…“Đã 35 năm trôi qua rồi, cứ mỗi năm đến ngày 30 tháng 4 là ruột gan tôi như có lửa đốt, tim tôi đau nhói nhớ lại mối tình đầu đã mất” …
Giọng đại tá Sỹ Bình buồn buồn kể: “Hồi đó, chúng tôi là lính thông tin mang máy bộ đàm đi theo các tiểu đoàn bộ binh tiến vào giải phóng Sài Gòn...
Cuộc tiến quân của sư đoàn chúng tôi vào đến Xuân Lộc thì bị địch chặn lại, cánh tiểu đoàn 1 của Quỳnh Đông đánh nhau ác liệt. Tôi ở Sở Chỉ huy trung đoàn gọi khản cổ chẳng thấy Vàm Cỏ Đông (mật danh máy điện đàm của tiểu đoàn) trả lời. Vậy mà chỉ trước đó vài giờ tôi nghe giọng Đông vẫn trong trẻo, bình tĩnh: “Bến Nghé đâu. Trâu ra gặm cỏ bốn con. Đề nghị cho voi gầm tọa độ…”.
Tôi đã báo cáo Trung đoàn trưởng xin pháo tầm xa nện vào bốn xe tăng địch đang chặn tiểu đoàn của Đông. Giọng Đông reo lên trong máy: “Cảm ơn Bến Nghé hoạt động hiệu quả: hai trâu què, hai trâu bốc cháy”. Tôi vờ nghiêm giọng: “Trâu không bốc cháy được. Chấp hành điều lệnh chiến đấu: Nói cho đúng quy ước đi”. Tiếng cười hì hì của Đông lại vang lên nghe thương ơi là thương. Giọng Đông xúy xóa: “Ý, em quên. Mừng quá hóa quên. Bến tha thứ cho Sông nghe Bến!”…
Mới nói đó, cười đó mà bây giờ bặt tiếng. như vậy có thể là hiện tượng xấu: Tiểu đoàn lâm nguy. Điện đài hỏng hoặc điện báo viên thương vong. Những giả thiết tình huống đã xảy ra ở Vàm Cỏ Đông buộc tôi mở máy, ra sức gào thét, tìm kiếm: “Vàm Cỏ Đông đâu? Vàm Cỏ Đông nghe rõ, trả lời!”…
Một giờ sau đó Vàm Cỏ Đông lên tiếng, nhưng không phải giọng Sài Gòn quen thuộc, thân thương của Đông. Một giọng nữ, nghe lạ hoắc, nhưng sử dụng đúng quy ước, tiếng lóng chặt chẽ và nghiêm khắc. Tôi rụng rời chân tay. Như vậy là Đông đã gặp rủi ro gì rồi. Chắc là đơn vị thông tin của chiến dịch đã cử một cô điện báo viên mới xuống thay Quỳnh Đông.
Tối hôm đó tiếng súng ngừng bặt. Có lẽ các mũi tiến công của quân ta đã áp sát Sài Gòn. Sự yên ả kiểu này hẳn đang báo hiệu một cơn bão lớn. Trong lòng chúng tôi cũng như đang có bão. Sông Hồng (Tiểu đoàn 2), Sông Hương (Tiểu đoàn 3) gọi tới tấp hỏi tin tức Vàm Cỏ Đông. Số phận Quỳnh Đông ra sao không ai biết, bởi vì ngày hôm sau chúng tôi không còn cả thì giờ để ăn, ngủ. Đại quân bốn mặt đã tràn vào Sài Gòn. Cơn bão đã cuốn hút chúng tôi đi. Chỉ đến khi lá cờ giải phóng phấp phới bay trên nóc dinh Độc Lập và các ngày tiếp sau đó, thì các “dòng sông” của chúng tôi xem như ngừng chảy. Chiến thắng rồi. Hết việc cho lính thông tin bộ đàm rồi. Hết cả quy ước, tiếng lóng… Ba đứa chúng tôi dùng máy hỏi han, tìm hiểu khắp nơi mới biết đích xác về tin tức của Quỳnh Đông.
Sau khi quân địch ở Xuân Lộc phản ứng quyết liệt chặn quân ta lại, tiểu đoàn bộ binh của Đông và các đơn vị phối thuộc đánh giạt địch khỏi quốc lộ 1, để giành lấy đường tiến về Sài Gòn. Quỳnh Đông mang máy bám theo tiểu đoàn trưởng. Địch rơi vào thế tuyệt vọng, điên cuồng đã dã man dùng cả loại bom hạng nặng CBU ném xuống trận địa ta. Mọi người tìm thấy Đông cùng tiểu đoàn trưởng và Ban chỉ huy bị sức ép, người mềm nhũn, nằm rải rác trong rừng cao su. Chiếc điện đài của Đông bẹp dúm.
Người đầu tiên gọi báo tin Đông với tôi là cậu Khai. “Bình ơi! - Khai vừa nói vừa khóc - Đông chết thật rồi. Mình đã đi tìm khắp nơi, thấy nhiều mộ liệt sĩ mới chôn nhưng chưa có bia, chưa đề tên ai cả nên chưa biết hiện Đông nằm ở đâu”. Cậu Toản cũng gọi về nói: “Có thể Đông bị thương vì sức ép của bom hạng nặng, người ta đã chuyển Đông về trạm quân y dã chiến”. Rồi Toản khóc và trách móc tôi: “Mày tệ bạc với đồng đội lắm đấy Bình nhé. Mày ở Sở Chỉ huy trung đoàn thì phải biết hơn ai hết trường hợp Đông hy sinh và hiện Đông đang nằm ở đâu chứ!”. Đồng đội trách móc, tôi chỉ biết âm thầm khóc thương tiếc Đông. Chẳng ai hiểu được rằng tôi đã yêu Đông như thế nào. Vậy là chúng tôi hẹn nhau cùng xin nghỉ phép một lúc, để đi tìm phần mộ của Đông. Kế hoạch chia ra làm ba bước: Thứ nhất - tổ chức một bữa “cúng cơm” cho Đông. Thứ hai - đi Xuân Lộc tìm Đông. Thứ ba - tìm thăm cho được ông bà già của Đông ở ngôi nhà nào đó giữa quận Phú Nhuận, Sài Gòn.
Kế hoạch bước đầu được thực hiện: Vào một buổi chiều chủ nhật, chúng tôi họp mặt nhau lại tại một quán cơm nghèo bên cầu Công Lý. Ba đứa cùng góp nhau lại được một số tiền giao hết cho tôi “liệu cơm mà gắp mắm”. Tôi dè dặt đặt cơm: bốn quả trứng gà và một con gà luộc. Một đĩa xôi và đĩa cá rô chiên giòn. Món ăn không thể thiếu mà khi còn sống Đông thích: canh cá nấu chua. Món đắt tiền nhất có lẽ là bốn chai bia lớn có in hình con cọp.
Chủ quán là một ông già hom hem với nét mặt cương nghị mà khắc khổ, hỏi: “Bốn người ăn hả mấy chú?”, “Vâng”. Thế là bốn cái cốc, bốn chai bia được đặt bốn góc bàn, trước mặt bốn cái ghế tựa. Tôi ngồi cạnh chỗ Đông. Tôi xới một bát cơm, đặt cái trứng gà luộc lên bát, rồi rót bia đầy bốn cốc. Thấy chiếc ghế trống chỗ, ông chủ quán hỏi: “Còn một chú nữa đâu?”. Tôi thưa: “Dạ. Đến muộn một chút!”. Thằng Khai lôi trong túi dết ra một đôi đũa tre có chẻ tua tua trên đầu đũa như một cái hoa, cắm đứng lên bát cơm và nghẹn ngào nói: “Đông ơi! em ở đâu sống khôn, thác thiêng về mà ăn cơm với các anh”… Một cơn gió từ ngoài đầu cầu thổi vào, nén nhang bùng cháy thành ngọn lửa. Chúng tôi nhìn nhau. Nước mắt đầm đìa. Để phá tan không khí ảm đạm đó, tôi cầm cốc bia lên, cố lấy giọng cứng cỏi, nói: “Đông đã về rồi đó. Nào các cậu, nâng cốc!”. Thằng Toản chạm vào cốc bia của Đông, nâng lên ực một hơi cạn sạch, rồi lật úp cái cốc xuống và hắn cũng gục đầu luôn xuống mặt bàn, đôi vai rung lên cố kìm nén tiếng nấc. Tôi liếc nhìn sau quầy hàng, ông bà chủ lấp ló nhìn đám thực khách lạ lùng này và đang thì thầm rỉ tai nhau chuyện gì đó. Tôi xoa vai an ủi thằng Toản và cố trấn an tụi chúng đừng để cho ai biết mình đang “cúng cơm” đồng đội. Nghĩa là không đứa nào được khóc to, nhỡ ra người buôn bán sợ xui, họ kiêng kỵ thì sao! Thằng Khai chạm cốc với Đông rồi chạm với tôi, song hắn chỉ nhấp môi một tí rồi đặt cốc xuống bàn, tự trấn an mình bằng cách đưa con gà luộc nhờ chủ quán chặt hộ.
Nhang tàn. Bữa cơm diễn ra lặng lẽ. Mỗi người hình như đang theo đuổi kỷ niệm riêng với Đông. Bởi từ khi rời trường thông tin cùng nhau được bổ sung về đơn vị chiến đấu cả bốn đứa chúng tôi đã gắn bó với nhau hơn cả anh em ruột thịt. Đông mất đi, bạn bè đau một, thì tôi đau mười. Bất giác sờ lên trán, nơi chỗ mà khi tôi bệnh, em đã hôn lên đó động viên an ủi tôi. “Giờ thân xác em đang ở đâu, Đông ơi! Thế là hết ước mơ đưa em về quê anh thăm mẹ”. Nước mắt tôi lặng lẽ chảy dài xuống miệng, mặn chát. Tôi chợt kêu chủ quán: “Thưa bác, cho chúng con trả tiền”. Ông già xoa tay, gãi đầu, nói: “Thôi. Tôi biết các chú cúng người đã khuất. Tôi không lấy tiền của bộ đội đâu”. Chúng tôi không chịu, cố nài bác phải thanh toán, nhưng bà vợ chủ quán, bác gái cũng nói xen vào: “Các chú cho vợ chồng tôi góp phần cúng chú ấy”. Tôi nói: “Đứa hy sinh là con gái, bác ơi! Tiếc quá, đánh đến tận Xuân Lộc, sắp đến Sài Gòn rồi mà vẫn dính” … Vậy hả? Tội nghiệp. Con gái tôi cũng hy sinh ngay trước cửa ngõ Sài Gòn”… Tôi chợt giật mình: hay là trời xui đất khiến thế nào cho chúng tôi vào đúng nhà Quỳnh Đông. Ông bà chủ quán mời chúng tôi theo vào nhà trong. Trên bàn thờ, hình chụp nửa người một cô gái mặc áo lính, mũ tai bèo đang tươi cười nhìn mọi người. không phải đó là Quỳnh Đông của chúng tôi. Cô gái trên bàn thờ thì cười mà ông bà chủ quán lại khóc. Ông nói: “Tội nghiệp cháu Mai, nó đã về đến cầu Rạch Chiếc, còn cách Sài gòn chỉ mấy bước chân nữa thôi”…
Một tháng sau khi làm nhiệm vụ quân quản ở Sài Gòn, lính thông tin bộ đàm hết việc, Toản, Khai và tôi được điều động về tiểu đoàn thông tin đóng quân bên dòng Vàm Cỏ Đông. Ngày ngày, ba đứa cùng đơn vị đi làm lao động giúp dân và học tập chính trị, ôn luyện chuyên môn. Đã mấy lần chúng tôi đi tìm gia đình và phần mộ của Đông mà chưa gặp. Lòng chúng tôi vẫn chưa yên.
Chiều chiều, sau giờ làm việc, học tập, chúng tôi lại rủ nhau đi vơ vẩn bên dòng sông. Trong đầu tôi, một giai điệu buồn cứ vang lên mãi, không dứt: “Vàm Cỏ Đông đây, Vàm Cỏ Đông đây ... Ta quyết giữ từng mối tình hò hẹn sớm trưa”…
Tôi ngồi xuống trên bờ cỏ, nhìn dòng sông và nhớ Quỳnh Đông đến thắt lòng. Hỡi em! Giờ này em đang ở đâu?
TRẦN CÔNG TẤN