Làm công an 38 năm, về hưu có được miễn phí khám chữa bệnh?

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TPHCM trả lời thư bạn đọc về các quyền lợi khám chữa bệnh sau khi nghỉ hưu.
* Tôi vào lực lượng Công an nhân dân từ năm 1972, đến năm 2011 nghỉ hưu. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là 38 năm, 11 tháng. Trong quá trình công tác, tôi được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba. Hiện tôi có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khám chữa bệnh ở Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), mã quyền lợi HT3. Tôi có được chuyển sang mã quyền lợi khám chữa bệnh cao hơn là mức 2, diện 100% không?
(NGUYỄN MINH, quận Phú Nhuận, TPHCM)
- Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Thông tư liên tịch số 41/2014 của liên bộ Y tế và Tài chính, người có công với cách mạng, cựu chiến binh đã tham gia kháng chiến từ ngày 30-4-1975 trở về trước được ngân sách nhà nước đóng BHYT và được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả BHYT. Thẻ BHYT được chuyển đổi sang mã quyền lợi cao hơn (mức 2). 
Ông vào lực lượng Công an nhân dân từ tháng 7-1972 là thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ, nên thẻ BHYT của ông được chuyển đổi sang mã quyền lợi mức 2. Ông cần cung cấp các giấy tờ có liên quan và lập hồ sơ theo phiếu giao nhận hồ sơ 610, nộp cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để được giải quyết.
* Ba tôi quê ở Thái Bình, trước có đi bộ đội 12 năm, chiến đấu tại chiến trường B. Ba tôi được hưởng chế độ theo Quyết định 142. Năm rồi, ba tôi được tỉnh Thái Bình cấp thẻ BHYT. Bây giờ thẻ đã hết hạn. Gia đình tôi phải về quê Thái Bình làm lại thẻ năm 2018 hay là làm ở huyện Bình Chánh (TPHCM)? Có cách nào để ba tôi được cấp thẻ BHYT ở TPHCM không, chứ mỗi lần thẻ hết hạn lại phải về Thái Bình làm lại thì rất vất vả.
(Con gái ông CAO ĐĂNG XƯỢC, huyện Bình Chánh, TPHCM)
- Để được cấp thẻ BHYT tại TPHCM, cha của bà cần liên hệ với Sở LĐTB-XH tỉnh Thái Bình để được hướng dẫn thủ tục chuyển hồ sơ hưởng chế độ theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg từ tỉnh Thái Bình vào Sở LĐTB-XH TPHCM. Sau khi hồ sơ chính sách đã chuyển vào TPHCM thì cha của bà mới được cấp thẻ BHYT năm 2018 tại TPHCM.
* Nhà tôi mua BHYT theo hộ gia đình nhưng thẻ BHYT của mọi người có thời hạn không trùng nhau. Tôi ghé phường mua thẻ BHYT, trước đó tôi mua cho 2 người, mới đây tôi ghé mua thêm cho 2 người còn lại, thì lần mua tiếp sau chỉ được giảm số tiền mua thẻ tính đến người thứ 2, chứ không được tính giảm là người thứ 3, thứ 4 nối tiếp lần trước. Tại sao gia đình tôi có 4 người  mà không tính giảm số tiền mua thẻ BHYT theo số người 1, 2, 3, 4, mà lại nói tôi mua làm 2 lần nên chỉ giảm tính đến người thứ 2?
(Người dân có điện thoại 090.696…; ngụ quận 5, TPHCM)
- Đối với người đã tham gia BHYT hộ gia đình, nếu người dân đã tham gia BHYT trước đó tiếp tục tham gia thì thực hiện cho cá nhân người đó hoặc theo hộ; những người còn lại chưa tham gia hoặc tạm ngừng quá 3 tháng, khi tham gia BHYT thì bắt buộc thực hiện theo hộ gia đình. Mức phí cụ thể như sau: người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Đề nghị ông/bà ghé BHXH quận 5 để được phục vụ cụ thể.
Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc điện thoại 0914 446618, email: duongloan@sggp.org.vn.

Tin cùng chuyên mục