Lãi ròng khi nuôi heo theo chuẩn GAP

Theo Sở NN-PTNT TPHCM, ngành chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn GAP của địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Quy trình nuôi heo sạch, an toàn theo tiêu chuẩn này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, không chỉ cho riêng các hộ chăn nuôi mà còn đối với người tiêu dùng.  
Cung ứng nguồn thịt sạch
 
Ngay từ khi thành lập dự án, mục tiêu chung của Lifsap là nâng cao khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi thông qua việc tăng năng suất cũng như chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.  

Trên địa bàn huyện Củ Chi  (TPHCM), dự án đã được đông đảo người chăn nuôi tham gia ủng hộ. Đơn cử như hộ anh Bình trên đường Nguyễn Thị Nê, ấp Phú Hiệp, xã Phú Hòa Đông. Gia đình anh hiện nuôi 80 con heo nái, 700 heo thịt và đã tham gia dự án Lifsap được 3 năm. Trước đây, gia đình anh thường lo lắng cho đàn heo của mình mỗi khi trong vùng xảy ra dịch bệnh. Từ khi tham gia dự án Lifsap vào năm 2014, anh đã mạnh dạn cải tạo chuồng trại theo quy trình GAP để phát triển đàn heo cả nái lẫn thịt và chăn nuôi khép kín. 
Lãi ròng khi nuôi heo theo chuẩn GAP ảnh 1 Quy trình chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn GAP mang lại nguồn lợi ổn định cho gia đình anh Bình
 Theo anh Bình, nhờ quy trình này, đàn heo phát triển tốt và ít bị lây lan dịch bệnh. Cán bộ dự án đã tập huấn cho gia đình về điều kiện vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh sao cho đúng quy trình; cách thức ghi chép nhật ký tiêm phòng, phối giống... Đồng thời, hướng dẫn cách chọn con giống, sử dụng thức ăn đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, lượng dinh dưỡng cung cấp hàng ngày phù hợp với chu kỳ phát triển của đàn heo. 
Nhờ đó, đàn heo nuôi theo quy trình an toàn từ trang trại anh Bình được các đơn vị giết mổ bao tiêu để cung cấp cho các siêu thị, điểm bán thịt heo đảm bảo chất lượng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Phát triển kinh tế hộ gia đình Anh Bình cho biết: “Chăn nuôi heo theo quy trình GAP giúp người nuôi khắc phục triệt để những nguy cơ xâm nhập của mầm bệnh. Nếu so với trước đây, sẽ giảm được công chăm sóc, tiết kiệm chi phí và mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Không những thế, còn có thể tận dụng nguồn phân heo thải ra để thiết kế hầm biogas làm chất đốt phục vụ đun nấu, sinh hoạt hàng ngày, đỡ phải mua gas mà còn đảm bảo được vệ sinh môi trường”.  Từ khi nuôi theo quy trình khép kín, cứ đều đặn mỗi tháng, hộ anh Bình lại xuất chuồng một lứa heo thịt, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Tại thời điểm giá heo hơi khoảng 35.000 đồng/ký, đã có thể mang lại lợi nhuận vài trăm ngàn đồng trên mỗi con heo. Anh Bình lý giải, sở dĩ đạt được mức lãi này là do chăn nuôi với số lượng lớn, nhu cầu về thức ăn cao nên anh nhập trực tiếp với số lượng lớn từ nhà máy thức ăn gia súc nên giá rẻ hơn nhiều so với mua lẻ từ đại lý. Bên cạnh đó, heo nuôi theo quy chuẩn GAP được thương lái thu mua với giá cao hơn thị trường. Chính những điều này đã góp phần mang lại lợi nhuận đáng kể cho gia đình anh từ việc nuôi heo.  Nuôi heo lãi bao nhiêu, anh Bình đều mang đi gửi ngân hàng. Số tiền này đã giúp gia đình anh trang trải khoản lỗ trong đợt heo bị rớt giá từ đầu năm đến nay. Không bị áp lực bởi lãi vay ngân hàng nên anh Bình tự tin vẫn có thể cầm cự và duy trì số lượng đàn nuôi để chờ thị trường qua giai đoạn khó khăn, giá heo hơi hồi phục.  Cùng với trại heo của anh Bình, nhiều hộ chăn nuôi khác tại xã Phú Hòa Đông cũng tham gia vào dự án Lifsap để nuôi heo theo hướng khép kín và vệ sinh, đảm bảo con giống tốt, sạch bệnh, thức ăn chăn nuôi an toàn. Qua chia sẻ của các hộ nuôi, dù còn hơi lúng túng với quy trình chăn nuôi GAP nhưng đa số vẫn cố gắng thực hiện với mong ước sẽ cải thiện được kinh tế của gia đình. Và qua đó, góp phần cung cấp nguồn thịt heo sạch, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.

Tin cùng chuyên mục