Kỳ thú Đại Lãnh

Nếu ai đã từng đi trên tuyến quốc lộ 1A từ Nam ra Bắc hoặc ngược lại, hẳn phải đi qua một trong những vùng biển đẹp nhất dải đất miền Trung - biển Đại Lãnh, thuộc xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Kỳ thú Đại Lãnh

Nếu ai đã từng đi trên tuyến quốc lộ 1A từ Nam ra Bắc hoặc ngược lại, hẳn phải đi qua một trong những vùng biển đẹp nhất dải đất miền Trung - biển Đại Lãnh, thuộc xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Một góc biển Đại Lãnh

Nói Đại Lãnh đẹp hẳn mọi người nghi ngờ, bởi biển nơi đây không rộng, không sầm uất, ít dịch vụ đi kèm… như những nơi khác. Nhưng đổi lại, biển Đại Lãnh hoang sơ đến khó tả, có dải cát trắng mịn và dài, từ mép bờ ra biển có độ dốc thoải, không có các lệch sâu nguy hiểm, sóng vỗ lại dồn dập… nên khiến Đại Lãnh toát lên vẻ hoang sơ khó nơi nào có. Vậy nên, từ rất lâu, những người “sành” biển luôn chọn nơi đây làm điểm dừng. Đại Lãnh nằm lọt thỏm giữa một bên là đèo Cả và một bên là đèo Cổ Mã, ba phía là núi vây quanh, chỉ có phía Đông nhìn ra biển là mênh mông sóng nước. Bãi biển uốn cong theo dãy núi hùng vĩ, chẳng khác gì một dải lụa mềm tung bay trong gió thoảng. Đặt chân đến Đại Lãnh, du khách không chỉ được tắm biển miễn phí, ngắm cảnh trời thoáng đãng nơi đây. Đại Lãnh còn có một hệ thống hàng phi lao hiu hiu gió. Dưới bóng cây, chẳng có gì thú vị hơn khi đong đưa một chiếc võng, đón những làn gió biển mát và trong lành.

Nói về đặc sản của Đại Lãnh chỉ có biển thôi thì còn thiếu một nửa. Đến đây, điều mà níu chân nhiều du khách nhất chính là thưởng thức đặc sản biển nơi đây. Đại Lãnh không thực sự giàu có về hải sản, nhưng hải sản nơi đây rất giàu về độ tươi, ngon, ngọt. Ở Đại Lãnh, có hàng chục quán hải sản dọc hai bên đường mọc lên từ xưa, vốn đã trở thành thương hiệu cho mảnh đất này. Đại Lãnh giáp biển, lại có hàng ngàn lao động biển chuyên đánh bắt hải sản ven bờ, nên lúc nào ở đây cũng có đặc sản tươi. Nói về hải sản nơi đây, người ta nói đến mực cơm. Mực ở đây không lớn, chỉ to bằng ngón tay hoặc hơn một tí. Nhưng mực Đại Lãnh có thân hình tròn trịa, thịt trắng và chắc, ngon ngọt. Mực dùng làm lẩu thường nhỏ bằng ngón tay cái, khi nào có khách thì quán mới bật bếp nấu, không ướp mực sẵn nên vẫn giữ được vị ngọt vốn có của nó. Khi ăn mực, khách có thể chấm vào chén nước mắm nguyên chất, thêm vài trái ớt thật nồng. Vị ngon được tăng thêm khi húp một chút nước lèo nóng hổi, thêm một gắp rau mùng tơi, cải xanh, rồi hít hà hơi cay và nóng… Nhiều du khách có chung đúc kết, do mực nơi đây được người dân đánh bắt gần bờ, đi về trong ngày nên luôn giữ được độ tươi, ngọt. Vậy nên, Đại Lãnh hôm nay có những quán mực mọc lên san sát nhau và khi nào cũng có khách.

Không chỉ có khách phương xa luôn nhớ đến Đại Lãnh, nhớ đến món lẩu mực ngon, mà những người dân Nha Trang - sống nơi thành phố ngập tràn hải sản nhưng vẫn luôn hướng về hải sản Đại Lãnh. Anh Nguyễn Khánh Phước, một người kinh doanh hải sản tại Nha Trang, cho biết, là người thưởng thức rất nhiều loại hải sản tươi ngon, cứ mỗi lần đi công tác Phú Yên, Bình Định, anh nhịn bữa sáng bữa trưa để ghé kỳ được một quán lẩu mực nào đó trên vùng biển Đại Lãnh. Có thể mực tươi, nước mắm nhĩ, rau sạch, cách nấu dân dã của dân miền biển đã thổi hồn vào món ăn nên rất đặc trưng, nhớ lâu, ăn hoài không chán.

Nếu thương hiệu lẩu mực Đại Lãnh được xây dựng bài bản, có chiến lược rõ ràng, cộng thêm vào đó là sự kết hợp làm du lịch biển thành từng chuỗi theo tour tuyến, chắc hẳn nơi đây là điểm đến thú vị của du khách. Có vậy, vùng quê nghèo ven chân sóng mới có ngày khởi sắc hơn.

KHÁNH NGÂN

Tin cùng chuyên mục