* Cảnh báo nguy cơ dịch sởi bùng phát vào mùa đông-xuân
(SGGP).- Chiều 28-1, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người dưới sự chủ trì của GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế. Tại cuộc họp, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cảnh báo, tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang có nguy cơ bùng phát thành đợt dịch mới có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam gần biên giới Việt Nam.
Tổ chức Y tế Thế giới đã thống kê trong 3 tuần đầu của tháng 1-2015, tại Trung Quốc ghi nhận 16 ca mắc cúm A/H7N9, trong đó có 3 ca tử vong. Như vậy, từ ca mắc đầu tiên vào năm 2013 đến nay, thế giới ghi nhận 486 trường hợp mắc cúm A/H7N9 và đã có 185 người tử vong, chiếm tỷ lệ 40%. Đặc biệt tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) nơi có nhiều người Việt Nam sang du lịch, làm ăn buôn bán cho tới nay đã ghi nhận 111 ca mắc cúm A/H7N9.
PGS-TS Trần Đắc Phu cũng nhận định, nguy cơ xâm nhập cúm A/H7N9 vào Việt Nam ở mức trung bình nhưng nếu không kiểm soát được việc vận chuyển gia cầm qua biên giới thì nguy cơ này sẽ rất lớn. Cục Thú y, Bộ NN-PTNT cũng cho biết, dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, nhiều chủng cúm mới xuất hiện. Hiện dịch cúm A/H5N1 lưu hành rộng khắp trên đàn gia cầm của nhiều địa phương ở Việt Nam. Điều đáng lo ngại là hoạt động giết mổ, vận chuyển gia cầm gia tăng vào dịp tết và việc nhập lậu gia cầm vẫn diễn biến phức tạp.
Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể lây lan và bùng phát trên người, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ rõ, từ đầu năm 2015 đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H5N1, H5N8 và cúm A/H5N2 trên cả gia cầm và người. Tuy nhiên, hiện nay, có rất nhiều loại virus cúm vẫn lưu hành trên gia cầm, cho thấy virus cúm có sự phát triển và thay đổi phức tạp. Mùa đông-xuân là thời điểm thuận lợi cho các virus cúm phát triển và lây từ gia cầm sang người. Các địa phương cần khẩn trương triển khai những biện pháp chủ động phòng chống. Trong đó công việc hàng đầu là thực hiện tốt việc giám sát tại cộng đồng, giám sát trong các bệnh viện. Tất cả các trường hợp có biểu hiện viêm, nhiễm trùng hô hấp đều phải được lấy mẫu xét nghiệm để giám sát.
Cùng ngày, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước chỉ đạo sở y tế phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương phòng, chống dịch bệnh sởi. Các đơn vị cần giám sát chặt chẽ những trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi, kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân, triển khai xử lý ổ dịch triệt để, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong. Chỉ đạo việc thực hiện tiêm vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng, đảm bảo tất cả các trẻ em khi đủ 9 tháng tuổi được tiêm ngay vaccine sởi, tránh tình trạng bị mắc bệnh sởi do tiêm vaccine muộn. Đồng thời tiếp tục tổ chức tốt chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella cho trẻ em từ 1 đến 14 tuổi, đạt tỷ lệ trên 95% ở quy mô xã, phường.
Đối với các bệnh viện cần tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế việc chuyển bệnh nhân trong khả năng điều trị để tránh lây nhiễm bệnh sởi. Thực hiện phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Thường xuyên hướng dẫn người chăm sóc trẻ thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Các địa phương rà soát trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, dự trù kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để đáp ứng kịp thời cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Năm 2014, dịch sởi đã xảy ra tại 178/194 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó Việt Nam đã ghi nhận hơn 4.602 trường hợp mắc sởi và hơn 140 ca tử vong. Hiện nay, dịch sởi vẫn diễn biến phức tại nhiều quốc gia, trong đó có một số nước có chung đường biên giới với nước ta, làm tăng nguy cơ xâm nhập và bùng phát bệnh sởi ở Việt Nam. Đặc biệt, mùa đông-xuân này là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh sởi lây lan, bùng phát tại cộng đồng.
KHÁNH NGUYỄN