Theo ý kiến của hiệu trưởng một số trường THPT ở TPHCM, thay vì lo lắng trước “ma trận đề thi” và tham khảo mẫu đề thi mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra, các trường nên tổ chức ôn luyện một cách khoa học, giúp thí sinh nắm vững kiến thức cơ bản, khái quát và vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào bài làm.
Lo nhất môn Văn
Nhằm đáp ứng sự mong đợi của giáo viên và học sinh lớp 12 và để định hướng việc ôn thi sát với yêu cầu đổi mới kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT đã đưa ra đề thi minh họa cho 8 môn thi. Thế nhưng, sau cái thở phào nhẹ nhõm vì đã thấy rõ “hình hài”, cấu trúc của đề thi lẫn cách giải đề nhưng âu lo mới lại xuất hiện. Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết giáo viên đều có cảm giác nhẹ nhàng, “trút” bớt gánh nặng phải đoán mò, dò dẫm ôn tập cho học trò. Do đề thi chung cho tất cả các khối thi tuyển sinh nên cảm nhận về độ khó dễ của giáo viên lẫn học sinh cũng khác nhau. So sánh với nội dung đề thi của các năm trước, nhiều giáo viên cho rằng độ khó tăng hơn và thể hiện rõ sự phân loại hướng đến mục tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ rõ nét hơn. Với những học sinh có lực học tốt thì tỏ ra bình tĩnh, ít lo lắng, còn học sinh ở những trường có đầu vào trung bình, khá hoặc thấp thì lo lắng nhiều hơn.
Khảo sát một số học sinh ở Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) cho thấy, các em không quá lo lắng khi tham khảo đề thi minh họa của các môn như Toán, Lý, Hóa, Anh văn. Tuy nhiên, với môn Văn, nhiều em có chung tâm trạng lo ngại khó đạt điểm cao vì cấu trúc đề thi dài, kiến thức rộng và ở phần câu hỏi nghị luận văn học đòi hỏi thí sinh phải có tư duy, am hiểu vấn đề sâu rộng.
Tương tự, nhiều học sinh ở các trường THPT công lập thuộc tốp có điểm đầu vào không cao hoặc trường ngoài công lập thì cũng cho rằng, đề thi minh họa đối với môn Toán, Lý khó, trong đó có những kiến thức mới, không có trong những đề thi năm trước và không được ôn luyện kỹ. Một số học sinh ở Trường THPT Nguyễn Du, THPT Diên Hồng (TPHCM) cho biết, đề thi môn Toán có một số câu vận dụng kiến thức lớp 10, 11 chứ không chỉ tập trung chủ yếu lớp 12 như tuyên bố của Bộ GD-ĐT. Điều này khiến các sĩ tử lo lắng, sợ làm bài không thể đạt điểm cao, khó đậu ĐH như mong muốn. Thầy Nguyễn Hùng Khương, giáo viên dạy Toán, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết: “Đề thi môn Toán của năm trước dễ tiếp cận hơn và học sinh có lực học trung bình, khá có thể làm bài được điểm cao, còn theo đề minh họa mới đây thì học lực ở mức khá mới được 6 - 7 điểm và học lực giỏi mới lấy được điểm cao…”.
Có thể thấy, năm nay, tỷ lệ thí sinh chọn thi môn Địa cao hơn những năm trước vì lý do được sử dụng Atlat và có nhiều trường ĐH tuyển sinh tổ hợp môn thi có môn này. Hơn nữa để được công nhận tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh có sức học trung bình và học ở trung tâm giáo dục thường xuyên đã chọn môn thi là Sử, Địa. Tuy nhiên, nhận xét về đề thi minh họa đối với hai môn Sử, Địa, một số học sinh có nguyện vọng thi ĐH khối C bộc bạch: “Để lấy được điểm cao không dễ vì cả 4 câu hỏi đều yêu cầu học sinh phải vận dụng kiến thức đã học một cách chọn lọc, sáng tạo, kèm phân tích sâu vấn đề, nêu nhận định, quan điểm riêng”.
Có cần ôn luyện, học thêm quá nhiều?
Theo nhận định của giáo viên các bộ môn thì đề thi mẫu đáp ứng đúng mục đích, yêu cầu đổi mới, đánh giá đúng năng lực học sinh mà kỳ thi THPT quốc gia đặt ra. Tuy nhiên, do phải chuyển đổi, thích ứng với cái mới quá nhanh và thời gian thực thi quá cập rập nên không ít giáo viên, học sinh lúng túng, lo sợ ôn luyện không kịp và kết quả thi không cao. Thực tế học để thi và thi phải đậu cao vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết vì nó đã ăn vào tiềm thức của người dạy lẫn học. Chỉ còn 3 tháng để ôn tập, làm sao giúp thí sinh nắm vững kiến thức và ổn định tâm lý để sẵn sàng vượt “vũ môn”? Theo thầy Nguyễn Văn Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, cơ cấu đề thi minh họa cho từng môn thi, tỷ lệ câu hỏi khó và dễ đã rõ. Điều quan trọng mà nhà trường phải làm lúc này là ổn định tâm lý, hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn luyện một cách khoa học để có thể nắm vững kiến thức, nhớ lâu. Vì thế, ngoài tập trung ôn tập kiến thức cơ bản một cách tổng quát, nhà trường tổ chức ôn theo chuyên đề, hướng dẫn cách làm bài theo hướng đổi mới, đánh giá tư duy, năng lực người học.
Tương tự, thầy Nguyễn Hùng Khương cũng chia sẻ cách tổ chức ôn luyện cho học sinh khối lớp 12 sao cho khoa học, hợp lý hơn, trong đó Trường THPT Bùi Thị Xuân sẽ phân loại kiến thức theo từng khối lớp, hướng dẫn cách làm bài đáp ứng đòi hỏi đổi mới của kỳ thi có hai mục đích này.
Nằm trong khối trường dân lập, tư thục nhưng bà Phạm Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm (TPHCM) lại có quan điểm “không có gì phải lo lắng quá nhiều”. Nhà trường đã tư vấn chọn môn thi, khối thi, ngành học kỹ lưỡng theo năng lực, sở trường của học sinh nên bây giờ chỉ tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức đã học theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và cách làm bài theo đề thi minh họa. Theo tinh thần đổi mới thi cử mà Bộ GD-ĐT đã đặt ra thì năm nay đề thi sẽ không hỏi máy móc như trước đây mà yêu cầu khả năng vận dụng, suy luận, đối chiếu, cập nhật kiến thức… Như thế, việc học vẹt, học thêm, luyện quá nhiều đề thi như trước đây là không cần thiết.
Theo các chuyên gia giáo dục, để học sinh ôn luyện nhẹ nhàng, đúng theo năng lực, trình độ và làm bài đạt kết quả cao nhất thì giáo viên, ban giám hiệu và phụ huynh phải giúp các em ổn định tinh thần, chủ động thích ứng với việc đổi mới thi cử.
KHÁNH BÌNH