Kỳ vọng ĐBSCL bứt phá

Ngày 21-6, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị “Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL, thời kỳ 2021-2030”. 
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trao đổi thông tin về hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL ngày 18-6. Ảnh: VIETNAM+
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trao đổi thông tin về hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL ngày 18-6. Ảnh: VIETNAM+

Đây là “hội nghị hành động” được kỳ vọng tạo ra nguồn lực mới hiện thực hóa Quy hoạch vùng, tổ chức lồng ghép các chương trình, kế hoạch, như: Công bố quy hoạch, triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch thực hiện quy hoạch; xúc tiến, kêu gọi đầu tư; quảng bá hình ảnh, vùng đất, văn hóa, con người ĐBSCL qua triển lãm ảnh nghệ thuật “Khát vọng phát triển” và công bố cam kết tài trợ của nhóm 6 ngân hàng. 

ĐBSCL đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, có thể là hình mẫu phát triển, nâng cao sức chống chịu, thích ứng và vươn lên mạnh mẽ của một đồng bằng trước những thách thức to lớn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tác động tiêu cực của vấn đề nguồn nước xuyên biên giới. Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL được xem là sản phẩm của việc “chuyển hướng chiến lược” trong tư duy phát triển vùng, từ “khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh” sang “thích ứng thuận thiên”, phục hồi và tăng cường “sức khỏe” cho đồng bằng, biến thách thức thành cơ hội; lấy con người làm trung tâm, xem tài nguyên nước là cốt lõi trong suốt quá trình phát triển. 

“Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới”, những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới đã được thể hiện trong Quy hoạch; được tổ chức công bố ra dân, kêu gọi nguồn lực đầu tư xã hội cùng với ưu tiên bố trí vốn đầu tư công và yêu cầu liên kết vùng là quan trọng; nhưng quan trọng hơn vẫn là việc triển khai nó trong thực tế… 

Bức tranh toàn cảnh về thời cơ mới và vận hội mới của vùng châu thổ rộng lớn, đang nổi lên những việc được kỳ vọng: Từ quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động, cơ hội đầu tư, dự kiến bố trí và huy động nguồn lực thực hiện, điều phối phát triển vùng… Các định hướng chiến lược, tư duy mới, chuyển đổi mô hình phát triển vùng từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung cả về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị; chuyển từ đáp ứng nhu cầu sang chủ động quản trị và điều tiết hợp lý tài nguyên nước; tăng cường liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL với TPHCM và vùng Đông Nam bộ.

Về nguồn lực đầu tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 973 ngày 8-7-2020; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26 ngày 14-9-2020 về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, các tiêu chí ưu tiên. Nhóm 6 ngân hàng quốc tế, gồm ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA và WB đã thống nhất tài trợ khoảng 2,2 tỷ USD để triển khai 20 dự án liên kết vùng ĐBSCL.

Mặc dù đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, nhưng việc thực hiện quy hoạch vùng cần tiếp tục được ưu tiên bố trí từ nguồn vốn đầu tư công, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách, thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư, cơ chế huy động vốn… ĐBSCL là một thực thể thống nhất, không gian phát triển, thị trường hàng hóa, lao động và dịch vụ; các hoạt động xúc tiến, đầu tư, thương mại không thể mỗi tỉnh tự làm riêng lẻ, mà cần hợp sức, tăng cường điều phối liên kết vùng để đạt hiệu quả chung tốt hơn. 

Các hoạt động điều phối liên kết vùng tiếp sau hội nghị được ưu tiên gồm: Lập các quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan phải đảm bảo thống nhất với Quy hoạch vùng; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng và phương án huy động nguồn lực, phân bổ vốn đầu tư; xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin dùng chung và phát triển nguồn nhân lực. Diện mạo tương lai đồng bằng đã được định hình rõ, những gam màu sáng nhiều kỳ vọng đang được cách tiếp cận và triển khai thành hành động thực tế…

Tin cùng chuyên mục