Lại lo ngập khi vào mùa mưa

TPHCM sắp bước vào mùa mưa. Nhớ lại 3 cơn mưa trái mùa xảy ra vào đầu tháng 4-2017, khi triều cường ở mức thấp nhưng nhiều nơi ở TPHCM đã ngập sâu trên diện rộng, khiến người dân TP không khỏi lo lắng…

TPHCM sắp bước vào mùa mưa. Nhớ lại 3 cơn mưa trái mùa xảy ra vào đầu tháng 4-2017, khi triều cường ở mức thấp nhưng nhiều nơi ở TPHCM đã ngập sâu trên diện rộng, khiến người dân TP không khỏi lo lắng…

Ngập do cống không thoát được

Trong 3 cơn mưa nói trên, dù lưu lượng không lớn so với những trận mưa trước kia, nhưng đã gây ngập nặng nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Điều đáng nói là nhiều tuyến đường có hệ thống thoát nước đã được xây dựng hoàn chỉnh nhưng chỉ sau cơn mưa khoảng 15 phút là ngập lênh láng. Đơn cử như đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt - hai tuyến đường được hiện đại và đẹp nhất TP hiện nay. Mưa kéo dài khoảng 20 phút thì đường bị ngập nước lênh láng khiến xe cộ lưu thông rất khó khăn. Nhiều nơi ở quận Thủ Đức, một số đoạn trên quốc lộ 13 và nhiều tuyến hẻm kế bên (phường Hiệp Bình Chánh), nước ngập lên khoảng 30cm. Riêng khu vực đường Võ Văn Ngân, đoạn từ giao lộ đường Đặng Văn Bi đến ngã năm chợ Thủ Đức, do đường có độ dốc lớn khiến nước chảy xối xả, nhiều xe máy không dám lưu thông qua đoạn trên. Các tuyến đường Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân (Thủ Đức), nước dâng cao đến cả yên xe người đi đường khiến hàng loạt xe chết máy. Tương tự, đường ở các Hồng Lạc, Ni Sư Huỳnh Liên, Phan Sào Nam (quận Tân Bình); Trương Vĩnh Ký, Gò Dầu (quận Tân Phú), Lò Siêu, Lãnh Binh Thăng, Hàn Hải Nguyên (quận 11)… cũng ngập sâu.

Nhận định về những trận mưa trái mùa gây ngập, PGS-TS Chế Đình Lý, nguyên Phó viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên TPHCM, cho rằng chúng ta đang phải trả giá cho việc quy hoạch và đô thị hóa không theo quy luật tự nhiên. Trên nguyên tắc, nước sẽ chảy về chỗ trũng; trong khi đó, hệ thống kênh rạch của TP không những không được nạo vét mà còn bị san lấp rất nhiều. Hệ quả, những vùng trũng như các quận 8, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức, huyện Nhà Bè… là vùng chứa nước khi mưa lớn. Vì thế, dù nhiều tuyến đường có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh nhưng nước không có lối thoát nên trào ngược lên nắp hố ga gây ngập.

Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng thời gian qua TP quyết liệt đầu tư xây dựng các công trình chống ngập, tuy nhiên vẫn chưa đủ. Ngoài hiện trạng hệ thống đường ống thoát nước chưa đồng bộ và đã quá cũ kỹ, thì những quận vùng ven và ngoại thành TP chưa được đầu tư công trình tiêu thoát nước. Như tại các quận 8, 9, 12 hay Bình Tân, Thủ Đức, là những vùng trũng, nhưng hiện các giải pháp đầu tư công trình chưa đáng kể, khiến tình trạng ngập nước diễn ra từ năm này qua năm khác. Ngoài việc đầu tư xây dựng hệ thống cống thoát nước, cần làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống cống thoát. “Những trận mưa vừa qua với lượng mưa nhỏ, mức triều không đáng kể, nhưng đã xảy ra ngập, thậm chí có nơi ngập 30cm - 40cm, rất đáng báo động. Điều này chứng tỏ trong mùa khô, các đơn vị liên quan chưa quan tâm đúng mức vấn đề bảo trì, bảo dưỡng và khơi thông dòng chảy, khi mưa xuống dòng chảy bị tắc nghẽn và ngập là đương nhiên”, TS Phạm Sanh nhấn mạnh.

Thi công hệ thống thoát nước trên đường Mai Xuân Thưởng (quận 6)

Giải pháp nhiều nhưng triển khai chậm chạp

Nhiều năm qua, TPHCM đã chi hàng ngàn tỷ đồng để chống ngập nhưng hiệu quả thế nào? Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TP (gọi tắt là Trung tâm chống ngập), giải thích: sở dĩ tình trạng ngập sâu còn tồn tại là do việc đấu nối các cống chưa hoàn thiện. Thêm vào đó, trong quá trình thi công đã tạo ra nhiều vị trí nghẽn dòng, dẫn đến tình trạng ngập lụt trong những cơn mưa đầu mùa vừa qua. Ngoài ra, ngập còn do hệ thống kênh rạch bị thu hẹp dòng chảy.

Theo Trung tâm chống ngập, hiện còn 58 vị trí kênh rạch, 88 tuyến cống với chiều dài 13,140km và 381 hầm ga, 55 cửa xả bị lấn chiếm gây nghẽn dòng chảy vẫn chưa được khắc phục. Trong năm nay, trung tâm chỉ thực hiện các giải pháp để xóa ngập do mưa trên 13 tuyến đường (Trương Vĩnh Ký, Gò Dầu, An Dương Vương, Mai Xuân Thưởng, Hậu Giang, Lê Quang Sung, Cao Văn Lầu, Hồng Bàng, An Dương Vương, Ba Vân, Lương Văn Can, Gò Dưa, Tân Hương); triển khai đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống cống thoát nước, cải tạo các tuyến kênh rạch đồng bộ với lưu vực dự án giải quyết ngập do triều cho lưu vực 550km2, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu; nghiên cứu rà soát những vùng trũng thấp dễ bị ngập nước do mưa, triều cường để điều chỉnh quy hoạch theo hướng dành cho ngập nước, tạo cảnh quan tự nhiên vùng ven. Những khu vực nội thị nhưng cốt nền thấp phải có giải pháp củng cố, tăng cường khả năng thoát nước của hệ thống cống, kênh, rạch kết hợp với hồ điều tiết, công viên đa chức năng...

Trong đợt giám sát công tác chống ngập trên địa bàn TP mới đây, Phó Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM Cao Thanh Bình cho rằng, các dự án triển khai chậm tiến độ là do phối hợp giữa các sở ngành chưa tốt; đầu tư cho chống ngập rất nhiều tiền nhưng hiệu quả chống ngập chưa cao, chỉ loay hoay chống ngập chứ chưa có giải pháp tổng thể thoát nước cho chiến lược phát triển của TP. Vì vậy, Trung tâm chống ngập cần rà soát lại công trình nào cấp bách gắn với điều chỉnh quy hoạch hiện tại, báo cáo UBND TP quyết định đầu tư, mới có thể giải quyết ngập một cách căn cơ. Thời gian vừa qua, tuy TP làm rất nhiều dự án nhưng người dân vẫn than phiền vì ngập. Vì vậy, cần kiến nghị những dự án, khu vực cụ thể để giải quyết dứt điểm. Khu vực chưa thực hiện được thì thông báo thời gian cụ thể khi nào sẽ giải quyết hết ngập. Làm như vậy người dân mới thấy được tiến độ thực hiện và hiểu được bức tranh chống ngập trên địa bàn TP.

TPHCM cần hơn 97.000 tỷ đồng cho việc triển khai các chương trình giảm ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng giai đoạn 2016-2020. Trong đó, quy hoạch 752 (tổng thể thoát nước) hơn 82.000 tỷ đồng và quy hoạch 1547 (thủy lợi chống ngập úng) hơn 15.000 tỷ đồng. Hiện các dự án đang triển khai và đã có nguồn vốn gần 23.000 tỷ đồng. Nguồn tài chính cho giai đoạn này còn lại hơn 74.000 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách TP gần 7.000 tỷ đồng, tức mỗi năm TP chi 1.400 tỷ đồng. Nguồn vốn còn lại từ ngân sách trung ương; xã hội hóa; ODA...

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục