Kỷ niệm 77 năm Ngày Chiến thắng phát xít: Đóng góp lớn lao vì hòa bình nhân loại

Hôm nay 9-5, nước Nga tưng bừng kỷ niệm 77 năm Ngày Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9-5-1945 - 9-5-2022). Theo truyền thống, lễ duyệt binh, diễu binh mừng Ngày Chiến thắng năm nay sẽ được tổ chức long trọng trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow.
Cuộc tổng duyệt chuẩn bị cho lễ duyệt binh kỷ niệm 77 năm Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow. Ảnh: AP
Cuộc tổng duyệt chuẩn bị cho lễ duyệt binh kỷ niệm 77 năm Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow. Ảnh: AP

Ghi nhận những chiến công

Ngày Chiến thắng 9-5 được coi là mốc son chói lọi trong lịch sử nước Nga nói riêng, toàn thế giới nói chung, mang ý nghĩa trường tồn, trở thành ngày chiến thắng chung của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn cầu. Kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9-5 hàng năm là dịp để toàn thế giới nhìn lại cuộc chiến tranh thảm khốc nhất trong lịch sử, để tôn vinh sự chiến đấu dũng cảm và hy sinh to lớn của các lực lượng dân chủ và hòa bình, đặc biệt là nhân dân và Hồng quân Liên Xô, đập tan chủ nghĩa phát xít, giành lại hòa bình cho nhân loại. Sau này, có thêm tư liệu mới được công bố về những đóng góp lớn lao của các nước trong khối SNG mà điển hình là Azerbaijan và Armenia.

Nguyên soái nổi tiếng của Liên Xô Georgy Zhukov nói như sau về vai trò của cộng đồng người Armenia trong Thế chiến thứ II: “Người Armenia, từ binh sĩ cho tới nguyên soái, đã trở nên bất tử thông qua những chiến binh can đảm mang lại vinh quang không thể phai mờ trong chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít. Không chỉ người Armenia ở Liên Xô mà cả người Armenia ở hải ngoại đã tích cực tham gia việc đánh bại nước Đức phát xít. Khoảng 600.000 người Armenia đã gia nhập quân đội Xô viết, một nửa trong số đó đã hy sinh trong chiến tranh”.

Sau khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô bùng nổ (vào tháng 6-1941), 6 sư đoàn dân tộc đã được thành lập ở nước Cộng hòa XHCN Xô viết Armenia (thuộc Liên Xô). 106 người Armenia được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, 80.000 người được trao huân, huy chương. Trên 60 viên chỉ huy người Armenia tham gia sâu vào việc xây dựng các kế hoạch tác chiến trên tất cả các mặt trận trong Chiến tranh Vệ quốc. Nguyên soái Liên Xô Hovhannes Baghramyan, Nguyên soái Không quân Armenak Khanferiants, Nguyên soái binh chủng thiết giáp Liên Xô Hamazasp Babadzhanian, và Đô đốc Hạm đội Liên Xô Ivan Isakov là những người Armenia nằm trong số các nhân vật nổi bật nhất của Quân đội Xô viết. Nelson Stepanyan (cũng người Armenia) là 1 trong 6 phi công máy bay chiến đấu bổ nhào được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô tới 2 lần. Cộng đồng Armenia ở hải ngoại cũng cung cấp viện trợ quân sự cho Hồng quân Liên Xô. Tiền bạc của họ đã giúp hình thành một số đơn vị xe tăng của Hồng quân.

Trong khi đó, hơn 600.000 nam, nữ công dân của Azerbaijan đã ra mặt trận, hơn một nửa trong số đó đã ngã xuống hoặc mất tích trên chiến trường chống phát xít Đức. Có tới 123 công dân Azerbaijan được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, hơn 170.000 chiến sĩ và cán bộ quân sự Azerbaijan được thưởng các loại huân, huy chương. Đóng góp quý giá nữa của Azerbaijan cho chiến thắng vĩ đại của Liên Xô là việc cung ứng nhiên liệu và dầu nhờn (Azerbaijan là trung tâm dầu hàng đầu của Liên Xô). Trong khoảng thời gian từ năm 1941-1945, Azerbaijan chiếm tới hơn 70% sản lượng dầu ở Liên Xô, 80% lượng xăng và 90% lượng dầu ô tô sản xuất tại đây. Phần lớn xe tăng và máy bay của quân đội Xô viết - vũ khí chủ đạo trong Thế chiến thứ II, hoạt động được là nhờ nhiên liệu từ các cơ sở sản xuất dầu ở Baku (Azerbaijan) gửi ra mặt trận. Bên cạnh đó, các xí nghiệp ở Azerbaijan đã hoạt động không ngừng nghỉ để chế tạo các loại vũ khí, đạn dược khác nhau cũng đóng góp vào chiến thắng chung.

Tưng bừng kỷ niệm

Theo hãng thông tấn TASS, trong nhiều năm, Ngày Chiến thắng phát xít 9-5 là một ngày trọng đại của Liên Xô trước đây và nước Nga hậu Xô viết. Năm 2022 này, Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận thông tin tổ chức lễ duyệt binh hoành tráng trên Quảng trường Đỏ vào đúng ngày 9-5 với sự tham gia của 11.000 quân nhân cộng thêm 77 máy bay các loại. “Lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ sẽ có sự xuất hiện của 77 máy bay và trực thăng. Con số này biểu tượng số năm đã trôi qua kể từ khi Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại kết thúc”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết. Theo đó, lễ duyệt binh sẽ bắt đầu bằng màn trình diễn của chiếc Mi-26, loại máy bay trực thăng vận tải lớn nhất thế giới. Đặc biệt, lễ duyệt binh còn có sự xuất hiện của máy bay chỉ huy chiến lược trên không Il-80, có biệt danh “Ngày tận thế”. Il-80 sẽ được hộ tống bởi 2 máy bay chiến đấu MiG-29. Loại máy bay này được thiết kế để chở các nhà lãnh đạo hàng đầu của Nga trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân trên mặt đất, đảm bảo sự an toàn cho các nhà lãnh đạo.

Sẽ có 34 đội diễu binh đi qua Quảng trường Đỏ. Đi đầu là đội của Học viện Quân sự Suvorov Moskva, tiếp đến là đội Học viện Quân sự Suvorov Tver và Học viện Hải quân Nakhimov, các đơn vị của Bộ Tình trạng khẩn cấp, Lực lượng Vệ binh quốc gia… 

Trong khối đi bộ lần đầu tiên xuất hiện đội ngũ quân cảnh của Quân khu Trung tâm. Tiểu đoàn nữ quân nhân tham dự cuộc duyệt binh năm nay là các đại diện đến từ Trường Đại học Tổng hợp Quân sự và Lực lượng Không quân - Vũ trụ. Bên cạnh đó, đội xe cơ giới trong lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng năm nay sẽ được trang bị 131 hệ thống vũ khí. Trong đó, chiếc xe tăng huyền thoại T-34-85 - chiếc xe tăng tốt nhất trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại - sẽ dẫn đầu đoàn xe cơ giới trong lễ duyệt binh. Ngoài ra, các loại xe tăng chiến đấu chủ lực - bao gồm T-72B3M, T-90M Proryv và T-14 Armata cũng tham dự lễ diễu binh. Khán giả cũng có thể chiêm ngưỡng bộ 3 xe chiến đấu bộ binh (Kurganets, BMP-2 Berezhok và BMP), xe bọc thép Taifun-K, Taifun-VDV và Tigr-M và hệ thống pháo tự hành Msta-S tại lễ duyệt binh. Các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander, hệ thống pháo phản lực phóng loạt Tornado-G, hệ thống tên lửa phòng không S-400, Buk-M3,Tor-M2, bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars và siêu robot Uran-9 cũng sẽ xuất hiện trong sự kiện này.

Tin cùng chuyên mục