Trong các đánh giá tình hình kinh tế thế giới vừa mới công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều cùng đưa ra nhận định: Indonesia được hưởng lợi nhiều từ sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Nhà kinh tế Ndiame Diop của WB cho hay, sự việc nền kinh tế số một thế giới phục hồi thời gian qua, với mức tăng trưởng trong quý 2-2014 đạt cao nhất trong 3 năm qua (4,6%), làm tăng nhu cầu hàng hóa nhập khẩu. Đó là cơ hội tốt cho các đối tác thương mại, trong đó có Indonesia. Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Indonesia (BPS), Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Indonesia sau Trung Quốc. Trong 8 tháng của năm nay, Indonesia đã xuất khẩu sang Mỹ 10,5 tỷ USD hàng hóa.
Ngoài ra, nền kinh tế Mỹ được cải thiện cũng thúc đẩy mạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ vào quốc gia Đông Nam Á. Mỹ hiện là nhà đầu tư lớn thứ 5 ở Indonesia. Trong quý 3-2014, tổng FDI từ Mỹ rót vào Indonesia là 302,7 triệu USD.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ndiame Diop cảnh báo, những lợi ích kinh tế mà Indonesia được hưởng từ sự phục hồi của Mỹ đang ít hơn so với các quốc gia trong khu vực châu Á, những đối thủ đều có lợi thế trong xuất khẩu hàng hóa công nghệ như Malaysia, Thailand và Hàn Quốc. Mỹ là một trong những nhà nhập khẩu hàng hóa công nghệ lớn nhất thế giới, trong khi xuất khẩu của Indonesia chủ yếu dưới hình thức các mặt hàng giá trị gia tăng không cao như dầu cọ, cà phê, cao su, chè, cá, thuốc lá, dệt may, giày dép. “Indonesia cần phải nâng cao khả năng cạnh tranh nếu họ muốn là bên có lợi nhất từ sự phục hồi tăng trưởng của kinh tế Mỹ”, chuyên gia Ndiame Diop nói.
Các nhà hoạch định chính sách Indonesia một mặt hy vọng xuất khẩu sang Mỹ sẽ được cải thiện, song cũng lo ngại khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất khi kinh tế nước này phục hồi, gây tác động tiêu cực tới xuất khẩu của xứ vạn đảo. Theo đại diện cấp cao của IMF tại Indonesia Benedict Bingham, mặc dù việc Mỹ tăng lãi suất có khả năng gây ra những biến động trên các thị trường tài chính châu Á nhưng Indonesia có thể đối phó với tình huống này nếu việc thắt chặt tiền tệ được thực hiện một cách thích hợp. “Rất nhiều thứ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Mỹ nhưng nếu biết cách, Indonesia sẽ được hưởng lợi rất nhiều”, ông Benedict Bingham cho biết. Cũng theo chuyên gia này, Chính phủ mới của Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhất thiết phải tăng sự cạnh tranh của nền kinh tế, chuyển dần sang xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao thay vì những mặt hàng đem lại giá trị kinh tế thấp. Ngoài ra, các trụ cột kinh tế vĩ mô phải củng cố vững vàng và cải cách tài chính cần phải được ưu tiên.
Một trong những thách thức mà giới quan sát cũng cảnh báo chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đó là cải thiện môi trường đầu tư. Hệ thống pháp lý với các vụ tham nhũng đã và đang làm giảm danh tiếng của Indonesia như là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất ở châu Á. Tuy nhiên, với cam kết xây dựng một chính phủ dựa trên năng lực, đạo đức, trong sạch cùng với cách tiếp cận hiệu quả với đầu tư nước ngoài khi còn làm Thống đốc Jakarta, ông Widodo được cho rằng sẽ mang đến làn gió mới giúp cải thiện môi trường đầu tư tại Indonesia; đưa quốc gia này trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó có Mỹ.
MINH CHÂU