Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú
Sau nhiều năm chờ đợi, đến thời điểm này danh sách của 736 hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú mới được chính thức công bố để lấy ý kiến nhân dân. Vậy là sau rất nhiều thủ tục, hồ sơ, một lần nữa, các nghệ nhân dân gian, những người “giữ lửa” truyền thống, phần lớn đã ở tuổi gần đất xa trời, lại tiếp tục chờ đợi để được xét tặng, tôn vinh.
Chậm chạp
Với mục đích lựa chọn, tôn vinh những cá nhân có phẩm chất đạo đức, tài năng nghề nghiệp xuất sắc đặc biệt, các nghệ nhân này đang nắm giữ, truyền dạy, cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước ở các lĩnh vực: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian, trong những ngày qua, Bộ VH-TT-DL mới tổng hợp được danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước gửi về.
Theo quy trình, danh sách này được đưa ra để lấy ý kiến nhân dân, sau đó hồ sơ sẽ được Hội đồng chuyên ngành cấp bộ gửi lên Hội đồng cấp Nhà nước, để trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước tặng danh hiệu NNƯT. Vậy là lại phải thêm một thời gian nữa sau khi trưng cầu ý kiến thì việc vinh danh mới chính thức được tổ chức.
Cụ Nguyễn Thị Vượn (trái) và người em - cụ Khướu.
Với nhiều người thì một vài tháng không phải là khoảng thời gian đáng kể so với nhiều năm xây dựng dự thảo nghị định phong tặng, song với những nghệ nhân đã ở tuổi xưa nay hiếm thì đó có thể là hố sâu ngăn cách của cả một đời người. Chỉ tính riêng ca trù đất Bắc, sau lớp cụ Quách Thị Hồ, Phó Kim Đức, Nguyễn Thị Chúc… thì nay chỉ còn lại cụ Vượn, cụ Khướu ở làng Chanh Thôn, Phú Xuyên, Hà Nội. Cụ Nguyễn Thị Vượn năm nay đã 90 tuổi, còn người em - cụ Khướu cũng đã 88 tuổi, cả hai đều đang như hai chiếc lá vàng run rẩy trên cây, chẳng biết sẽ rụng xuống lúc nào. Từ năm ngoái, cụ Vượn đã ốm nằm liệt giường, vì thế khi nhắc tới việc phong tặng danh hiệu, cụ Khướu thật thà nói: Chúng tôi như ngọn nến trước gió rồi, bao năm vẫn cấy cày làm ra hạt gạo mà nuôi con cái, nuôi ca trù. Giờ các ông ở trên có làm thủ tục gì thì cũng làm nhanh lên, chị tôi (cụ Vượn) ốm liệt giường rồi, không biết có chờ nổi cái danh hiệu đó hay không.
Khi có thông tin về việc đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, có người còn đặt nghi vấn rằng phải chăng đây là động tác “câu giờ”? Suy luận như vậy có phần hơi võ đoán nhưng trên thực tế không hiếm nghệ nhân tuổi đã cao, lại là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, không sử dụng thông thạo tiếng quốc ngữ thì việc đưa danh sách ra lấy ý kiến đóng góp phải chăng là việc làm quá hình thức. Vì vậy, để lấy ý kiến, thu thập thông tin chính xác và hiệu quả để xét tặng, tôn vinh họ thì hơn hết là xuống tận cơ sở chứ chẳng thể trông chờ gì từ việc đăng tải tên các đối tượng được đề nghị xét tặng để lấy góp ý thông qua mạng internet. Cho nên, nếu làm không khéo thì việc này dường như chỉ khiến thời gian hoàn tất thủ tục bị kéo dài hơn.
... và “cứng nhắc”?
Nhiều nghệ nhân dân gian lớn tuổi xứng đáng được vinh danh nhưng vẫn mỏi mòn chờ
Ngay trong lần đưa danh sách để phong tặng nghệ nhân dân gian lần đầu tiên nhiều ý kiến cũng cho rằng đây là việc làm có phần “máy móc” bởi lẽ tất cả họ không phân biệt công trạng, đóng góp dày, mỏng mà đều chỉ được công nhận là NNƯT trong lần xét chọn đầu tiên.
Theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thì muốn trở thành Nghệ nhân nhân dân (NNND), người làm di sản trước đó buộc phải đạt danh hiệu NNƯT. Như vậy, thế hệ các bậc nghệ nhân lão thành hiện nay đã ở tuổi 80 - 90, họ đều được coi là bậc thầy trong lĩnh vực của mình, song tất cả họ nếu muốn trở thành nghệ nhân cấp “nhân dân” thì cũng đều lần lượt phải qua bậc NNƯT, sau đó tiếp tục chờ đợi đủ tiêu chí mới xét tiếp. Điều này thật là làm khó đối với tuổi đời của các nghệ nhân lão thành.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên cho rằng: “Đúng là thiệt thòi của các cụ, nhất là các cụ tuổi cao, nếu phải chờ có khi là quá muộn. Nhưng chúng ta không thể làm trái luật. Luật Thi đua - Khen thưởng quy định phải là NNƯT rồi mới được xét tặng danh hiệu NNND, chúng tôi không thể làm khác”.
Một bất cập khác cũng được các chuyên gia chỉ ra là các NNND phải thỏa mãn tiêu chí “phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước”, trong khi phần lớn các di sản mang tính khu biệt vùng miền. Chẳng hạn đờn ca tài tử ở phía Nam; ca trù, hát xoan… ở phía Bắc, nếu cứ chiều theo tiêu chí ấy thì chắc chắn các NNƯT sẽ không thể có cơ hội được xét tặng danh hiệu NNND, bởi họ không thể thực hiện được mục tiêu “phát huy giá trị di sản” trong “phạm vi cả nước”.
Việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân suy cho cùng cũng là một hình thức để tôn vinh những người đã có đóng góp trong việc gìn giữ, lưu truyền và phát huy vốn văn hóa dân gian của dân tộc. Việc làm này không có ý nghĩa về kinh tế mà chỉ nặng hơn là mang tính chất động viên, khích lệ, vì thế hà cớ gì chúng ta không linh hoạt để có những trường hợp được đặc cách dành cho những nghệ nhân lão thành đã bước vào tuổi xưa nay hiếm như cụ Vượn, cụ Khướu... Cũng giống như việc phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, chúng ta đã có nhiều tiền lệ về việc truy tặng, đặc cách... Vì thế nên chăng cần có một giải pháp linh hoạt hơn để các nghệ nhân lão thành có thể sớm nhận được sự tôn vinh xứng đáng của cộng đồng trước khi quá muộn.
|
MAI AN