Ký ức tháng tư

Ký ức tháng tư

Cứ mỗi độ tháng tư về, lòng tôi lại trào dâng một cảm xúc khó tả. Bởi lẽ, nếu không có ngày 30-4-1975, thì chắc gì tôi được đón ba tôi trở về.

Từ trong sâu thẳm, ký ức tuổi thơ của tôi bỗng chốc quay về những giây phút đầu tiên được “diện kiến” ba mình.

Đó là một buổi chiều hè năm 1974, khi má con tôi đang tá túc ở nhà cô Hai của tôi tại phường Cầu Tre, quận 11 - Sài Gòn thì có một phụ nữ lạ tìm đến và trao cho má tôi bức thư. Tôi thấy má tôi tay run run mở bức thư ra và đọc vội. Đôi mắt má chợt ánh lên vẻ vui mừng. Rồi má ôm tôi vào lòng khẽ nói:

– Ba con còn sống.

Song dượng Hai tôi tỏ ra lo lắng, có vẻ không tin nên dượng bảo với người phụ nữ ấy:

– Nét chữ khá quen, nhưng phải có hình để chứng minh thì tôi mới tin!

Độ khoảng mười ngày sau người phụ nữ ấy mang một tấm ảnh nhỏ đến. Lần này dượng Hai tôi mới tin và cho má con tôi theo dì Bảy Tạm (thứ và tên của người phụ nữ ấy) vào Bảo Bình, Long Khánh để thăm ba tôi.

Hết đi đường xe, dì Bảy và ông Út (ba của dì) và chị Thiểu, chị Tiếng (con gái của dì) dẫn má con tôi đi bộ băng theo đường mòn của cánh rừng Bảo Bình, Long Khánh. Đến hơn xế chiều, chúng tôi đến một căn nhà nhỏ và chợt nhìn thấy một người đàn ông bị cụt mất bàn tay đang ngồi lãi bắp khô. Mọi người tần ngần, xúc động. Má tôi nói trong tiếng nấc nghẹn: “Con Trinh đâu, ba của con nè”. Tự dưng tôi thấy mắt mình cay cay, vì đây là lần đầu tiên trong đời, tôi được cất tiếng gọi ba.

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

Ba tôi kể ba là bộ đội đặc công thủy của Quân đoàn 10 Rừng Sác. Năm 1965, 1968, ba đã hai lần bị thương vì đi đánh thủy lôi tàu địch... Giờ ba tôi đã lùi vào tuyến sau ở vùng giải phóng Bảo Bình để tăng gia sản xuất, lo hậu cần. Bởi vậy ba tôi ngồi lãi bắp khô để chuẩn bị cho mùa “trĩa bắp” tới. Tôi được ở với ba suốt 3 tháng hè và ba tôi dạy tôi hát bài: Cô gái Sài Gòn đi tải đạn. Âm điệu bài hát thật rộn ràng hối hả. Tôi thích lắm và tối ngày cứ hát tới hát lui cho thuộc.

Dạo ấy má tôi bị cơn sốt rét rừng làm cho vàng mắt, vàng da tưởng đâu không qua khỏi. Về quê ngoại, tôi chơi với tụi nhỏ trong xóm. Thấy tôi không có ai để gọi bằng ba nên tụi nó cũng nhiều chuyện lắm, cứ hỏi đon hỏi ren:

– Ê! Ba mày đâu sao không thấy?

Thật lắm chuyện! Tụi nó đâu biết rằng tôi cũng có ba như tụi nó, nhưng chỉ khác một điều là ba tụi nó đi lính. Còn ba tôi cũng đi lính đấy, nhưng là lính “Cụ Hồ” như có lần ba tôi nói. Nhà ở gần đồn lính nên ngày nào tụi nó lại chẳng được gặp ba. Tôi cố nén lòng để không bật ra thành lời, chỉ lẩm bẩm một mình:

– Giải phóng, ba tao về cho tụi bây xem!

Và cái ngày tôi mong đợi cũng đến. Tôi nhớ như in vào một buổi chiều, có một tốp khoảng chừng 10 người vừa chạy ngang qua phía trước nhà cậu Hai tôi vừa la:

– Giải phóng rồi bà con ơi! Giải phóng rồi bà con ơi!

Nhưng sao giải phóng đã được gần một tháng rồi mà ba tôi vẫn chưa thấy về. Má con tôi và cậu mợ đều sốt cả ruột, cứ ra vào trông ngóng. Tôi thì sắp kết thúc năm học lớp 3.

Bỗng một ngày nắng đẹp cuối tháng 5-1975, tôi không còn nhớ chính xác ngày nào. Tôi đang đứng chơi cùng nhỏ bạn mới chuyển từ Sài Gòn về thì thấy một chú mặc bộ quân phục màu xanh bước xuống xe. Rồi tay chú giơ ra để đỡ lấy chiếc xe đạp mini mà chú lơ xe từ trên mui xe trao xuống. Tôi bàng hoàng khi phát hiện đôi tay chú ấy không còn nguyên vẹn, đang vất vả đỡ lấy chiếc xe.

Tôi hiếu kỳ chạy tới nhìn cho thật kỹ... Quả đúng là một bàn tay mặt không còn. Tôi lén nhìn lên gương mặt thử xem đôi mắt thế nào... và chỉ còn có con mắt trái. Đúng là ba tôi rồi! Vì tôi nhớ rõ đặc điểm này của ba tôi mà! Tôi chạy lại nắm tay và hỏi lại cho chắc:

– Phải ba không? Sao ba lâu về vậy?

Ba tôi cũng nhận ra đứa con gái yêu:

– Ba đây! Ba về trễ vì còn lo tiếp quản Quân Y viện Long Khánh.

Tôi ôm lấy ba tôi vừa mừng vừa khóc trước sự ngạc nhiên của nhỏ bạn mới và các bạn cùng lớp. Hôm đó tôi xin cô giáo cho tôi nghỉ 2 tiết học sau để dẫn ba về nhà. Cả nhà tôi giờ đã sum họp sau 13 năm xa cách. Cậu mợ tôi bắt ngay 2 con gà mái dầu để làm thịt nấu cháo đãi ba tôi. Nếu như không có ngày 30-4-1975 thì có lẽ ba tôi cũng chưa về.

Tôi thầm cảm ơn Đảng, Bác Hồ và bao người chiến sĩ đã hy sinh cho nước nhà hôm nay độc lập, trong đó cũng có một phần xương máu của ba tôi, người chiến sĩ đặc công thủy ngày nào của Quân đoàn 10, Rừng Sác.

Cũng hy vọng qua tâm sự này, tôi có thể gặp lại gia đình dì Bảy Tạm, sau này là vợ liệt sĩ, có 3 người con gái tên Thiểu, Tiếng, Chi, bởi từ khi chia tay trong mùa hè năm 1974 tới nay, tôi chưa gặp lại họ bao giờ. 

CHÂU THỊ KIỀU TRINH

Tin cùng chuyên mục