Lạc quan nhưng phải thực tế

Những tín hiệu vui từ khán đài cũng như trên sân cỏ tại vòng 1 V-League diễn ra cuối tuần trước đã tạo ra bầu không khí lạc quan đối với những người làm bóng đá Việt Nam. Đó là minh chứng cho thấy rõ không hề có sự nguội lạnh trên khán đài, tình yêu bóng đá của người hâm mộ luôn tồn tại, chỉ cần ngọn lửa để sưởi ấm và kỳ tích U.23 Việt Nam chính là một trong những động lực đó.
Trong sự lạc quan, nhiều người tin rằng nếu trận đấu nào cũng đông đảo người xem, nếu trận đấu nào cũng diễn ra giằng co, quyết liệt thì chẳng mấy chốc V-League sẽ lấy lại hình ảnh như 10 năm trước, khi giải đấu này đứng đầu Đông Nam Á và lọt vào tốp 50 giải vô địch quốc gia hấp dẫn nhất hành tinh.

Tuy nhiên, cần phải thực tế. Thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng không hề thiếu những thời khắc thành công rực rỡ, nhưng sau đó lại sa sút rất nhanh. Tại ASIAD 2002, thể thao Việt Nam đoạt đến 4 HCV nhưng các kỳ tiếp theo lần lượt còn 3, rồi 1 HCV cho dù số HCB ngày một nhiều hơn. Với bóng đá, ở thời điểm cực thịnh của V-League, đội tuyển quốc gia đã vào tứ kết Asian Cup 2007, vô địch AFF Cup 2018, á quân SEA Games 2009 - đó đều là những thành tích tốt nhất trước thời điểm U.23 Việt Nam đá chung kết giải U.23 châu Á vừa qua. Tuy nhiên, phía sau những thành công ấy là sự sụp đổ của hệ thống thi đấu nội địa, V-League bị tàn phá bởi tiêu cực, trọng tài và cầu thủ bán độ suốt từ năm 2010 đến 2015…

Sự việc CĐV Hải Phòng ném pháo sáng xuống sân trong trận đấu với Hà Nội FC trên sân Hàng Đẫy nói lên khá nhiều điều. Dư luận đa số đều tập trung vào việc phê phán hành động xấu ấy của một nhóm CĐV quá khích, nhưng một số lại đặt câu hỏi: Tại sao việc ném pháo sáng vốn bị cấm lại cứ diễn ra hết mùa này đến mùa khác, không ném trên sân nhà, CĐV Hải Phòng đưa đến sân khách. Tại sao đã “chỉ mặt, đặt tên” rồi mà vẫn không thể hạn chế hoặc triệt tiêu, để dẫn đến những sự việc sau còn trầm trọng hơn trước? Kế đến, lại cần phải đặt dấu hỏi về những vấn đề khác của bóng đá Việt Nam. Hiện tượng “một ông chủ, nhiều đội bóng”, chất lượng trọng tài, tiêu cực về điểm số… liệu đã có phương án phòng ngừa cho mùa giải năm nay hay chưa? 

Cũng cần phải lưu ý rằng khi bóng đá Việt Nam càng nhận được sự quan tâm của người hâm mộ, thì các hiện tượng tiêu cực cũng sẽ nhanh chóng “ăn theo”, ví dụ như việc cá độ trên mạng các trận đấu V-League. Trong khi đó, lúc V-League sa sút, đá không ai muốn xem, thu nhập cầu thủ được đưa về giá trị thực, thì “đất” dành cho tiêu cực cũng thu hẹp đi rất nhiều. Chính vì vậy, bầu không khí của V-League 2018 đem lại sự lạc quan nhưng đồng thời hiện tượng pháo sáng ở sân Hàng Đẫy cũng chính là lời cảnh báo.

Câu chuyện pháo sáng chỉ ra một thực tế: Mọi nỗ lực của các nhà tổ chức cần phải có sự đồng hiệp của các CLB, tức là những thành viên của giải đấu, đồng thời cũng là cổ đông của công ty quản lý bóng đá chuyên nghiệp VPF. Đành rằng trách nhiệm lớn nhất thuộc về ban tổ chức sân khi không kiểm soát kỹ khán giả đem pháo sáng vào sân, nhưng nếu như mối quan hệ của các CĐV với CLB thật sự mật thiết thì mọi chuyện sẽ tốt hơn nhiều. Nếu mối quan hệ này được quan tâm đúng mức, không thể có chuyện người hâm mộ lại đi “phá” trận đấu để rồi chính đội nhà của mình nhận án phạt cũng như các thiệt hại khác trong quá trình thi đấu. Những vấn đề tiêu cực khác cũng vậy, thông thường xuất phát từ chính mục đích thi đấu của đội bóng, nên luôn cần được có giải pháp ngay từ chính CLB chứ không thể chuyện gì cũng “đổ lên đầu” các nhà tổ chức. 

Đại diện của nhà tài trợ chính Nutifood khẳng định, ngoài việc tài trợ cho giải, thương hiệu có thêm chi phí để “thưởng nóng” khuyến khích cho các hành động đẹp trong quá trình thi đấu nhằm đề cao tính Fair-play trên sân cỏ. Có thể nói, từ nhà tổ chức, người hâm mộ hay các nguồn lực xã hội đều mong muốn V-League sẽ tốt đẹp hơn, vấn đề còn lại có lẽ nằm ở chính những người trực tiếp tham gia - là CLB và cầu thủ của họ.

Tin cùng chuyên mục