Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đã khiến kẻ thù kinh hoàng, khiếp sợ. Bên cạnh các chiến sĩ biệt động chiến đấu dũng cảm, còn có các cơ sở hoạt động bí mật và hệ thống hầm vũ khí ngay trong lòng địch.
Bản tin Giải Phóng
Để phục vụ công tác, năm 1965, Ban Tuyên huấn Hoa vận - một trong những đơn vị quan trọng thuộc Khu ủy Sài Gòn - Gia Định trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước - tổ chức một tổ in bí mật (in sách báo, tài liệu bí mật bằng chữ Hoa) tại số 81 đường Gò Công. Để bảo đảm an toàn, giữa năm 1965, tổ này chuyển về nhà số 341/10 đường Gia Phú. Nhằm tạo thế hợp pháp, hai đồng chí trong tổ in đã giả làm vợ chồng đứng tên thuê nhà, 11 người khác đóng vai con cháu chủ hộ. Trong nhà, tổ in đào 2 hầm bí mật, một hầm lớn để nghe đài, biên tập, in ấn và hầm nhỏ để giấu máy in. Đây chính là xưởng in đầu tiên xuất bản “Bản tin Giải Phóng” bằng chữ chì với phương pháp hoàn toàn thủ công, cùng với các tài liệu của ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, truyền đơn, đặc biệt có cả di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chữ Hoa…
Về lại cơ sở hoạt động năm xưa, bà Lưu Kim Hoa, nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Hoa vận cẩn thận xem lại từng chi tiết của căn hầm, từ cái chốt cửa, móc mở nắp hầm, ống thông hơi đến chỗ giấu máy in… Bà cứ căn dặn anh thợ: “Chỗ này, bên trên ống thông hơi là nơi để cái lu nước. Còn chỗ hầm nhỏ giấu máy in, các anh nhớ kê cái giường gỗ lại cho cẩn thận”.
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã lên kế hoạch xây dựng các hầm bí mật trong nội thành để cất giấu vũ khí và nơi liên lạc của cán bộ, chiến sĩ biệt động, phục vụ chiến đấu lâu dài. Đến căn nhà phố số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, có 2 mặt tiền nằm kẹp giữa đường Nguyễn Đình Chiểu (trước đây là Phan Đình Phùng) và Võ Văn Tần (trước đây là Trần Quý Cáp).
Từ năm 1966, đồng chí Trần Văn Lai (Năm Lai, cán bộ biệt động thành) đã chọn mua căn nhà này để làm cơ sở giấu vũ khí phục vụ cho các mục tiêu xung quanh và trận đánh vào đầu não của ngụy: Dinh Độc Lập.
Ông Nguyễn Quang Vinh, nguyên đại úy trinh sát đặc công thuộc Tiểu đoàn 117, Trung đoàn 361, Sư đoàn 305, đồng thời là người được ông Năm Lai tin cậy giao trông coi căn hầm này, bồi hồi kể: “Sau khi mua xong căn nhà, anh Năm Lai tiến hành sửa sang, xây dựng hầm bí mật để chứa vũ khí. Anh Năm Lai đã biến phần dưới đất thành căn hầm bí mật 2 tầng, sâu 3m, mỗi chiều 2,5m có lỗ thông hơi và nắp đậy bí mật liên thông nhau”.
Nơi phát lệnh tổng tiến công
Bên cạnh căn hầm 287/70 Nguyễn Đình Chiểu làm nên kỳ tích vì giữ được bí mật, sử dụng đúng lúc và đúng kế hoạch mà cấp trên đề ra, căn nhà bí mật có bảng hiệu Phở Bình ở số 7 đường Yên Đổ (nay là đường Lý Chính Thắng, quận 3) cũng trở thành một nơi lưu dấu ký ức lịch sử hào hùng.
Với địa thế nằm ở trung tâm khu dân cư rộng thoáng nên tiệm phở được cấp trên chọn làm cơ sở chỉ huy tiền phương của biệt động thành trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Đây cũng là nơi phát lệnh cho các trận đánh vào Dinh Độc Lập, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tòa Đại sứ Mỹ, Tổng nha Cảnh sát, Đài phát thanh…
Gần 2 tháng trước cuộc tổng tiến công, ông Ngô Toại - chủ tiệm Phở Bình nhận chỉ thị gấp rút dự trữ lương thực cho khoảng 100 người dùng trong một tháng. Thời gian này, một trung đội nữ cũng lần lượt đến, bí mật trụ lại tại phòng phía sau lầu 1 của tiệm phở. Đây là các chiến sĩ của nhiều đơn vị, điện đài, y tế, giao liên… thuộc Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6.
Ngày mùng 1 rạng sáng mùng 2 Tết, tại tiệm phở này, đồng chí Võ Văn Thạnh (bí danh Ba Thắng) thay mặt Chính ủy Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6 đã đọc lời hiệu triệu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và phát lệnh cho các cụm biệt động làm nhiệm vụ xung kích tiến công vào các cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy. Sau đó, ông Toại và vợ bị bắt vào tổng nha.
Dù bị địch tra tấn dã man qua 20 ngày đêm chết đi sống lại, nhưng trước sau ông vẫn giữ vững khí tiết. Không khuất phục được ông, chúng đã đưa ông ra tòa kết án tù chung thân và đày ra Côn Đảo. Sau Hiệp định Paris năm 1973, ông Ngô Toại được trao trả tù binh tại Lộc Ninh (Bình Phước).
| |
MINH AN