Kỳ tích chống Covid-19: Sức mạnh của Ý Đảng lòng dân - Bài 1: Chủ động đối mặt!

LTS: Việt Nam đã trải qua 2 đợt dịch Covid-19. Mỗi đợt đều có những đặc điểm, quy mô khác nhau, tuy nhiên nhờ chủ động và linh hoạt trong ứng phó, Việt Nam đã cơ bản thành công trong cuộc chiến chống dịch. Mặc dù dịch còn diễn biến phức tạp trên thế giới và vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại trong nước, nhưng chúng ta có niềm tin: Nếu toàn dân đồng lòng thực hiện triệt để đường hướng chống dịch theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ như trong thời gian qua, Việt Nam sẽ tiếp tục chiến thắng. 

Báo SGGP thực hiện loạt bài viết mang tên Kỳ tích chống Covid-19: Sức mạnh của “Ý Đảng lòng dân” để thêm một lần nữa nhấn mạnh: Ý chí Việt Nam, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã, luôn và sẽ tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy trong lần tăng cường đến TP Đà Nẵng để hỗ trợ công tác chữa bệnh cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Đã hơn 10 tháng kể từ khi bệnh nhân Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc). Đó cũng là thời gian Việt Nam phải căng mình chống dịch với quá nhiều nguy cơ tiềm tàng khi nước ta có chung đường biên dài với Trung Quốc và có các hoạt động giao thương rộng khắp thế giới. Tuy nhiên, với tâm thế hoàn toàn chủ động, dưới sự lãnh đạo sát sao và toàn diện của Đảng, Chính phủ đã nhận thức đúng tình hình và thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 với quyết tâm cao nhất “chống dịch như chống giặc”...

Đi trước một bước

Tính đến ngày 27-9, thế giới đã ghi nhận hơn 33 triệu ca mắc Covid-19, gần 1 triệu người tử vong. Nhiều quốc gia vẫn đang vật lộn chống dịch. Nhiều nước đang phải quay lại các biện pháp hạn chế như: không được tụ tập bên ngoài, đóng cửa các cơ sở giải trí, giữ khoảng cách an toàn... Thậm chí, một số quốc gia còn để ngỏ khả năng phong tỏa trở lại.

Còn tại Việt Nam, tính đến hết ngày 27-9, cả nước ghi nhận tổng cộng 1.074 ca mắc Covid-19 (trong đó có 691 ca lây nhiễm trong nước, còn lại là người nhập cảnh); 1.000 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và có 35 trường hợp tử vong. Nếu tính tỷ lệ ca mắc trên tổng dân số và số ca tử vong trên tổng số người nhiễm, Việt Nam được đánh giá là quốc gia kiểm soát dịch thành công.

Đặc biệt, đến thời điểm ngày 27-9, Việt Nam đã trải qua 25 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Còn tại tâm dịch đợt 2 là TP Đà Nẵng cũng đã 27 ngày không ghi nhận lây nhiễm cộng đồng và hiện cũng không còn người mắc Covid-19 nào (bệnh nhân cuối cùng ở Đà Nẵng đã được công bố khỏi bệnh và cho xuất viện vào sáng 23-9).

Nhìn lại quá trình triển khai phòng chống dịch Covid-19, có thể thấy Việt Nam đã giành được thành quả từ một vạch xuất phát rất đáng lo. Nằm sát biên giới với Trung Quốc, cách không xa tâm dịch Vũ Hán, nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn.

Khi dịch Covid-19 lan nhanh toàn cầu, Việt Nam - một quốc gia có độ mở vào loại cao nhất thế giới, có nguy cơ dịch bùng phát càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng ta đã triển khai chống dịch theo từng bước một cách chắc chắn và hiệu quả; không chỉ bám sát diễn biến dịch bệnh trên thế giới mà ta còn chủ động đi trước một bước, đối phó ở tầm mức cao hơn.

Giữa tháng 1-2020, chỉ 5 ngày sau khi Trung Quốc công bố bệnh nhân đầu tiên chết vì virus lạ gây viêm phổi, hệ thống giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam đã được kích hoạt, mặc dù khi đó Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới chỉ nhận định virus SARS-CoV-2 có khả năng lây từ người sang người ở mức độ hạn chế, chưa có khuyến cáo đặc biệt về hạn chế đi lại. 

Kỳ tích chống Covid-19: Sức mạnh của Ý Đảng lòng dân - Bài 1: Chủ động đối mặt! ảnh 2 Lực lượng hóa học của quân đội phu khử khuẩn tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, vào chiều 3-8-2020.
Phải sau 6 tháng, khi dịch đã trở thành thảm họa với con số ca mắc và người chết tăng từng giờ, thế giới mới có thể đưa ra 4 giải pháp căn bản: đeo khẩu trang; hạn chế tiếp xúc; rửa tay, sát trùng; cách ly triệt để. Nhưng ở Việt Nam, cả 4 giải pháp đó chúng ta đều đã nhận ra và hành động từ đầu một cách quyết liệt. Trong đó, giải pháp đeo khẩu trang thực sự là một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất của mùa dịch, thể hiện rõ nét sự “đi trước một bước” của công tác chống dịch (ngày 16-3, toàn dân Việt Nam bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng). Khi khẩu trang đã trở thành vật “bất ly thân” của mọi người dân Việt Nam mỗi khi ra đường thì cùng thời điểm, người dân nhiều nước còn có thái độ kỳ thị người đeo khẩu trang. Cho đến đầu tháng 7-2020, khi số người lây nhiễm trên thế giới hơn 13 triệu thì câu chuyện về khẩu trang đã thay đổi.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người từng phản đối trong suốt thời gian dài, đã phải đeo khẩu trang khi thăm Bệnh viện quân đội Walter Reed bên ngoài Washington và tuyên bố: “Tôi ủng hộ đeo khẩu trang”. Tương tự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã ra thông báo, việc đeo khẩu trang là “bắt buộc tại tất cả địa điểm công cộng” từ ngày 1-8. 

Thiết lập “quân lệnh như sơn”

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, nhìn lại, ngay khi có bệnh nhân Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thiết lập cơ chế “quân lệnh như sơn”, yêu cầu quân đội vào cuộc tức thời. Ngay trong chiều mùng 3 Tết Canh Tý, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã gửi thư tới toàn quân nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Sau này, khi dịch xảy ra, quân đội đã chịu trách nhiệm chủ đạo trong nhiệm vụ cách ly người nghi nhiễm, tiếp nhận, tổ chức cách ly y tế hàng trăm ngàn người nhập cảnh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch vào Việt Nam. Toàn tuyến biên giới trên bộ đã có hơn 1.200 tổ, chốt được Bộ đội Biên phòng thành lập, hàng chục ngàn chiến sĩ biên phòng ăn lán, ngủ rừng, dầm mưa thực thi nhiệm vụ đúng như trong thời chiến…

Kỳ tích chống Covid-19: Sức mạnh của Ý Đảng lòng dân - Bài 1: Chủ động đối mặt! ảnh 3 Điều trị bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: QUANG PHÚC
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19, đánh giá, Việt Nam chống dịch thành công vì Chính phủ, Thủ tướng ngay từ đầu đã chỉ đạo quyết liệt. Từ ngày 7-3, bắt buộc khai báo y tế với hành khách nhập cảnh vào Việt Nam; từ 10-3, toàn dân bắt đầu thực hiện khai báo y tế; từ 1-4 toàn dân thực hiện giãn cách xã hội… Hàng loạt mệnh lệnh nóng hổi được đưa ra từ những cuộc họp bất kể thời gian của ban chỉ đạo quốc gia, sau đó được triển khai một cách thần tốc đến từng địa phương, từng người dân.

Nhờ vậy, công tác chống dịch đợt 1 của Việt Nam đã có hiệu quả một cách chắc chắn, dập tắt mọi nghi ngờ của dư luận trong và ngoài nước. Số ca mắc ở đợt 1 cực kỳ thấp, chỉ hơn 400 ca. Việt Nam trải qua 6 tháng không có bất kỳ ca tử vong nào - điều được xem là thần kỳ trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát dữ dội trên thế giới. Đến giữa tháng 4-2020, người dân dần quay trở lại cuộc sống bình thường.

Thắng lợi đợt đầu nhưng không chủ quan, Việt Nam vẫn luôn sẵn sàng cho những làn sóng dịch mới. Và không nằm ngoài dự đoán, sau 99 ngày cả nước không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, khi du lịch nội địa được khởi động trở lại, ngày 25-7, Việt Nam công bố ghi nhận bệnh nhân thứ 416 ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Thành phố biển với khoảng 1,4 triệu hành khách từ các địa phương đi, đến trong những ngày cao điểm du lịch phút chốc trở thành tâm dịch.

Sáng 25-7, Thường trực Chính phủ lập tức họp về phòng chống dịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ yêu cầu bình tĩnh nhưng không chủ quan; khoanh vùng, dập dịch, bằng mọi giá không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng. Từ ngày 28-7, Đà Nẵng phải cách ly xã hội ở mức cao nhất. Cùng với sự tiếp sức kịp thời của ngành y tế và quân đội, Đà Nẵng đã vượt qua đợt dịch một cách khá ngoạn mục, tạo niềm tin rất lớn cho nhân dân.

Tại thời điểm dịch xuất hiện ở Đà Nẵng, khi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, đã bày tỏ ấn tượng với cách Chính phủ, Bộ Y tế và địa phương ứng phó với dịch. Ông Kidong Park nhận định, Việt Nam với hệ thống giám sát y tế hiệu quả nên đã phát hiện sớm, kịp thời các ca bệnh và toàn hệ thống phòng chống dịch bệnh của Việt Nam đã phản ứng rất nhanh chóng, triển khai đồng bộ các biện pháp tổ chức cách ly, giám sát, truy vết, khoanh vùng dập dịch...

Và dù Việt Nam có thêm hàng trăm ca mắc khi đón công dân từ nước ngoài về khiến số ca nhiễm bệnh ghi nhận tại Việt Nam tăng nhanh, nhưng không vì thế làm thay đổi kết quả, thành công trong công tác chống dịch của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục