Năm 2009, kinh tế - xã hội TP có phát triển nhưng chưa bền vững, các chỉ tiêu kinh tế có tăng nhưng chất lượng sống của người dân chưa tăng tương xứng... Làm thế nào để kinh tế - xã hội TPHCM phát triển bền vững? PV Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo.
Tiếp tục rà soát, tinh giản bộ máy
- PV: Bà nhận định thế nào về hoạt động của HĐND TPHCM sau một năm không còn tổ chức HĐND quận huyện, phường?
- Bà PHẠM PHƯƠNG THẢO: Năm 2009, hoạt động của HĐND TPHCM sát dân hơn và cũng nâng tầm hơn, tiếp tục phát huy tinh thần dân chủ nên đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, trong chỉ đạo điều hành chung của chính quyền TP. Công tác giám sát tập trung các vấn đề người dân quan tâm, bức xúc.
Thường trực HĐND TPHCM và các ban đã thực hiện được 56 cuộc giám sát, 73 cuộc khảo sát, tổ chức được 2 hội nghị chuyên đề, 2 cuộc hội thảo, 10 cuộc tham vấn ý kiến người dân trên các lĩnh vực “nóng” như: giao thông, cấp nước, quy hoạch, văn minh đô thị… Qua đó, chúng tôi đã lắng nghe nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng như các hiến kế rất sát với thực tế.
Đặc biệt, các tổ đại biểu HĐND TPHCM đã hoạt động tích cực hơn trong bối cảnh không còn tổ chức HĐND quận huyện, phường. Các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương được tổ chức thường xuyên hơn, “nhuyễn” hơn.
Bản thân tôi, nếu không dự họp Quốc hội thì cũng đi cơ sở và tiếp dân nhiều hơn. Việc phối hợp giữa Thường trực HĐND và Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM về tổ chức phản biện các vấn đề dân sinh cũng được tiến hành chặt chẽ, nhuần nhuyễn hơn.
- Thưa bà, vậy có nghĩa bộ máy hoạt động của HĐND quận huyện, phường trước đây là thừa?
- Việc không tổ chức HĐND quận huyện, phường được thực hiện theo Luật Tổ chức HĐND và UBND. Kết quả bước đầu thực hiện thí điểm cho thấy bộ máy mới phù hợp với tình hình mới vì nó tinh gọn hơn, thông suốt hơn.
- Tại nhiều sở ngành, quận, huyện, bộ máy vẫn còn cồng kềnh. Từ kinh nghiệm tinh gọn bộ máy HĐND TPHCM, thời gian tới TP sẽ làm gì để phát huy bộ máy hành chính công?
- TPHCM đang trong quá trình rà soát, tinh giản biên chế tại các sở ngành, quận huyện. Việc rà soát gắn với chức năng, nhiệm vụ từng bộ phận, từng người trong bộ máy. Điều này đã mang lại những kết quả đáng kể.
Tôi lấy dẫn chứng: thực hiện công tác chuẩn hóa cán bộ tại huyện Bình Chánh cho thấy có đến 19% cán bộ chưa phù hợp, còn ở huyện Hóc Môn tỷ lệ này là 37%... Đây là cơ sở để chúng ta sắp xếp, đào tạo lại. Điều đáng mừng là bộ máy hành chính năm 2010 không những không tăng về biên chế mà còn có xu hướng giảm. Đặc biệt, chúng tôi kỳ vọng vào Đề án 30 của Chính phủ khi thực hiện đơn giản hóa 30% thủ tục hành chính. Qua thăm dò việc triển khai tại các sở ngành của thành phố cho thấy, có nơi đơn giản thủ tục được 20%, 30%, thậm chí đến 40%
Không để “thua trên sân nhà”
- Để phát triển bền vững thì TPHCM - đô thị lớn nhất nước - phải tạo ra được những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Tuy nhiên, ngay việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao ở TP vẫn còn nhiều bất hợp lý. TPHCM sẽ khắc phục vấn đề này như thế nào?
- Trong những năm qua TPHCM đã chú trọng và đầu tư khá lớn vào việc đào tạo nguồn nhân lực, thí điểm thực hiện chế độ đãi ngộ đối với các nhà khoa học và cán bộ trẻ có trình độ đại học và trên đại học đến làm việc tại một số địa bàn, lĩnh vực. Tuy nhiên, chính sách và chế độ đãi ngộ của chúng ta chưa đủ để thu hút nhân tài, trong khi với trình độ lao động đó các tổ chức và công ty nước ngoài thuê với mức lương cao hơn chúng ta nhiều lần.
Vì vậy, trong quá trình cạnh tranh chất xám chúng ta thua trên sân nhà. Về vấn đề này, TP sẽ nghiên cứu để tiếp tục kiến nghị Trung ương xem xét điều chỉnh chính sách cho phù hợp, đặc biệt là chính sách đãi ngộ thu hút người tài tham gia hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp công và cơ quan nhà nước.
- Tăng trưởng bền vững thì chất lượng sống của người dân phải được nâng lên. Tuy nhiên, kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường tại TPHCM vẫn còn là nỗi ám ảnh của người dân. Bà nghĩ gì về trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành chức năng cũng như chính quyền TP?
- Nhiều năm qua, kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường… tại TPHCM là những vấn đề mà cử tri TP bức xúc và được các đại biểu HĐND TPHCM “làm nóng” tại nghị trường. Sau các phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND TPHCM, các phiên điều trần…, nhiều vấn đề được làm rõ. Tuy nhiên, để giải quyết cái gốc của vấn đề cần có thời gian và Trung ương sớm cho TPHCM những cơ chế, chính sách đặc thù.
Chỉ riêng vấn đề vốn, nhu cầu TP cần đến 26 tỷ USD để giải quyết kẹt xe, ngập nước mỗi năm trong khi chúng ta chỉ có thể chi cho công tác này chưa tới 1 tỷ USD/năm. Cho nên, nếu có cơ chế, chính sách hợp lý chúng ta sẽ chủ động huy động được nguồn vốn lớn hơn trong và ngoài nước để đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng của TP.
Điều đáng mừng là sau nhiều lần kiến nghị, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho TPHCM tiếp tục hoàn chỉnh và trình Chính phủ đề án chính quyền đô thị để Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho phép TPHCM thực hiện thí điểm. Khi đề án này được triển khai, TPHCM sẽ tự chủ, minh bạch trách nhiệm hơn trong việc giải quyết các vấn đề đặc trưng của đô thị…
- Xin cảm ơn bà.
VÂN ANH