Ngày mai, gần 1 triệu sĩ tử cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT-2013. Mặc dù công tác chuẩn bị cho một kỳ thi nghiêm túc, trung thực, an toàn theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đã sẵn sàng, nhưng áp lực căng thẳng, âu lo của toàn xã hội vẫn chưa thể giảm nhiệt. Trước kỳ thi, đại diện Bộ GD-ĐT đã trấn an thí sinh rằng đề thi chỉ nằm trong chương trình lớp 12 và học sinh có học lực trung bình, chăm học là có thể đỗ. Thế nhưng, nỗi lo lưu cữu vẫn đè nặng toàn xã hội. Ôn, luyện, truy bài, kiểm tra, thi thử vẫn được nhiều trường áp dụng và chạy nước rút để đạt được mục tiêu hoàn hảo -100% tốt nghiệp.
Nhưng kỳ vọng là một chuyện, dù đã thúc ép ôn luyện, thậm chí bắt học sinh học đến sát ngày thi, học đến kiệt sức, nhiều ban giám hiệu lẫn không ít học sinh lớp 12 vẫn nơm nớp nỗi lo thi rớt. Điều hiển nhiên này cho thấy áp lực thi cử vẫn đè nặng và cả người dạy lẫn người học, chưa thật yên tâm với chuyện thi cử và cách ra đề của bộ. Bám sát tinh thần thi gì học nấy cho chắc ăn, hầu hết các trường từ tư thục đến công lập ở các đô thị hay vùng quê đều “ép” học sinh ôn luyện, nhồi đi nhồi lại kiến thức đã học thông qua kiểm tra, thi thử.
Với cách làm truyền thống và không thể lệch lối mòn nhẵn thín này, chắc chắn tỷ lệ học sinh thi tốt nghiệp THPT sẽ chạm vào tỷ lệ đỗ cao, thậm chí tròn trĩnh như mơ. Nhưng dù sao cách làm hao tốn công sức của cả thầy lẫn trò này cũng còn nghiêm túc, trung thực. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã nhắn nhủ trước kỳ thi tốt nghiệp sắp đến: Thí sinh phải làm bài trung thực để tạo niềm tin cho xã hội và đo lường đúng chất lượng đào tạo. Thế nhưng, không chỉ Bộ GD-ĐT chưa cảm thấy yên tâm rằng ở đâu đó hoặc hội đồng coi thi nào đó có còn xảy ra hiện tượng tiêu cực như đã từng xảy ra ở những mùa thi năm trước. Đó là tình trạng ném phao, tuồn phao vào phòng thi, mang tài liệu vào quay cóp công khai…
Chính vì thế, Bộ GD-ĐT “tuyên chiến” với tiêu cực bằng các biện pháp tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra và cho phép thí sinh mang vào phòng thi thiết bị nghe nhìn (không có chức năng phát hình và tiếng). Tuy quy định mới này gây tranh cãi, nhưng nó thể hiện quyết tâm chống tiêu cực của bộ trong việc tạo sự công bằng, minh bạch trong thi cử. Vì một nền giáo dục sạch, vì triết lý sống trung thực, chúng ta không thể chấp nhận những thí sinh có học lực yếu, kém lại thi đỗ và ngang nhiên nằm cùng danh sách những học sinh có học lực khá giỏi, miệt mài đèn sách. Càng không thể chấp nhận sự bất công hiển hiện như cái gai khi có ngôi trường dạy và học chưa tốt nhưng lại có kết quả thi tốt nghiệp cao hơn nhiều trường có chất lượng đào tạo tốt hơn.
Nhìn lại những sự cố đau lòng của ngành giáo dục nước nhà và mổ xẻ những vụ việc tiêu cực nổi đình nổi đám trong kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước, chúng ta thấy đáng trách nhất chính là những người có trách nhiệm ở hội đồng coi thi: cán bộ, giám thị, nhân viên và kể cả cán bộ thanh tra. Nếu họ có ý thức, làm đúng lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp và tuân thủ đúng quy chế, tiêu cực không thể xảy ra. Bệnh thành tích trong ngành giáo dục, những kết quả thiếu trung thực sẽ dẫn đến sự ngộ nhận sai và nguy hiểm hơn là làm mất lòng tin của xã hội. Chính vì thế, chúng ta phải gương mẫu dạy học sinh - những công dân trẻ tương lai, nói không với tiêu cực, làm bài trung thực.
Khi dám đối diện với chính mình, nhìn đúng thực học của bản thân, các em sẽ có chọn lựa nghề nghiệp tương lai đúng đắn. Thay vì đổ xô vào các trường đại học, cao đẳng, một phân khúc học sinh có học lực trung bình, khá sẽ tự tin bước vào trường nghề, học một nghề vững chắc để sống có ích. Muốn phát triển và hội nhập quốc tế nhanh, Việt Nam rất cần đầu tư nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, tay nghề đạt chuẩn, kỹ năng thực hành cao. Để làm được điều này thì việc phân luồng học sinh phải được định hướng đúng và kịp thời ngay từ khi học sinh tốt nghiệp THCS và THPT. Nếu mỗi học sinh, mỗi trường, mỗi địa phương dám đối mặt với sự thật, nói không với bệnh thành tích, sẽ cho ra kết quả sạch, phản ánh đúng thực lực của thí sinh.
KHÁNH BÌNH