Đến nay, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch hơn 2/3 diện tích trong tổng số 1,55 triệu ha lúa đông- xuân năm 2012. Người trồng lúa chưa kịp mừng vì vụ mùa bội thu phải đối mặt với tình trạng lúa rớt giá và khó tiêu thụ. Một lần nữa điệp khúc “trúng mùa, rớt giá” ám ảnh nông dân ĐBSCL. Đáng lo ngại hơn là ở một số nơi, việc tiêu thụ lúa phẩm cấp thấp IR 50404 rất khó khăn.
Theo thống kê của sở NN- PTNT các tỉnh, vụ đông - xuân này, nông dân ĐBSCL sử dụng phần lớn giống lúa phẩm cấp thấp IR 50404. Thực tế tại Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang…, nông dân sử dụng giống IR 50404 khiến khoảng 30% - 50%, thậm chí một số nơi như huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), quận Ô Môn (Cần Thơ)… có 60% - 100% diện tích trồng lúa IR 50404. Trong khi khuyến cáo của các chuyên gia, nhà khoa học, tỷ lệ hợp lý là khoảng dưới 20%. Một lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khẳng định: Lượng gạo nguyên liệu phẩm cấp thấp IR 50404 mà các doanh nghiệp thu mua tạm trữ hàng ngày chiếm tỷ trọng rất lớn. Đây chính là thách thức không nhỏ trong việc xuất khẩu gạo năm 2012.
Vấn đề đặt ra vì sao nông dân lại ùn ùn trồng lúa phẩm cấp thấp, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng? Thực tế, nông dân ĐBSCL thường xuyên đối mặt với tình trạng khan hiếm giống và sốt giá lúa giống, nhất là giống chất lượng cao, giống lúa thơm. Đầu vụ đông – xuân 2011 - 2012, giá nhiều loại lúa giống chất lượng cao, lúa thơm tăng 2.000 - 4.000 đồng/kg nhưng vẫn khan hiếm. Với tổng diện tích canh tác hơn 1,55 triệu ha phải cần khoảng 200.000 tấn lúa giống nhưng khả năng cung ứng của các trung tâm giống trong khu vực và cả những cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giống tư nhân… cũng không đủ. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhìn nhận: “Khả năng đáp ứng nhu cầu giống lúa xác nhận, chất lượng cao cho nông dân trong vùng chỉ ở mức 30% - 40%. Riêng An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang tỷ lệ cao hơn, chiếm khoảng 60% - 70%. Phần còn lại, nông dân tự chọn lựa từ lúa hàng hóa của vụ trước để làm giống cho vụ sau”.
Không có giống chất lượng cao, nông dân buộc phải trở lại với giống phẩm cấp thấp. Và lúa IR 50404 là ưu tiên số một. Ngay cả các nhà khoa học, nhà quản lý và lão nông tri điền cũng phải thừa nhận: IR 50404 là giống lúa ngắn ngày (hơn 80 ngày), phù hợp cho các vùng sản xuất 3 vụ/năm, dễ thích nghi, chi phí thấp, ít tốn công chăm sóc lại cho năng suất rất cao. Nhiều vụ vừa qua, nông dân trồng lúa IR 50404 thắng đậm. Điển hình là vụ thu – đông năm 2011, lúa IR 50404 tại ĐBSCL được thương lái mua với giá cao chóng mặt: 7.200 - 7.500 đồng/kg lúa khô, lúa ướt 6.300 - 6.400 đồng/kg; chỉ thấp hơn lúa chất lượng cao 100 - 200 đồng/kg. Do đó dùng giống IR 50404 vẫn lời nhiều hơn. Mặt khác, theo ngành nông nghiệp một số địa phương ở ĐBSCL, sau thắng lợi vụ thu đông, thương lái tích cực khuyến cáo nông dân trồng lúa IR 50404, góp phần gây cảnh tồn đọng, khó tiêu thụ như hiện nay…
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nhìn nhận: “Sản xuất, tiêu thụ lúa gạo vẫn nặng về năng suất, số lượng; chưa gắn với quy hoạch và thị trường tiêu thụ”. VFA cho rằng, vấn đề gạo cấp thấp khó tiêu thụ đã được VFA cảnh báo từ đầu vụ đông – xuân. TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) khẳng định: “Cải thiện chất lượng lúa gạo không khó. Vấn đề là phải có chính sách thu mua hợp lý và dự báo thị trường tốt để điều hành sản xuất”.
Rõ ràng, không thể đổ hết trách nhiệm của việc tăng mạnh diện tích sản xuất lúa IR 50404 cho nông dân. Bởi trong bối cảnh sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu thông tin, bấp bênh về đầu ra… nông dân sẽ chọn giống lúa nào có lợi. Vấn đề chính là mối liên kết “4 nhà”, đặc biệt giữa nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo còn quá lỏng lẻo, mờ nhạt. Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL đều khẳng định, với tiến bộ khoa học kỹ thuật, bất cứ giống nào từ phẩm cấp thấp đến lúa chất lượng cao, lúa thơm… đều sản xuất được, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và năng suất cao. Tuy nhiên, bán ở đâu, giá bao nhiêu thì việc này vượt khỏi tầm tay của ngành nông nghiệp khi ngành công thương và các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà trong việc đầu tư, bao tiêu đầu ra, định hướng thị trường…
HUY PHONG