Làm bóng đá trẻ, không dễ

Năm 2008, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khánh thành Trung tâm đào tạo trẻ vô cùng long trọng với sự có mặt của Chủ tịch FIFA Sepp Blatter. Đây là dự án được FIFA tài trợ 400.000 USD, cùng với ngân sách từ nhà nước lên đến 80% kinh phí xây dựng. Trung tâm bóng đá trẻ được đặt tại Mỹ Đình rộng 7,2ha với đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo chuyên sâu nhằm để “đáp ứng đòi hỏi cấp bách về công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam thời kỳ mới” (trích phát biểu của nguyên Chủ tịch VFF khóa 5, 6).

Thế mà hồi năm ngoái, chỉ sau khi bị dư luận phản ứng về việc chỉ đem cho thuê chứ không đào tạo ra bất kỳ lứa cầu thủ nào, VFF mới quyết định tập trung đội U.19 bóng đá nữ để huấn luyện dài hạn. Hoàn toàn không có một thế hệ nào của bóng đá Việt Nam được sản sinh ra từ đây. Các tuyến trẻ từ U.13 đến U.17 và mới nhất là U.19 của VFF đều của các trung tâm đào tạo trẻ tư nhân như Viettel, Sông Lam Nghệ An, PVF và HA.GL-Arsenal JMG.

Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nơi cũng nhận được sự tài trợ tương tự của FIFA và chức năng chính của các trung tâm bóng đá trẻ quốc gia ấy là tập hợp các cầu thủ trẻ tài năng đến từ các học viện, “lò” đào tạo trên cả nước.

Mục đích tốt đẹp là thế nhưng tại Việt Nam, công tác đào tạo trẻ đang hiểu một cách méo mó, lại hoàn toàn thiếu những định hướng ngay từ cơ quan quản lý, nên sau thời kỳ “nhà nhà mở lò, người người làm học viện” cách đây 5-7 năm, hiện số trung tâm đào tạo bóng đá tư nhân chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, thậm chí một nơi có tiềm lực như Trung tâm bóng đá trẻ Viettel cũng suýt bị đóng cửa vì thua lỗ.

Khác với các “lò” bóng đá trực thuộc, những CLB vốn đã có sẵn đầu vào lẫn đầu ra, những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tư nhân thực tế là một loại hình kinh doanh thuần túy, phải tự bỏ tiền tuyển sinh khắp nước và tìm cách bán cầu thủ để thu lợi sau 5-7 năm đào tạo. Trên thế giới, đây được xếp vào một dạng đầu tư mạo hiểm, bởi đào tạo cầu thủ vừa phải chăm lo văn hóa lẫn công tác định hướng nghề nghiệp. Cầu thủ xuất thân từ các “lò” tư nhân thường được trang bị kiến thức tốt và kỹ năng bóng đá giỏi để có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh mới sau khi ra trường.

Nói như vậy để thấy công tác đào tạo bóng đá trẻ ở khu vực tư nhân cần được ưu tiên hỗ trợ từ VFF, qua đó, các đơn vị đầu tư mới có thể nhận được sự ủng hộ từ cơ chế đến điều kiện cơ sở vật chất từ những địa phương nơi họ mở trường. Chính VFF đã thừa nhận, ban đầu trung tâm bóng đá trẻ của họ cũng có ý định thu nhận các cầu thủ được ra trường ở những học viện, “lò”, nhưng lại không có đơn vị nào hợp tác vì phải lo bán cho được cầu thủ chứ không thể giao lại cho VFF mà không thu được đồng nào.

Biết quá rõ những khó khăn ấy, nhưng chính VFF lại đang khiến cho các nhà đầu tư nản chí sau khi đưa ra những đánh giá quá mức về mô hình học viện của HA.GL - Arsenal JMG khi cho rằng, đây chính là “mô hình chuẩn” mà các trung tâm khác phải noi theo. Trên thực tế, mô hình của HA.GL - Arsenal JMG hiện chưa biết có thành công hay không sau khi lứa cầu thủ đầu tiên đã không bán được mà phải đưa lên thi đấu sớm tại V-League. Dù thành công về chuyên môn khi cống hiến được một lứa cầu thủ giỏi, nhưng lại là thất bại về khía cạnh kinh doanh. Xét ở góc độ đó thì không thể vội vàng lấy mô hình này để làm quy chuẩn đánh giá những hoạt động đầu tư bóng đá trẻ mang tính kinh doanh khác.

Việc Học viện HA.GL - Arsenal JMG không bán được cầu thủ, lại đưa lứa U.19 lên đá chuyên nghiệp quá sớm chỉ khiến cho mô hình học viện tại Việt Nam mất tính khả thi. Hoàn toàn không thể yên tâm những học viện tương tự đang được dự định khánh thành sẽ đem đến kết quả tích cực cho công tác đào tạo tài năng cho bóng đá nước nhà, trừ một ngoại lệ: quá trình đào tạo ấy phải là hoạt động phi lợi nhuận 100%.

ĐĂNG LINH

Tin cùng chuyên mục