Chủ nhân một công ty sản xuất sôcôla của Ai Cập, bà Bahira Galal, không che giấu sự ủng hộ của mình với Tư lệnh Quân đội Ai Cập, tướng Abdel Fatah el- Sisi. Khách hàng tại các cửa hàng sang trọng của bà ở trung tâm Cairo tha hồ lựa chọn giữa các mẫu sôcôla có in hình khuôn mặt tướng Fatah el-Sisi và những người nổi tiếng khác. Một người khác mang chân dung của ông, người khác nữa thì ghi lên kính đeo mắt của mình dòng chữ: “Từ tận đáy lòng mình, cảm ơn Sisi”.
Cách đây không lâu, vào tháng 8-2013, thế giới phản ứng mạnh trước sự kiện tướng Sisi chủ trì phá bỏ những lán trại của lực lượng biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Morsi, làm thiệt mạng trên 1.000 người. Nhưng với đa số người dân Ai Cập, ông Sisi đã trở thành người hùng.
Với những gì mà người dân Ai Cập dành cho tướng Sisi có vẻ như lịch sử Ai Cập đang lặp lại như những ngày đầu của thời Tổng thống Hosni Mubarak và Tổng thống Gamal Abdel Nasser, vị tổng thống thứ hai của Ai Cập. Hai ông này cũng từng là sĩ quan quân đội có quyền lực và cũng được người dân tôn sùng vào những năm đầu nhiệm kỳ.
Với nhiều người Ai Cập, ông Sisi đã cứu đất nước khỏi cựu Tổng thống Mohamed Morsi, một người Hồi giáo muốn đưa Ai Cập theo con đường trở thành quốc gia Hồi giáo chính thống. Họ nghĩ, ông Sisi đã phần nào mang lại sự ổn định sau gần 3 năm xảy ra cuộc cách mạng lật đổ ông Mubarak.
Tình yêu dành cho Sisi có thể nhìn thấy trên hầu hết các đường phố ở Cairo khi các cửa hiệu giăng đầy áp phích có hình ông. Những doanh nghiệp muốn tận dụng sự mến mộ của công chúng với ông để kinh doanh. Một nhà sản xuất đồ trang sức còn khắc tên của ông vào dây chuyền. Một công ty bán bánh kebab mang tên Sisi. Thậm chí, một nhiếp ảnh chuyên chụp hình đám cưới trở nên nổi tiếng hơn sau khi ông đưa lên mạng hình ảnh của cô dâu và phù dâu mặc quân phục và cầm ảnh của tướng Sisi. Người hâm mộ Sisi còn lấy tên ông này đặt cho con trai mới sinh của mình. Nhân viên tại bệnh viện khi biết bé sơ sinh mang tên Sisi đã tỏ ra vui mừng và miễn phí cho ca tiêm ngừa vaccine.
Đa số người Ai Cập đang ủng hộ ông Sisi ra ứng cử tổng thống bất chấp nhiều sĩ quan Ai Cập đã từng thất bại trong việc lập lại trật tự ở Ai Cập sau khi ông Mubarak bị lật đổ năm 2011. Có lẽ, sau một giai đoạn thử nghiệm dân chủ đầy hỗn loạn kéo dài 2 năm qua, người dân Ai Cập đã quá mệt mỏi và cái mà họ đang cần nhất hiện nay là sự ổn định. Trong mắt họ, xem ra chỉ có ông Sisi là người thích hợp. Hơn thế nữa, giữa một bên là Hồi giáo chính thống và một bên là quân đội, người dân Ai Cập vẫn chọn quân đội, nhất là trong thời gian vừa qua, Al-Qaeda thừa cơ hội tranh tối tranh sáng đã ra sức củng cố mạng lưới khủng bố của mình ở Ai Cập, muốn biến nước này thành trung tâm mới của Al-Qaeda ở Trung Đông. Nhiều nhà phân tích cho rằng con đường dân chủ ở Ai Cập chưa hề có và quân đội vẫn phải đóng vai trò then chốt trên chính trường nước này. Bassem Sabry, nhà bình luận nổi tiếng của Ai Cập, nhận định trên tờ The Guardian rằng: “Quân đội được xem là pháo đài cuối cùng của sự ổn định và tin tưởng. Vì vậy, khi Sisi mạnh tay thực hiện quyền lực của mình, ông được xem là anh hùng”.
THỤY VŨ