Lãi vay xoay doanh nghiệp

Lãi suất liên tục leo thang khiến hàng loạt doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh rơi vào vòng lao đao. Để tồn tại, có DN đã “linh động” tìm đến những nguồn vốn vay “phi ngân hàng” để chống chọi qua cơn bĩ cực. Từ đó xuất hiện thị trường tín dụng đen ẩn chứa nhiều rủi ro.
Lãi vay xoay doanh nghiệp

Lãi suất liên tục leo thang khiến hàng loạt doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh rơi vào vòng lao đao. Để tồn tại, có DN đã “linh động” tìm đến những nguồn vốn vay “phi ngân hàng” để chống chọi qua cơn bĩ cực. Từ đó xuất hiện thị trường tín dụng đen ẩn chứa nhiều rủi ro.

  • Ngộp thở vì lãi suất

Đến thời điểm hiện tại, quy định về mức lãi suất huy động vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn ở mức 14%/năm, lãi suất cho vay trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh từ 17% - 18%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế một số NHTM đã phá rào huy động vốn bằng cách nâng mức lãi suất lên 15% - 19%/năm, tùy vào thời điểm và số lượng tiền gửi. Việc huy động vốn với lãi suất vượt trần quy định đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay sẽ được nâng lên. Chưa kể, một số NH đặt ra nhiều loại phí, đã đẩy mức lãi suất thật các DN phải vay tăng ngất ngưởng khiến sản xuất kinh doanh gặp khó khăn và xáo trộn.

“Lãi suất gần đây tăng cao quá nên chúng tôi quyết định sang bớt hơn một nửa số xe cho DN khác để trả nợ NH. Hiện giá đầu vào liên tục tăng cao, lại cộng thêm lãi suất vay NH lên đến 22% - 24%/năm, trong khi lợi nhuận chưa tới 20%, nếu duy trì sản xuất trước sau cũng phá sản” - ông Trần Văn Thành, Công ty TNHH Vận tải Long Thành quận Thủ Đức TPHCM, cho biết.

Hoạt động tín dụng tại Eximbank. Ảnh: CAO THĂNG

Hoạt động tín dụng tại Eximbank. Ảnh: CAO THĂNG

Cùng cảnh ngộ, Công ty TNHH Cơ khí Phương Bình, quận Bình Tân dù ra đời được gần chục năm nhưng đến thời điểm này DN đang rơi vào trạng thái “tồn tại hay chết”. Bởi theo ông Võ Minh Phương, Giám đốc Công ty Phương Bình, hiện DN đang vay vốn NH khoảng 10 tỷ đồng, nhưng với lãi suất khoảng 20%/năm (có tài sản thế chấp và là khách hàng lâu năm của NH - PV), trong 6 tháng qua đã mất thêm gần 600 triệu đồng, xem như mất toàn bộ chi phí vận hành DN.

Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam, chính bản thân ông mấy ngày qua đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các NHTM mời chào gởi tiền tiết kiệm với lãi lên đến 19%/năm. Chính vì vậy, ông Thụ cho rằng, việc cho vay tại các NHTM lên đến trên dưới 25% đối với DN là không có gì lạ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, với lãi suất quá cao như vậy, trong khi ngành cơ khí nói riêng chỉ lãi khoảng 3% - 5% và các ngành sản xuất kinh doanh khác sẽ khó chịu đựng nổi. Do đó, việc cấp bách hiện nay, nhà nước cần sớm ban hành chính sách, cơ chế rõ ràng để thu hút nguồn tiền, ngoại tệ trong dân. Mặt khác, siết chặt cho vay chứng khoán, bất động sản cũng như cắt giảm những dự án đầu tư không hiệu quả và cho vay phi sản xuất một cách hiệu quả hơn. Và cuối cùng, nên giảm mức lãi suất xuống thêm khoảng 5% - 7% để DN sản xuất kinh doanh có thể tiếp cận vốn.

  • Vay “chữa cháy”

Trước tình trạng khát vốn, nhiều DN đang phải tìm mọi cách để xoay vòng đồng vốn nhằm đảm bảo sản xuất kinh doanh. Từ đó, nhiều chiêu cho vay nóng xuất hiện, còn DN đi vay gặp nhiều rủi ro. Đơn cử, khi vay vốn NHTM phục vụ sản xuất mùa Trung thu sắp tới, bà Hoàng Th.T., Giám đốc một công ty thực phẩm ở Củ Chi, gặp khó khăn vì NH này chỉ cho vay ngắn hạn trong vòng 3 - 6 tháng. Vì vậy, trong đợt đáo hạn vừa qua, bà T. đã phải cầu cứu đến một số tiệm vàng để vay vàng khống. Cụ thể, ngày 4-5, giá vàng được niêm yết là 36,70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,75 triệu đồng/lượng (bán ra).

Với cách mua miệng 10 lượng vàng, thay vì bà T. lấy 10 lượng vàng với giá 375 triệu đồng, nhưng ngược lại bà được tiệm vàng đó đưa 367 triệu đồng. Tuy nhiên, ngay chiều hôm đó, bà T. lại phải hoàn trả cho tiệm vàng này tổng số tiền giá trị 10 lượng vàng theo giá bán ra hiện hữu trên thị trường cùng ngày. Như vậy, chỉ trong vòng mấy giờ đồng hồ bà T. bị mất 8 triệu đồng tiền lãi, ngang với lãi vay tín dụng đen. Với hình thức cho vay vàng khống dạng này, các cửa hàng vàng không nhận tiền lời nhưng hưởng chênh lệch giá mua và giá bán đồng thời sẽ được lời tiếp nếu giá vàng tăng.

Không chỉ phải vay vàng khống và vay nợ ngắn hạn từ các NH, để đủ vốn xoay xở, hiện nay DN còn sẵn sàng tìm đến các nguồn vốn ở bên ngoài, mặc lãi suất thỏa thuận “cắt cổ”. So với NH, để tiếp cận được những nguồn vốn này DN chỉ cần thế chấp giấy tờ nhà xưởng, dù họ phải trả lãi suất cao hơn. Thậm chí, nhiều NH do không đủ vốn cung ứng khách hàng còn sẵn sàng đứng ra làm trung gian bảo đảm cho người cần vốn và người có vốn gặp nhau. Chính vì thế, nếu như trước đây nhiều DN vẫn cho khách hàng trả chậm từ 30 - 45 ngày thì nay họ rút lại chỉ cho gối đầu 15 ngày.

Trước tình cảnh thiếu vốn sản xuất kinh doanh, DN chạy vạy, xoay xở bằng mọi cách đã và đang làm phát sinh nhiều hình thức cho vay nặng lãi tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người cần vốn lẫn người có vốn.

LẠC PHONG - MAI THI

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát hoạt động tín dụng

Ngày 20-5, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố về việc kiểm soát hoạt động tín dụng năm 2011. Thống đốc Ngân hàng nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải xây dựng kế hoạch và duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng trên thực tế dưới 20% trong suốt cả năm 2011; giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho lĩnh vực phi sản xuất nhất là kinh doanh bất động sản và chứng khoán so với năm 2010. Ngân hàng nhà nước không chấp thuận đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xây dựng và thực hiện tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm 2011.

T.NGỌC

Tin cùng chuyên mục