Kỳ thi quốc gia “2 trong 1”: Được và mất

Trong 2 năm đầu (2015 và 2016), Bộ GD-ĐT duy trì cụm thi ĐH do các trường ĐH tổ chức, chấm thi; còn cụm thi chỉ để xét tốt nghiệp do địa phương chủ trì, chấm thi. Tỷ lệ xét tốt nghiệp 2 năm này lần lượt là 91,58% và 92,73%. Tuy nhiên, 2 năm tiếp theo (2017 và 2018), tất cả công tác tổ chức, chấm thi đều giao về cho địa phương chủ trì.
Từ năm 2015 đến nay, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức với 2 mục tiêu: xét tốt nghiệp và dùng kết quả xét tuyển vào đại học (ĐH) nên gọi là “2 trong 1”), thay cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH “3 chung” (chung đợt - chung đề - chung kết quả) trước đó. Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ GD-ĐT nhằm giảm áp lực thi cử cho học sinh, tiết kiệm cho xã hội. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khâu kỹ thuật của kỳ thi bộc lộ hạn chế, bất cập. 
Quá nhiều vấn đề  
Cách đây 4 năm, việc Bộ GD-ĐT quyết định chỉ còn duy nhất một kỳ thi cho 2 mục tiêu được cho là táo bạo và bất ngờ, thậm chí có rất nhiều phản ứng, nghi ngờ. Song, phần đông dư luận và các trường ĐH đều đồng thuận vì tính gọn nhẹ, giảm áp lực, gánh nặng thi cử cho thí sinh, tiết kiệm chi phí cho xã hội cũng như ngân sách quốc gia. 
Trong 2 năm đầu (2015 và 2016), Bộ GD-ĐT duy trì cụm thi ĐH do các trường ĐH tổ chức, chấm thi; còn cụm thi chỉ để xét tốt nghiệp do địa phương chủ trì, chấm thi. Tỷ lệ xét tốt nghiệp 2 năm này lần lượt là 91,58% và 92,73%. Tuy nhiên, 2 năm tiếp theo (2017 và 2018), tất cả công tác tổ chức, chấm thi đều giao về cho địa phương chủ trì.
Kết quả, tỷ lệ tốt nghiệp ngay lập tức tăng vọt, lần lượt là 97,42% và 98,36%. Kết quả này tương đương những năm 2012-2014 là từ 97,62% - 99,09% (những năm này các địa phương tổ chức thi tốt nghiệp). Khi phân tích các số liệu này, một số chuyên gia cho rằng tỷ lệ tốt nghiệp tăng như thế cũng là một dấu hiệu đáng để quan tâm.
Kỳ thi quốc gia “2 trong 1”: Được và mất ảnh 1 Năm 2016, các trường tốp đầu như y dược, ngoại thương phải xét tuyển bổ sung do… thí sinh ảo
Trong đó, vụ việc gian lận điểm ở Hà Giang vừa bị phát hiện củng cố thêm sự nghi ngại của các trường ĐH trước quyết định giao hết việc tổ chức thi, coi thi, chấm thi cho địa phương. 
Chưa hết, đến khi xét tuyển ĐH, năm nào cũng xảy ra các vấn đề liên quan đến khâu kỹ thuật do những chủ quan từ một số bộ phận thuộc Bộ GD-ĐT.
Năm 2015, ngoài việc sập mạng kho công bố điểm, công tác xét tuyển trở nên hỗn loạn cho các trường lẫn thí sinh bởi quy định được phép nộp - rút hồ sơ thoải mái, các trường công khai số lượng hồ sơ từng ngành. Phụ huynh và thí sinh phải canh thông tin từng ngày, từng giờ để nộp hồ sơ như chơi chứng khoán.
Rút kinh nghiệm, năm 2016, Bộ GD-ĐT quy định thí sinh chỉ đăng ký 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng (NV), không cho công khai thông tin NV. Tuy nhiên, việc xét tuyển vẫn rối rắm vì các trường bị động khi tiếp cận dữ liệu để điều chỉnh, trong khi các sở GD-ĐT được phép “thò” vào dữ liệu để điều chỉnh NV cho thí sinh.
Chưa hết, năm 2016 các trường ĐH lại vỡ trận vì thí sinh ảo. Chưa bao giờ trong lịch sử tuyển sinh mà các trường y, ngoại thương, các trường khối quân đội lại phải hạ điểm trúng tuyển để xét tuyển đợt 2 hòng cố vớt cho đủ chỉ tiêu. 
Năm 2017, Bộ GD-ĐT tiếp tục rút kinh nghiệm bằng cách cho thí sinh đăng ký NV trước khi thi, đăng ký không giới hạn NV và được điều chỉnh khi biết kết quả thi THPT quốc gia, cho nên có thí sinh đăng ký tới 48 NV. Để tránh ảo, bộ yêu cầu các trường tham gia nhóm lọc ảo.
Kết quả, nhiều trường đã “méo mặt” vì tin vào kết quả lọc ảo của bộ, đưa điểm chuẩn khá cao còn thí sinh… không nhập học. Năm ngoái, cả nước chỉ tuyển được có 81% so với tổng chỉ tiêu.
Đến năm 2018, Bộ GD-ĐT quy định bỏ điểm sàn, các trường tự xác định thì lại bị bộ “tuýt còi”, dọa thanh tra và bắt các trường phải xác định điểm sàn ở mức 14 điểm… 
Phải cải tiến triệt để   
Một chuyên gia về tuyển sinh (từng góp ý cho Bộ GD-ĐT về đổi mới, cải tiến tuyển sinh) thẳng thắn nói: “Hiện nay nhân lực của Bộ GD-ĐT chưa làm được ngân hàng đề thi. Nếu bộ không lo ngân hàng đề thi, không trả việc xét tốt nghiệp về cho địa phương, không trả việc tuyển sinh ĐH theo đúng Luật Giáo dục ĐH quy định thì bộ sẽ tiếp tục hứng chịu búa rìu dư luận về những sự cố của việc thi - cử”.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường ĐH lớn tại TPHCM cho rằng: “Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp luôn tỏ rõ thái độ nghi ngờ về kết quả của kỳ thi “2 trong 1” từ khi giao về cho các sở GD-ĐT.
Vì thứ nhất, kỳ thi chỉ có 1 kết quả và các trường ĐH phải sử dụng để tuyển sinh; thứ hai là có 3 khâu quan trọng nhất (đề thi, coi thi, chấm thi) đều do người khác làm, chúng tôi chỉ dùng kết quả. Chỉ cần họ “phù phép” thì điểm cao, chắc chắn 100% là đậu ĐH, các trường làm sao biết được”.   
Một vị nguyên là Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM đề xuất: “Nếu Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục duy trì kỳ thi THPT quốc gia đến năm 2020 thì phải cải tiến triệt để trong tất cả các khâu, từ ra đề, coi thi, chấm thi. Trong đó, khâu tổ chức coi thi, chấm thi nên giao cho các trường ĐH chủ trì thì mới đảm bảo công bằng và trung thực.
Thử nhìn kết quả của năm 2015 và 2016 sẽ thấy tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn, số thí sinh vi phạm nhiều hơn, số thí sinh bị điểm liệt nhiều hơn hẳn so với năm 2017 và 2018. Bộ GD-ĐT cũng nên tính các phương án trả việc thi, xét tốt nghiệp cho các địa phương, nếu trường ĐH nào tin tưởng thì cứ dùng. Các trường ĐH khác tự tổ chức thi tuyển và có thể dùng kết quả của nhau để tuyển sinh”.
Một chuyên gia tuyển sinh của Bộ GD-ĐT kiến nghị: “Luật Giáo dục ĐH quy định rất rõ là các trường ĐH được tự chủ trong tuyển sinh. Các trường có thể sử dụng thi tuyển, xét tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Do đó, Bộ GD-ĐT chỉ cần làm đúng luật. Bộ cũng nên nhanh chóng tập trung nhân lực để làm ngân hàng đề thi cho các trường khi cần có thể sử dụng”.

Tin cùng chuyên mục