Những ngày qua, đường dây nóng Báo SGGP liên tục nhận được phản ánh của người dân bày tỏ bức xúc về hoạt động cầm chừng của các công trình thi công có rào chắn trên địa bàn TPHCM, cũng như quan ngại về sự xuất hiện trở lại của các hố tử thần. PV Báo SGGP đã tìm hiểu về vấn đề này…
Rào chắn xong... để đó
Theo kết quả báo cáo tổng hợp mới nhất của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT), trên địa bàn TPHCM hiện nay có tất cả 57 vị trí rào chắn đang thi công chiếm dụng mặt đường, phục vụ 3 dự án lớn của TP là vệ sinh môi trường (lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè), nâng cấp đô thị (lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm) và cải tạo hệ thống thoát nước, sửa chữa, nâng cấp cầu, đường trên 31 tuyến đường. Tuy nhiên, nhiều công trình đã hết thời hạn thi công vẫn chưa thu dọn rào chắn, hoặc thi công cầm chừng do gặp các sự cố về kỹ thuật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân.
Đơn cử như ở giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Trần Quang Khải (quận 1), từ sau Tết Nguyên đán mọc lên 3 “lô cốt” chiếm dụng toàn bộ vỉa hè và một phần mặt đường khiến giao thông thường xuyên ùn tắc. Điều đáng nói là chỉ 2 trong số 3 rào chắn đó có thi công đào đường, vị trí còn lại chỉ dùng để chứa vật liệu. Anh Quang Minh, nhân viên cửa tiệm quần áo thời trang gần đó, cho biết: “3 rào chắn dựng lên nhưng chỉ có 2 biển công bố thông tin. Người dân khiếu nại quá nên đơn vị thi công gỡ xuống, không gắn cố định nữa mà luân phiên thay đổi cho cả 3 vị trí”. Từ đó mới có chuyện, cùng ở một rào chắn lúc thì có biển công bố, lúc không. Song, trên cả 2 biển công bố, thời gian thi công đều đã kết thúc từ giữa tháng 2-2011.
Cách đó không xa, trên đường Hoàng Sa (quận 1) cũng có một vị trí rào chắn thường xuyên vắng bóng công nhân. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đây là bãi tập kết phương tiện, thiết bị máy móc, vật tư của công trình thuộc dự án vệ sinh môi trường thành phố được Sở GTVT cho phép tồn tại trong dịp Tết Nguyên đán 2011. Tuy nhiên, đến nay đã hết thời gian tồn tại, Thanh tra Sở GTVT nhiều lần nhắc nhở nhưng đơn vị thi công vẫn duy trì rào chắn chiếm dụng 2/3 diện tích mặt đường.
Thi công dai dẳng với tốc độ “rùa” nhất là rào chắn ở giao lộ Bùi Hữu Nghĩa - Vũ Tùng (phường 2, quận Bình Thạnh). Nơi đây, chu kỳ “đào lên, lấp xuống” đã diễn ra hàng chục lần, thời gian thi công niêm yết trên biển công bố đã hết hạn từ ngày 21-12-2010. Đến nay, hàng rào tôn bao quanh công trình đã mục nát, nhiều đoạn không còn chân trụ chống đỡ, đe dọa tính mạng của người đi đường nhưng chưa thấy đơn vị nào khắc phục, sửa chữa.
Nở rộ “hố tử thần”
Thống kê về hố tử thần mới đây nhất của Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TPHCM cho biết, địa bàn thường xuyên xuất hiện hố tử thần nhiều nhất là các quận 1, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, kế đến là các quận 7, 5, 12, Nhà Bè, Hóc Môn… Một kết quả báo cáo khác cho biết, tính đến nay, trên địa bàn TPHCM đã ghi nhận trên 80 trường hợp hố tử thần, trong đó chưa có thương vong về người nhưng đã có ít nhất 8 vụ gây thiệt hại về tài sản.
Mới đây nhất, vào sáng 4-3-2011, tại giao lộ Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) xuất hiện một hố sâu gần 2m. Rất may là người dân đã kịp thời báo cho các cơ quan chức năng xuống lập rào chắn, ngăn chặn nguy cơ gây tai nạn cho người đi đường. Trước đó 3 ngày, một hố khác có đường kính 1,5m, sâu hơn 1m cũng bất ngờ xuất hiện ở giao lộ Lê Thánh Tôn - Pasteur (quận 1) ngay sát trụ sở UBND TP khiến nhiều khách du lịch một phen hoảng sợ. Tương tự, trưa 28-2, tại giao lộ Nguyễn Thái Sơn - Dương Quảng Hàm (phường 5, quận Gò Vấp), mặt đường “bỗng nhiên” xuất hiện một miệng hố sâu hơn 1m khiến một xe ba gác sập bẫy… Danh sách các vị trí hố tử thần ngày càng dài, lan rộng ra nhiều tuyến đường trên địa bàn TP nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được biện pháp “đón đầu” sự xuất hiện của chúng mà đơn thuần chỉ chạy theo khắc phục sự cố. Kể từ khi hố tử thần đầu tiên xuất hiện ở TPHCM vào ngày 15-7-2010 đến nay, hơn 7 tháng đã trôi qua, rất nhiều cuộc hội thảo bàn tìm giải pháp kiểm soát và ngăn chặn đã được tổ chức, song cứ trung bình 3 - 5 ngày lại xuất hiện một hố mới trên địa bàn TP.
Công bố mới đây của Sở GTVT, trong năm 2011 sẽ có khoảng 67 gói thầu thuộc các dự án thoát nước lớn trên địa bàn TP tiếp tục được triển khai. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có hàng loạt “lô cốt” tái mọc lại trên các tuyến đường, khiến nguy cơ hình thành hố tử thần ngày càng cao. Trước tình trạng đó, rất cần sự nỗ lực và quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng để người dân phần nào thoát khỏi nỗi lo sụp hố và ùn tắc.
Thu Tâm