“Kỹ sư” của làng phong

“Kỹ sư” của làng phong

Tại Làng phong Quả Cảm, Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh, có một người phụ nữ chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân để gắn trọn cuộc đời với những với bệnh nhân phong. Những việc chị làm cho bệnh nhân phong suốt hơn 20 năm qua như vượt quá sức lực của một người phụ nữ bình thường…

Nắng vàng cuối thu trải khắp rên những rặng cây um tùm, trĩu quả trước sân khu nhà ở của bệnh nhân phong, Làng phong Quả Cảm, Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh. Trong không gian bình yên đến lạ thường, y tá Nguyễn Thị Xuân khẽ nâng cánh tay của cụ Hòa năm nay đã hơn 70 tuổi, nhẹ nhàng đeo chiếc bút bi vào bàn tay đã bị vi khuẩn Hansen ăn hết các ngón, để cụ viết thư cho người thân.

Đây chỉ là một trong rất nhiều công việc hàng ngày chị Xuân vẫn làm cho các bệnh nhân phong ở đây suốt hơn 20 năm qua. Ngồi lặng lẽ nhìn cụ Hòa đang viết những dòng chữ run run, chị Xuân tâm sự: “Tôi vào làm việc ở làng phong rất tình cờ...”. Năm 1987, sau khi đi thăm một người thân ở Trại phong Di Linh, Lâm Đồng, tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người bị căn bệnh quái ác hành hạ khổ sở, tàn phế, đến mức nhiều người thân trong gia đình còn phải lánh xa, khiến chị không khỏi xúc động. Cảm thông trước số phận nghiệt ngã của những bệnh nhân phong, năm 1988, chị quyết định xin vào làm việc ở Làng phong Quả Cảm.

Y tá - “kỹ sư” Nguyễn Thị Xuân sáng tạo chiếc đai cao su gắn vào cây viết để bệnh nhân phong cụt tay đeo vào viết thư.
Y tá - “kỹ sư” Nguyễn Thị Xuân sáng tạo chiếc đai cao su gắn vào cây viết để bệnh nhân phong cụt tay đeo vào viết thư.

Quyết định táo bạo này của chị Xuân lúc đó gặp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình và bạn bè. Bởi lẽ, trước đó chị đang làm nghề giữ trẻ ở trường mầm non của xã. Hơn nữa, chị còn là trụ cột của một gia đình có hoàn cảnh éo le, cha mẹ mất sớm, trong khi đó 4 đứa em còn nhỏ phải lo nuôi ăn học.

“Ban đầu chăm sóc bệnh nhân phong, lại chưa được học qua trường y nên cảm thấy hơi sợ vì lúc đó nhiều người vẫn xem bệnh phong là bệnh hủi, bẩn thỉu phải tránh xa. Nhưng khi tiếp xúc với bệnh nhân phong, thấy họ có rất nhiều tâm tư, tình cảm cần được cảm thông, chia sẻ nên tôi đã quyết định gắn bó trọn cuộc đời của mình với họ…”, y tá Xuân chia sẻ. Rồi một mình vừa chăm sóc bệnh nhân phong, vừa tất bật lo toan kiếm sống, ăn học cho các em, mọi việc cũng đâu vào đó.
 
Một năm sau khi vào làm việc ở làng phong, chị xin đi học lớp y tá ở Trại phong Tuy Hòa, Phú Yên để có thêm kiến thức chăm sóc bệnh nhân phong tốt hơn. Càng gắn bó với những con người bất hạnh, chị Xuân càng thấu hiểu nỗi đau đớn, thiệt thòi và dày vò mà hàng ngày họ phải chịu dựng. Nhiều người dù mắc bệnh, chân tay bị vi khuẩn phong di chứng ăn mòn nhưng khả năng lao động của họ vẫn còn. Nhưng tiếc rằng không có công việc phù hợp để làm, khiến nhiều bệnh nhân phong day dứt, mặc cảm vì là người tàn phế. Trăn trở với nỗi đau khổ của người bệnh, chị Xuân lại mày mò tới nhiều địa phương học nghề dệt chiếu, đan lát rồi về dạy lại cho bệnh nhân để họ tìm lại niềm vui trong cuộc sống.

Chưa dừng lại ở đó, chị lại đi học thêm nghề làm giày dép, chân tay giả, rồi mày mò sáng chế ra những dụng cụ từ cái bút, cái bát, con dao… giúp cho những bệnh nhân dù cụt tay, cụt chân vẫn sử dụng được như người bình thường. Từ cây bút bi bình thường, chị sáng chế gắn thêm chiếc đai cao su để bệnh nhân phong cụt tay đeo vào giúp họ có thể viết được. Cho tới những đôi giày, dép, chân tay giả được đo đạc, cắt gọt cẩn thận, lựa chọn chất liệu phù hợp với mức độ tổn thương, thể trạng, tầm vóc của từng bệnh nhân, không ai giống ai đã giúp họ thoải hơn trong cuộc sống.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Văn Cót (73 tuổi, ở Hải Phòng), một bệnh nhân lâu năm ở làng phong, nói: “Từ khi có được đôi giày và những dụng cụ sinh hoạt do cô Xuân làm ra, chúng tôi như thực sự hồi sinh. Tất cả bệnh nhân, ai cũng có thể đi lại dễ dàng, làm được những công việc của một con người bình thường từ viết thư, làm thơ, cho tới thái rau, tưới cây…”.
Người bị phong không chỉ bị bệnh tật hành hạ, đau đớn về thể xác mà còn rất nghèo.

Nghĩ họ nghèo cũng như mình nên chị dành nhiều thời gian để đi vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ bệnh nhân phong. Sự nỗ lực và tấm lòng chân tình của chị đã được đền đáp, một quỹ hỗ trợ bệnh nhân phong ra đời giúp cho những con người bất hạnh có đồng vốn để chăn nuôi, sản xuất để cuộc sống bớt cơ cực hơn. Nhiều bệnh nhân phong ở miền Bắc mang ơn chị Xuân, một y tá tận tụy, một “kỹ sư” sáng tạo có tấm lòng nhân hậu.

Thông qua sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, chị Xuân đã giúp cho hàng trăm gia đình bệnh nhân phong có nguồn vốn từ 8 - 10 triệu đồng gia đình/năm để chăn nuôi phát triển sản xuất, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập xã hội, vượt qua mặc cảm nghèo khó. Rồi con em của bệnh nhân phong cũng được chị hỗ trợ học bổng, sách vở, quần áo để đi học. Không chỉ có vậy, cho tới nay, bằng nỗ lực của mình, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền và các nhà hảo tâm, chị Xuân đã vận động xây dựng được 23 căn nhà cho bệnh nhân phong ở Bắc Ninh, 15 căn nhà ở Hà Giang, 20 căn nhà ở Thái Nguyên, 39 căn ở Tuyên Quang và nhiều địa phương khác.
 
Miệt mài với công việc, nặng lòng với bệnh nhân và… quên mất mình, nay đã vào tuổi 54, chị vẫn đơn côi trong căn phòng nhỏ ngay trong làng phong để nhường lại niềm hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh.

QUỐC KHÁNH

Tin cùng chuyên mục