Lại phải… vớt rác trên kênh, rạch

Như Báo SGGP đã đưa tin: TPHCM vừa quyết định chi ngân sách, ước khoảng 10 tỷ đồng/năm cho việc vớt rác trên kênh, rạch. Thế nhưng, tại sao cứ phải đi giải quyết hậu quả?
Lại phải… vớt rác trên kênh, rạch

Như Báo SGGP đã đưa tin: TPHCM vừa quyết định chi ngân sách, ước khoảng 10 tỷ đồng/năm cho việc vớt rác trên kênh, rạch. Thế nhưng, tại sao cứ phải đi giải quyết hậu quả?

Nhọc nhằn với... rác

Khoảng năm 2007, Báo SGGP có đăng phóng sự “Nhọc nhằn nghề vớt rác trên sông”, ghi nhận các thời điểm làm việc đầy nặng nhọc của công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc đội thu gom rác Xí nghiệp Vận chuyển số 1, Công ty Môi trường đô thị TPHCM.

Khi ấy, anh Lê Quang Vinh, đội phó đội thu gom cho biết, công nhân trong đội phải thức từ 4 giờ sáng để kịp 4 giờ 30 làm ca đầu tiên và một năm họ chỉ được nghỉ mùng 1, mùng 2 Tết, đúng ra chỉ nghỉ sáng mùng 2 vì chiều mùng 2 đã phải vào làm việc. Xí nghiệp Vận chuyển số 1 có 9 xuồng với 12 công nhân, 3 cán bộ phụ trách, trung bình mỗi ngày đội gom về không dưới 6 tấn rác. Rác vứt xuống kênh có đủ loại, từ rác sinh hoạt hàng ngày như rau củ quả hư, túi nylon đến cả bàn ghế, tủ cũ…

Thời điểm ấy, tính chung trên địa bàn TP, mỗi ngày các đội vớt rác gom được khoảng 40 tấn rác và số lượng rác ngày hôm sau thường chẳng mấy khi thấp hơn ngày hôm trước. Thậm chí, nhiều công nhân cho biết, vừa vớt đến giữa kênh thì ở đầu kênh đã thấy có rác xuất hiện trở lại.

Vớt rác trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Ảnh: KIM NGÂN

Vớt rác trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Ảnh: KIM NGÂN

Khoảng năm 2009, TPHCM quyết định ngưng cấp kinh phí vớt rác trên sông. Tuy nhiên, vừa mới đây TP chấp thuận chi kinh phí trở lại cho công tác này. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, đây là nguyện vọng của nhiều quận, huyện nhất là những quận có nhiều kênh, rạch. Trước mắt, TP sẽ cho quận 8 làm trước, sau đó mở rộng ra nhiều quận huyện khác nếu có nhu cầu.

Ngăn ngừa hành vi vứt rác

Không thể nói 10 tỷ đồng/năm chi cho công tác vớt rác là số tiền quá lớn đối với ngân sách TPHCM. Thế nhưng, cũng không thể nói đây là số tiền nhỏ vì nó có thể giúp xây một ngôi trường nhỏ cho một xã ở vùng xa, vùng sâu nào đó…

Ở đây, vấn đề không phải số tiền mà là cách giải quyết vấn đề. Theo ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TPHCM, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TPHCM, với thực trạng rác vẫn đầy kênh, rạch, cây thủy sinh và bèo lục bình sinh sôi nảy nở làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân thì vẫn cần phải vớt rác, nhổ bỏ cây thủy sinh và làm sạch kênh, rạch. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt để giải quyết hậu quả của cả một quá trình đã buông lỏng quản lý, buông lỏng công tác bảo vệ sông, kênh, rạch của không ít quận, huyện.

Về lâu dài, giải pháp căn cơ là ngăn chặn tình trạng này bằng các biện pháp chế tài thật nghiêm khắc. Giải pháp ngăn chặn không chỉ giúp TP giải quyết tình trạng kênh, rạch đầy rác mà còn giúp hình thành ý thức bảo vệ sông, kênh, rạch trong dân. Thay vì chi khoảng 10 tỷ đồng cho công tác vớt rác, TPHCM có thể chi số tiền này cho lực lượng tuần tra, kiểm soát và bảo vệ kênh, rạch.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín trong cuộc họp gần đây nhất về dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng: “Lắp đặt camera theo dõi hành vi vứt rác bừa bãi xuống kênh và sẽ tiến hành xử nguội hành vi này thông qua hình ảnh chụp được”. Như vậy, hướng giải quyết về lâu dài đã có. Vấn đề hiện này là triển khai sâu rộng cách thức này ra nhiều lưu vực kênh, rạch khác để công tác bảo vệ môi trường kênh, rạch của TPHCM hiệu quả hơn, căn cơ hơn.

AN NHIÊN

Huyện Bình Chánh và VWS dọn vệ sinh môi trường

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) cùng với đại diện phụ nữ 3 xã: Đa Phước, Phong Phú và Quy Đức thuộc huyện Bình Chánh, TPHCM, nơi VWS có Khu xử lý rác Đa Phước hoạt động, đã ra quân tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn 3 xã. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của 3 xã cùng với VWS, bởi khu vực này ngoài Khu xử lý rác Đa Phước, còn có nghĩa trang Đa Phước khu xử lý phân hầm cầu… Quyết tâm của các đơn vị tham gia là giữ cho môi trường trong khu vực được thoáng đãng, sạch sẽ.

T. Đ.

Tin cùng chuyên mục