Trong những ngày này cả nước đang thấm đẫm hồi ức lịch sử về trận chiến “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Cũng như chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, “Điện Biên Phủ trên không” đã tạo đà để chúng ta ký Hiệp định Paris, từ đó kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ. Liệu thế hệ trẻ ngày nay có khả năng lập nên những chiến công lẫy lừng đó của ông cha? Đó là câu hỏi chúng tôi đặt ra với nhà sử học Dương Trung Quốc.
Ông Dương Trung Quốc nói: Những chiến công hiển hách của ông cha ta trong lịch sử giúp giới trẻ ngày nay nhận thức rằng mình sẽ phải trưởng thành, sẽ phải lập lại những chiến công như thế hệ ông cha của mình.
Tôi muốn nói đến một sự kiện mới đây, đó là chúng ta vừa đón nhận tin vui tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính thức được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tôi nhớ chính những năm tháng Mỹ ném bom ở miền Bắc, giới khảo cổ học, sử học đã tiến hành rất nhiều những cuộc khai quật, tổ chức 4 cuộc hội thảo lớn của quốc gia về thời đại Hùng Vương. Tôi muốn nhấn mạnh giá trị truyền thống, đúng như tinh thần hồi đó 4.000 năm đi vào trận đánh. Truyền thống lịch sử dân tộc luôn là một hành trang, không phải của quá khứ mà hành trang của hiện tại và tương lai. Vì thế chúng ta có thể viết tiếp những trang sử của quá khứ bởi các thế hệ trẻ của chúng ta.
* Phóng viên: Theo ông, bài học của “Điện Biên Phủ trên không” đối với thế hệ trẻ hiện nay có ý nghĩa như thế nào?
* Ông DƯƠNG TRUNG QUỐC: Nói đến trận chiến, chúng ta hay nói đến lực lượng và tương quan kết quả. Nhưng cao hơn điều đó, trận chiến “Điện Biên Phủ trên không” thể hiện ý chí của dân tộc. Thể hiện sự trưởng thành của dân tộc ta, đồng thời thể hiện rõ bản lĩnh, tầm vóc của dân tộc Việt Nam đối với tương lai của dân tộc mình cũng như đóng góp với nhân loại. Tự thân cách gọi của chúng ta “Điện Biên Phủ trên không” đã nói lên điều đó. Đó là biểu tượng của chiến thắng. Chúng ta không chỉ chiến thắng lẫy lừng trên mặt đất mà còn chiến thắng oai hùng trên bầu trời, thể hiện rằng chúng ta làm chủ bầu trời, biển cả, hải đảo của Tổ quốc. Đó là truyền thống của Việt Nam chúng ta cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Xã hội hiện nay có rất nhiều thay đổi, nhất là khi Việt Nam đã hội nhập với thế giới. Chúng tôi nghĩ rằng, hơn bao giờ hết, trong công cuộc hội nhập này, chúng ta cần thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, ý chí của dân tộc ta để vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thời bình. Những thử thách hôm nay khắc nghiệt không thua kém thời chiến và để vượt qua được cần phải có niềm tin, trong đó có niềm tin về quá khứ, về bản lĩnh của dân tộc đã thể hiện qua những bài học lịch sử. Chúng ta cũng phải có niềm tin vào thế hệ hôm nay, nhất là các bạn trẻ. Người lớn chúng ta phải thể hiện được tính gương mẫu, trách nhiệm của mình, điều đó rất quan trọng để định hướng cho các bạn trẻ phát huy và thể hiện được giá trị cuộc sống.
* Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm. Thời đại hiện nay có nhiều thay đổi. Cơ chế thị trường tác động nhiều đến thế hệ trẻ, trong đó có cả lối sống thực dụng nghiêng về tiền bạc, vật chất. Liệu thế hệ trẻ hôm nay có làm được điều ông cha đã làm?
* Vật chất, tiền bạc rất quan trọng đối với đời sống. Điều quan trọng chúng ta làm ra tiền bạc, làm ra đời sống vật chất bằng chính sức lao động và sự sáng tạo của mình cũng như ông cha ta đã lao động, chiến đấu, sáng tạo trong quá khứ. Đối với thế hệ trẻ, không nên đặt những câu hỏi “giả sử”, “nếu như”... Tôi tin rằng chắc chắn thế hệ trẻ hôm nay cũng sẽ làm được những điều ông cha đã làm. Thế hệ trẻ hôm nay phải biết biến những giá trị truyền thống phù hợp với nhu cầu phát triển của hiện đại. Điều quan trọng phải biết phát huy giá trị những bài học, mà một trong bài học lớn nhất là phải có những người lãnh đạo sáng suốt, gương mẫu.
L.NGUYÊN