“Xanh hóa” mái nhà đã được Báo SGGP đề cập trong nhiều bài viết trước đây. Tuy nhiên, trong không khí nóng bức, ngột ngạt của những ngày giữa tháng 4-2016, nhắc lại câu chuyện trên… vẫn không thừa.
Thành phố đang bị “hun” nóng
Theo Hội Kiến trúc sư TPHCM, các thống kê về thành phố xanh châu Á cho thấy, diện tích cây xanh trên đầu người Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 1m² cây xanh/người. Trong khi đó, ở Hồng Công (Trung Quốc)là 105,3m²/người, Singapore là 60m²/người… Quy hoạch xây dựng chung TPHCM đến năm 2020 đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ cây xanh trong đô thị lên 10m² - 15m²/người. So với các vùng đất nêu trên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều song cũng chưa biết TPHCM có đạt được không trong bối cảnh “tấc đất, tấc vàng” như hiện nay? Đó là chưa kể đến một thực tế khác, trong quá trình xây dựng thành phố, nhiều mảng xanh đã bị cắt xén dành diện tích cho đường, cầu, nhà ở... Hàng chục cây xanh trong Công viên Gia Định đã bị chặt để thi công đường Phạm Văn Đồng. TPHCM cũng đã đốn 51 cây xanh trước khu vực Nhà hát TPHCM để làm nhà ga metro. Dự kiến để làm các công trình giao thông tiếp theo, thành phố sẽ đốn thêm khoảng 57 cây xanh ở khu vực gần chợ Bến Thành để làm nhà ga metro trung tâm Bến Thành; đốn khoảng 215 cây sọ khỉ trên đường Nguyễn Văn Hưởng để phục vụ việc mở rộng tuyến đường này. Việc đốn cây được thực hiện trong 3 năm (2014 - 2016) và dự kiến sẽ thay thế bằng cây bằng lăng…
Cây xanh thiếu, nhưng phương tiện giao thông tại TPHCM lại không ngừng gia tăng. Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, TPHCM hiện có 7,45 triệu xe cá nhân, tăng gấp 1,5 lần so với 3 năm trước. Số phương tiện trên cộng với hàng triệu xe gắn máy 2 bánh, ô tô các loại từ các địa phương khác đổ về TPHCM, tính trung bình mỗi ngày thành phố có tới 10 triệu phương tiện giao thông cơ giới lưu thông. Hiện Công an TPHCM còn nhận đăng ký mới 150 ô tô, 900 xe gắn máy 2 bánh/ngày. Còn theo TS Nguyễn Trung Việt, Văn phòng Biến đổi khí hậu TPHCM, nếu tính trung bình mỗi gia đình chỉ có 1 máy lạnh thì số máy lạnh trên địa bàn thành phố sẽ vào khoảng 3 - 3,5 triệu cái. Chưa có thống kê chính xác về nhiệt lượng mà số máy lạnh này thải ra môi trường, nhưng chắc chắn là con số không nhỏ bởi sức nóng ngột ngạt tỏa ra khi máy lạnh hoạt động, chúng ta có thể cảm nhận được rất rõ. Là một thành phố công nghiệp, môi trường của TPHCM cũng đang phải chịu những tác động tiêu cực của quá trình này gây ra. Đó là ô nhiễm nguồn nước, không khí và góp phần làm gia tăng nhiệt độ ở thành phố.
Tất nhiên, với một trung tâm kinh tế, khoa học, công nghệ như TPHCM, hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp, sử dụng máy lạnh… là không thể tránh được. Vấn đề là những giải pháp về xây dựng, phát triển đô thị để làm giảm tác động tiêu cực của các hoạt động này chưa được quan tâm đúng mức.
“Muối bỏ bể”…
Bên cạnh việc chặt cây xanh, gần như năm nào TPHCM cũng trồng mới thêm hàng ngàn cây xanh. Theo ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GTVT, trong năm 2014, thành phố đã trồng 12.448 cây xanh. Trong đó, số cây xanh bóng mát trồng trên các tuyến đường là 6.008 cây, trồng cây xanh phủ đất dự trữ 6.440 cây. Các loại cây chủ yếu được trồng là giáng hương, bằng lăng, bò cạp nước, lộc vừng… Năm 2015, Sở GTVT trồng thêm được 7.000 cây tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất; trên đường Nguyễn Huệ và khu vực quanh tượng đài Bác Hồ; dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm, trên vỉa hè đường Phạm Văn Đồng, đường nối từ nút giao thông An Phú đến đường Vành đai 2 vào đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây... Thế nhưng, nỗ lực này vẫn như “muối bỏ bể” so với nhu cầu phát triển mảng xanh của thành phố theo đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM đã đề cập ở trên.
Cây xanh được trồng mới trên đường Mai Chí Thọ, TPHCM. Ảnh: THANH TRÍ
Vậy cách nào để tăng cường mảng xanh cho thành phố? Nhiều kiến trúc sư cho rằng, một trong những giải pháp khả thi nhất trong bối cảnh đất đai thành phố chật hẹp là “xanh hóa” mái nhà, khuyến khích người dân trồng cây, phủ xanh mái nhà và các công trình xây dựng khác. Văn phòng Biến đổi khí hậu TPHCM cũng đã có một nghiên cứu nhỏ về vấn đề này. Theo TS Nguyễn Trung Việt, việc trồng cây xanh nói chung và phủ xanh mái nhà nói riêng có thể giúp cho khu vực có cây xanh giảm từ 1°C - 3°C so với những khu vực khác. “Vào mùa hè nóng nực, nhiều lúc TPHCM nóng tới 35°C - 37°C. Nếu giảm được từ 1°C - 3°C, chắc chắn bầu không khí TPHCM sẽ dịu lại ngay”, TS Nguyễn Trung Việt nói.
Không chỉ làm mát, việc trồng cây xanh trên mái nhà còn mang lại nhiều hiệu quả khác. Những khu vườn trên mái nhà là cơ hội để người dân tự tay trồng và thưởng thức rau quả hữu cơ chất lượng đảm bảo 100%, đồng thời chống nóng cho sân thượng, làm tăng tuổi thọ của mái nhà, tiết kiệm điện phải dùng cho các thiết bị làm mát như máy lạnh, quạt... Trồng cây trên mái nhà sẽ giúp thành phố tăng khả năng chống ngập úng. Nước mưa thay vì trượt thẳng toàn bộ xuống, gây áp lực cho hệ thống thoát nước vốn đang quá tải, sẽ được giữ lại một phần trên mái nhà xanh.
Hiện giá thành để chống thấm và những chi phí làm mái xanh ước khoảng 600.000 - 700.000 đồng/m². Để khuyến khích người dân tham gia làm mái nhà xanh, thời gian đầu nhà nước nên có chính sách hỗ trợ người dân bởi lẽ việc này không những người dân có lợi mà cả cộng đồng cũng được chia sẻ lợi ích.
* Một số ý kiến khác lại cho rằng, trồng cây trên sân thượng sẽ làm hỏng sàn bê tông mái và gây thấm. Thực tế không phải vậy, nếu thi công đúng cách. Theo các chuyên gia ngành xây dựng, trồng cây trên sân thượng cũng là một trong những “liệu pháp” chống thấm. Chính môi trường ẩm ướt đó sẽ làm mát sàn sân thượng, làm giảm sự thay đổi nhiệt độ nên kết cấu bê tông không bị co ngót, rạn nứt và thấm. Việc trồng cây trên sân thượng còn giúp tăng tuổi thọ của sàn mái lên gấp đôi. Vấn đề là ngành chức năng phải có chương trình tư vấn, hướng dẫn miễn phí cho người dân thực hiện “xanh hóa” mái nhà. Nên chăng, TPHCM nên lập ra các tổ tư vấn ở các quận, huyện để khi người dân xin phép xây dựng nhà, có thể kết hợp tư vấn cho người dân. |
TÂM ĐỨC - LƯƠNG THIỆN