Thứ sáu cuối tuần chẳng yên khi hơn chục ngàn nông dân nuôi bò trên nước Pháp tuần hành tại 70 tỉnh thành kêu gọi các biện pháp khẩn cấp, nhất là nâng giá sữa trong bối cảnh họ phải đối mặt với chi phí sản xuất quá cao và không được sự cảm thông của các nhà phân phối. Giới sản xuất sữa gọi đây là “cuộc chiến của các trang trại” với bên phân phối bán lẻ hay “cuộc chiến giá cả”.
Vấn đề người nuôi bò băn khoăn là phải chăng các nhà phân phối đang tự làm luật hay làm sao để có sự cân bằng kinh tế giữa chi phí sản xuất, giá phân phối và lợi nhuận sau đó. Thủ tướng Jean-Marc Ayrault có hứa sẽ đưa ra các giải pháp tạm thời, sắp tới cũng sớm có dự luật về tiêu thụ nhưng cũng nói thêm “nếu chúng ta có các giải pháp tạm thời thì sẽ áp dụng nhưng điều quan trọng nhất là phải cải cách cơ cấu để sao cho việc này không xảy ra mỗi lần tăng chi phí nguyên liệu”. Nhưng Liên đoàn sản xuất sữa quốc gia nhấn mạnh tính cấp bách của tình thế, cho rằng các giải pháp theo luật sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi liên đoàn đã gióng lên hồi chuông báo động từ ít nhất 6 tháng nay. Trong khi đó, mọi thương lượng, đàm phán giữa các bên liên quan, mà mới đây nhất là cuộc gặp gỡ hôm 8-4, đều rơi vào ngõ cụt.
Nhẩm tính xem, cần 2 năm để một con bê thành bò sữa. Trong 2 năm đó, người ta phải nuôi bê, chăm bê, cho nó chỗ ăn chỗ ngủ. Sau 2 năm đầu tư, kiểu gì cũng phải bán được sữa nếu không muốn trắng tay. Vậy mà giá ngũ cốc, đậu nành cho gia súc, gia cầm kể từ mùa hè năm 2012 luôn khiến giới nuôi gia súc lấy sữa điên đầu. Nông dân than thở vào tháng 1-2012, họ chỉ mất 280 EUR mua 1 tấn đậu nành thì nay họ đã phải trả 420 EUR/tấn. Còn bắp, từ 180 EUR/tấn cho tới khi cao điểm lên đến 240 EUR/tấn và giờ thì họ tạm mua được với giá thương lượng là 220 EUR/tấn. Không chỉ giá ngũ cốc, giá xăng xe, chi phí vận chuyển, y tế… đều tăng.
Trái với chi phí sản xuất tăng cao, giá sữa lại có xu hướng giảm. Từ mùa thu năm 2012, giới chăn nuôi đã mong muốn được tăng thêm 30-40 EUR cho 1.000 lít sữa, tức sẽ tăng khoảng 300 - 340 EUR cho 1 tấn sữa nhưng mọi yêu cầu đều bị bác. Giá sữa này có tính tới bơ và bột sữa, kể cả giá của sản phẩm chuyển đổi như phô mai. Giá sữa ở Pháp không được hơn hoặc kém 10 EUR so với giá ở Đức và kết quả là luôn cố định mức 300 EUR/tấn. Nông dân cho rằng nếu tính chi phí chăn nuôi, công sức… và chia theo giờ như hiện nay, người trong ngành sản xuất sữa còn có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu. Nếu không trụ được lâu, họ đương nhiên sẽ cùng đường phá sản. Khó khăn khiến người ta tức giận.
Các hành động như đổ sữa, biểu tình diễn ra ngày càng nhiều. Sự tức giận gợi nhớ lại cách đây 3 năm, khi giá sữa nhà sản xuất bán ra giảm tới 40% và sau tuyên bố muốn giải quyết tình trạng đó thì nên hạn chế số nông dân sản xuất sữa và lượng sữa của Ủy viên châu Âu phụ trách nông nghiệp Mariann Fischer Boel, hàng triệu lít sữa đã bị đổ tràn ra đường, trắng xóa các cánh đồng châu Âu. Hình ảnh gây đắng lòng. Giờ đây, để cuộc khủng hoảng sữa không lan rộng như năm nào, chỉ còn cách cân bằng lợi ích của các nông dân sản xuất sữa với ngành công nghiệp chế biến và phân phối sản phẩm từ sữa. Có vẻ đó là giải pháp duy nhất mà nông dân Pháp nói riêng, châu Âu nói chung, chấp nhận trong bối cảnh hiện nay.
THU HIỀN