bà con mua dầu hiểu mà, anh có phải nhà bào chế thuốc đâu.
- Nhưng anh và chú Trân mới ra tù, mật thám đang theo dõi gắt gao.
- Hai người đều mới ra tù, đi thăm nhau và cùng đi bán cù là kiếm sống cũng được chứ.
Vậy là mẻ dầu cù là đầu tiên ra đời, ba tôi chẳng quan tâm nó hay dở ra sao. Ba tôi chuẩn bị đi Cần Giuộc gặp chú Nguyễn Văn Trân. Ông hóa trang như hướng đạo, quần sọt, sơ mi ngắn tay, đội mũ rộng vành, đeo ba lô. Đêm đó trong căn chòi bên bờ sông, gió se lạnh, họ nằm trên đống rơm, tâm sự tới sáng mới chợp mắt. Ba tôi mở lời:
- Tôi đi học để mở rộng hiểu biết. Tôi nghiên cứu chủ nghĩa Mác từ lúc ở Paris. Tôi cũng biết Nguyễn Ái Quốc tìm cách về nước lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nên tôi về nước để hiệp lực cùng làm. Mấy năm nay tôi làm báo là để nâng cao giác ngộ cho tầng lớp thanh niên trí thức có học. Tôi đi diễn thuyết khắp nơi để mở mang trí óc cho bà con lao động và nông dân còn thất học.
- Còn vụ “Hội kín Nguyễn An Ninh” thật hư thế nào?
- Tụi mật thám báo cáo tôi lập “Đảng Cộng sản Nguyễn An Ninh”, còn tòa xử tôi tội lập “Hội kín”. Kỳ thật là tôi lập tổ chức “Thanh niên Cao Vọng” để có lực lượng quần chúng được chọn lọc, sẵn sàng khi cách mạng cần, cũng là lực lượng quần chúng để giới thiệu cho Đảng. Tôi biết phải có Đảng Cộng sản lãnh đạo, cách mạng mới thành công. Cuối năm 1927 lúc tôi gặp anh ở Paris, tôi cũng đã gặp Nguyễn Ái Quốc và có nói về lực lượng Thanh niên Cao Vọng (TNCV). Năm ngoái trước khi anh vào chung khám với tôi thì tôi và Phạm Văn Đồng cũng sống chung một khám suốt năm. Chúng tôi trao đổi nhiều lắm. Tôi hoàn toàn nhất trí và ủng hộ đường lối đấu tranh cách mạng của Đảng Cộng sản.
- Bây giờ anh tính làm cách nào?
- Các anh phát triển cơ sở quần chúng lúc này phải tốn nhiều công sức và thời gian. Đang lúc khủng bố trắng, chưa chắc quần chúng dám gặp, dám nghe các anh. Tốt nhất và mau nhất là tôi sẽ giới thiệu cốt cán TNCV cho các anh chọn lọc.
- Bằng cách nào?
- Làm việc này cũng phải có thời gian, vì TNCV ở khắp các tỉnh. Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi, mình phải làm cho mật thám không nghi ngờ mới có đủ thì giờ đi các nơi. Tôi dẫn anh đi, bề ngoài tụi mình bán dầu cù là, bên trong đi để tôi giới thiệu anh với anh em.
- Anh định đi bao lâu thì xong?
- Chừng nào gặp hết số cốt cán của TNCV thì thôi. Hồi giữa năm 1928 tôi nắm chắc con số là bốn ngàn anh em. Nhưng tôi bị tù hai lần, bên ngoài anh em phát triển thêm, tôi chưa nắm. Từ cuối năm 1929 đến 1930 - 1931, số anh chị em được Đảng giác ngộ kết nạp bao nhiêu tôi cũng chưa nắm. Bây giờ mình cứ đi, anh em nào chưa vào Đảng thì anh ráng nhớ theo từng vùng, rồi báo cáo lại để Xứ ủy chỉ đạo các tỉnh tiến hành phát triển.
- Anh để tôi thu xếp vài bữa rồi tôi lên Hóc Môn đi với anh.
Từ đó ba tôi và chú Nguyễn Văn Trân với hai chiếc xe đạp đã đi khắp hang cùng hẻm tận của Nam Kỳ để bán dầu cù là. Biết mật thám theo dõi nên ba tôi cùng chú Trân đi công khai bán cù là thật để kiếm sống. Trên đường đi, nơi nào có đông người thì ba tôi dừng xe lại, bất kể là phố xá, chợ búa, rạp hát, đình chùa hoặc lễ hội. Ba tôi rao to: “Cù là An Ninh đây, chuyên trị bá chứng, riêng chứng bệnh mất nước thì không trị được, mời bà con cô bác dùng thử. Mại vô, mại vô”.
Vừa nghe rao cù là An Ninh, bà con đã nhanh chóng tụ tập quanh ba tôi. Chú Trân bán dầu, còn ba tôi tranh thủ kể chuyện tình hình trong Nam ngoài Bắc, tình hình bên Tây, bên Tàu, bên Nga cho bà con nghe. Trước nghe ông Ninh kể chuyện, sau mua dầu ủng hộ, mỗi chai dầu mười xu, bà con trả tiền gấp đôi, gấp ba, cũng không cần lấy tiền thối lại.
Ròng rã suốt mấy năm trời từ giữa năm 1932 đến đầu năm 1935, dưới lớp vỏ bọc người đi bán dầu cù là, ba tôi và chú Nguyễn Văn Trân lặn lội kết nối từng anh em, âm thầm góp sức cùng các cô chú cộng sản gây dựng lại phong trào, để đến năm sau ba tôi đốt ngòi pháo cho cao trào dân chủ bằng lời kêu gọi đăng trên báo “La Lutte” số 92 ngày 29-7-1936 với tiêu đề “Tiến tới một Đại hội Đông Dương”.
NGUYỄN THỊ MINH