Ký ức không quên

Năm nay là năm thứ 38 kể từ ngày 30-4-1975, ngày kết thúc một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc ta. Trong những ngày tháng tư lịch sử này, kỷ niệm lại ùa về trong tôi với những ký ức sâu đậm không bao giờ quên.

Năm nay là năm thứ 38 kể từ ngày 30-4-1975, ngày kết thúc một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc ta. Trong những ngày tháng tư lịch sử này, kỷ niệm lại ùa về trong tôi với những ký ức sâu đậm không bao giờ quên.

Từ ngày 26-4-1975, thế trận tổng tiến công và nổi dậy của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đi đến trận quyết chiến chiến lược cuối cùng nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Thời điểm này, tôi đang giữ chức vụ Phó Tham mưu trưởng, Trưởng ban tác chiến Trung đoàn bộ binh 88, chỉ huy cánh quân thứ 5 tấn công từ hướng Đông Nam Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường từ Gò Công đến Sài Gòn. Điểm mà trung đoàn phải đánh chiếm là Tổng nha Cảnh sát – Bộ Tư lệnh Hải quân và Tổng kho xăng dầu Nhà Bè.

Nhiệm vụ phải tổ chức nghiên cứu chuẩn xác, chuẩn bị đến đâu được mục tiêu nào thật chắc mới đánh, phải giữ lực lượng để tiến vào Sài Gòn. Suốt 6 năm làm Tiểu đội trưởng ở đồng bằng Nam bộ từng trực tiếp chiến đấu với quân thù hàng trăm trận mà tôi không lo lắng, vậy mà không hiểu sao lần này nhận nhiệm vụ tấn công vào sào huyệt cuối cùng của địch tôi lại thấy lo lo. Cảm giác vừa lo, vừa mừng vì sắp được tham gia chiến dịch cuối cùng giải phóng Sài Gòn kết thúc chiến tranh.

Đường vào Sài Gòn lúc bấy giờ duy nhất có Tỉnh lộ 50 qua sông Vàm Cỏ Đông và các sông ngòi chằng chịt khác, vả lại các đầu mối giao thông quan trọng địch đều chốt giữ, trong đó có chi khu Tân Trụ là mục tiêu cứng rắn nhất mà địch dồn quân phòng ngự ở ngoại ô Sài Gòn. Nhiệm vụ của đơn vị tôi là phải đánh tổng cộng 38 đồn bót địch trên đường tiến công vào Sài Gòn. Công tác dân vận, địch vận ta chuẩn bị chu đáo từ trước do cấp ủy địa phương từ Mỹ Tho, Gò Công, Long An thực hiện tốt nên đường tiến vào Sài Gòn của bộ đội ta không gặp trở ngại nhiều. Các đồn nhỏ ta và du kích chỉ nổ vài băng AK và M79 hoặc 1 – 2 quả B40 là địch đầu hàng và tháo chạy. Chỉ có hai điểm cứng nhất là đồn cầu Ông Thìn và chi khu Tân Trụ, quân ta phải triển khai lực lượng tiến công mạnh. Đồn cầu Ông Thìn có lực lượng Tiểu đoàn 3 và bộ đội địa phương tiến công đánh chiếm dễ dàng.

Tại đồn này, ban ngày địch xả súng bắn vào dân, tối đến chúng bỏ đồn tháo chạy. Còn tại chi khu Tân Trụ, tôi đề nghị chỉ bao vây vòng ngoài, còn 2/3 Trung đoàn cứ tiếp tục tiến công trên quốc lộ 50 vào cầu chữ Y, nhưng Trung đoàn trưởng Lê Ngọc Điệp và Chính ủy Nguyễn Thu Sơn quyết tâm đánh, theo đó dùng 2 tiểu đoàn bộ binh 1 và 2 cùng toàn bộ hỏa lực của đơn vị tấn công chi khu Tân Trụ. Trận đánh này, địch chống trả dữ dội gây thương vong không nhỏ, nhưng ta củng cố lực lượng ngay và tiêu diệt gọn chúng, sau đó cùng lực lượng du kích tiến đánh vào Tổng nha Cảnh sát ngụy, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy.

Tôi chỉ huy Trung đoàn 88 tiếp tục tràn xuống chiếm giữ Tổng kho xăng dầu Nhà Bè theo đúng kế hoạch. Suốt chặng đường tiến vào Sài Gòn kể từ Mỹ Tho, Gò Công, Long An… bộ đội ta đi đến đâu cũng được bà con tận tình giúp đỡ nên khí thế ra quân vui như ngày hội. Ở đâu đồng bào cũng lo cơm nước cho bộ đội yên tâm chiến đấu, đồng bào còn mang cả phản, cánh cửa, tủ thờ ra làm nắp công sự để tránh bom pháo cho bộ đội. Chúng tôi chỉ xin đồng bào cho cây chuối, cây tràm để làm công sự nhưng bà con bảo: “Cây chuối, cây tràm chỉ để ngụy trang thôi, còn những thứ đồ gỗ này mới làm công sự chắc chắn. Tiếc làm gì, hòa bình rồi sẽ có tất cả mà…”. Những câu nói chân tình đó đến bây giờ tôi vẫn không quên.

Bây giờ đời sống nhân dân mỗi ngày ổn định, thế nhưng bà con sống ở vùng sâu, vùng xa như Củ Chi, Cần Giờ, các huyện biên giới Long An, Tây Ninh vẫn còn nhiều khó khăn. Mỗi lần gặp tôi, đồng bào rất vui như đón đứa con xa trở về. Biết tôi là Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM, đồng bào gửi gắm niềm tin và kiến nghị trợ giúp chữa bệnh, đề nghị giải quyết chính sách cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin để giảm bớt gánh nặng khó khăn trong cuộc sống. Một lần nữa tôi lại tiếp tục hành trình cùng nạn nhân nhiễm chất độc da cam Việt Nam đấu tranh yêu cầu phía Mỹ phải chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả này. 

Thiếu tướng TRẦN NGỌC THỔ
(Nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7)

Tin cùng chuyên mục