Bà Bùi Thị Vân (Bảy Vân) năm nay ngoài 80 tuổi nhưng còn khá minh mẫn và vẫn nhớ như in hào khí của những ngày tháng Tám mùa Thu lịch sử và Nam bộ kháng chiến trên quê hương Bà Điểm - Hóc Môn cách nay 71 năm. “Ông nội tôi là Bùi Văn Nhượng, tôi là con ông Bùi Văn Ngữ (Bảy Ngữ) và là cháu gọi ông Bùi Văn Thủ (Sáu Thủ) là bác. Những người đó đều là chiến sĩ cách mạng thời Nam Kỳ khởi nghĩa 1940 và trong Cách mạng Tháng Tám 1945, Nam bộ kháng chiến - nào giờ được thờ cúng tại căn nhà này - 28/1 ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm…”, bà Bảy Vân bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về những ngày Nam bộ kháng chiến 71 năm trước.
Bà Bảy Vân giới thiệu ngôi nhà 28/1 ấp Tiền Lân - địa chỉ đỏ Nam bộ kháng chiến được giữ gìn tới ngày nay (Ảnh: HOÀI NAM)
Tất cả vì độc lập
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng căn nhà gỗ còn giữ nguyên lối kiến trúc vùng Nam bộ xưa, bà Bảy Vân dừng lại trên nền gạch gian trái bên phải căn nhà nói: “Hồi đó, chỗ này có căn hầm bí mật dùng làm nơi hội họp của Xứ ủy Nam kỳ và Ủy ban kháng chiến quận Hóc Môn. Ngày đó tôi còn nhỏ nhưng vẫn nhớ hình ảnh tối tối các chú, các bác tụ tập về đây chuẩn bị khẩu hiệu đi biểu tình, rồi tập hát các bài ca cách mạng. Khí thế cách mạng sôi sục, hòa với lời thề, câu hát “Độc lập hay là chết”, “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng”, “Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông”… vang cả xóm trên làng dưới”. Cũng theo bà Bảy Vân, từ trước ngày nổ ra Nam bộ kháng chiến, khi nghe quân Pháp chuẩn bị tấn công cả vùng Bà Điểm gồm các ấp Tiền Lân, Hậu Lân, Đông Lân… nhà cửa, ruộng vườn người dân bỏ tan hoang, già trẻ, gái trai đều lo chống giặc. “Lúc đó, không ai tiếc gì đâu, có gì góp nấy, nào gạo thóc, nào gà vịt, có nhà còn tháo vách lấy cây, chặt tầm vông để làm gậy gộc, rào chắn xóm làng ngăn không cho quân giặc tới. Nhà nào cũng có người tham gia không Thanh niên Tiền phong, Phụ nữ Tiền phong, thì Thanh niên cứu quốc… Tất cả chỉ có biết giữ lấy độc lập, bảo vệ cách mạng, bảo vệ xóm làng…”, bà Bảy Vân nhớ lại.
Cũng có mặt trong hàng ngũ Thanh niên Tiền phong ở Hóc Môn 71 năm trước, ông Nguyễn Văn Sĩ (Hai Sĩ) nhớ lại: “Lúc đó tôi chừng 21, 22 tuổi, từ trước khởi nghĩa cướp chính quyền là đi luôn, sau tham gia võ trang của Chi đội 12 do anh Tô Ký làm Chi đội trưởng. Để ngăn quân Pháp từ xa, ta bố trí thành 4 mặt trận Đông, Tây, Nam, Bắc. Trong đó, mặt trận cánh Bắc Hóc Môn do lực lượng Thanh niên Tiền phong và Thanh niên cứu quốc của Hóc Môn trấn giữ tại cầu Tham Lương và Bến Phân (Chợ Cầu ngày nay). Vũ khí lúc đó còn thô sơ lắm, mỗi đơn vị có vài cây súng, còn lại là dao kiếm, cung nỏ, gậy gộc…Vậy mà cũng giữ được Hóc Môn và Sài Gòn gần 1 tháng để lực lượng ta kịp rút ra chiến khu tiếp tục kháng chiến…”.
Giữ vững lòng dân trong lòng địch
Trong nhiều tài liệu, sử sách viết về truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Hóc Môn từ năm 1930 đến năm 1975 đều nói đến lòng dân luôn sắt son hướng về cách mạng, trong cả suốt giai đoạn dài sống trong lòng địch. Đặc biệt là sau Nam bộ kháng chiến 23-9-1945, Ủy ban hành chính từ quận Hóc Môn, Bà Điểm đến các vùng Tân Sơn Nhất, Tân Sơn Nhì, Vĩnh Lộc, Xuân Hòa, Tân Thới Hiệp, Trung Mỹ, Trung Chánh Tây… vẫn được giữ vững trong một thời gian dài, vừa để bảo vệ cơ sở cách mạng, nuôi giữ, phát triển lực lượng võ trang, vừa làm bàn đạp chống trả lại quân Pháp mở các đợt càn quét. Từ những năm 1946 đến 1948, dù bị quân Pháp liên tiếp đánh phá nhưng lực lượng kháng chiến vẫn tiếp tục được củng cố và phát triển. Các cơ sở kháng chiến trong quận Hóc Môn vẫn giữ vững, phong trào du kích chiến tranh phát triển, lực lượng võ trang ngày càng trưởng thành và được bổ sung nhiều phương tiện, vũ khí chiến đấu, đã góp phần làm nên những chiến thắng vang dội trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn giữa lòng địch.
Ngày nay, phát huy truyền thống trên quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa và vùng đất cách mạng của Nam bộ kháng chiến, Đảng bộ huyện Hóc Môn nói chung và xã Bà Điểm nói riêng luôn đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp. Nhiều di tích văn hóa lịch sử, nhiều địa chỉ đỏ của vùng đất kháng chiến xưa ngày nay vẫn được giữ gìn, trùng tu, bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử để giáo dục lại cho thế hệ sau càng gắn bó, yêu quý truyền thống cách mạng của bao thế hệ cha ông để lại.
Cách đây 71 năm, chỉ sau 28 ngày giành được chính quyền từ tay Nhật - Pháp, nhân dân Nam bộ đã phải tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Nam bộ kháng chiến, đó là cuộc quật khởi mang tính nhân dân sâu sắc nhất trong lịch sử Nam bộ. Những ngày đầu kháng chiến, Nam bộ gặp vô vàn khó khăn vì hầu như từ tay không, chúng ta phải đương đầu với một đạo quân xâm lược nhà nghề, có vũ khí tối tân. Nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” cùng với sự chi viện của cả nước, đã giành thắng lợi cuối cùng sau 30 năm “đi trước về sau”. DƯƠNG QUAN HÀ |
HOÀI NAM