Thời gian gần đây, trong khi phái nữ ở nhiều nước, nhất là những người mê phẫu thuật thẩm mỹ, vẫn chưa hết bàng hoàng về scandal túi nâng ngực dỏm PIP của Pháp, thì tờ The Times lại mới lên tiếng cảnh báo về vụ bê bối y tế liên quan đến hóa chất ngăn ngừa nếp nhăn.
Theo The Times, hiện có hơn 160 chất độn da như collagen, acid hyaluronic…(ngoại trừ botox) được bán tràn lan ở Anh, thậm chí cả trên các chợ trực tuyến. Còn ở Pháp, con số này cũng lên đến 110 loại. Cơ quan đánh giá thuốc và sản phẩm y tế Pháp (Afssaps) cho biết, mỗi năm có đến 600.000 liều tiêm chất độn da được bán ra chỉ riêng tại nước này.
Trong khi đó, ở Mỹ chỉ có 6 loại hóa chất được cấp phép kinh doanh công khai như thế. Tất cả được xếp loại như dược phẩm và quy định chặt chẽ khi sử dụng. Ngược lại, ở 2 nước châu Âu trên, bất cứ ai cũng dễ dàng mua và tự tiêm cho mình mà không cần hướng dẫn của bác sĩ.
Đáng nói là chất lượng của những hóa chất này rất kém. Hầu hết chúng đều được khuyến cáo không nên dùng trong thẩm mỹ vì có tác dụng phụ tuy xảy ra chậm. Phổ biến nhất là tụ máu vùng da được tiêm, da bị hoại tử hay nhiễm trùng.
Thêm vào đó, các hãng sản xuất chúng lại rất thiếu trách nhiệm. Họ thường chỉ thử nghiệm lâm sàng trong thời gian từ 3 đến 6 tháng trên 150 người mà không hề có đánh giá về tác dụng phụ. Trong khi để thực hiện phẫu thuật phải cần đến các bác sĩ chuyên ngành, vì một số chất độn được phân loại như botox và có nhiều chất tồn tại vĩnh viễn nên nếu có biến chứng thì cũng sẽ là vĩnh viễn.
Trong vụ scandal trước đó, theo tờ Le Figaro, có khoảng 500.000 phụ nữ của 65 nước trên thế giới đang mang túi nâng ngực kém chất lượng của hãng PIP. Trong đó, châu Âu là nơi có nhiều nạn nhân nhất, đặc biệt là Anh. Kế đến là những nước thuộc khu vực Mỹ Latinh như Argentina, Colombia và Brazil. Vì chi phí phẫu thuật thẩm mỹ ở những nước này khá rẻ nên đã thu hút du khách làm đẹp. Chính phủ nhiều nước đã có giải pháp hỗ trợ nạn nhân của PIP.
Ngày 4-1, Bộ Y tế Colombia đã hứa tài trợ tiền phẫu thuật loại bỏ túi nâng ngực dỏm cho 15.000 phụ nữ nước này. Trước đó, Chính phủ Pháp cũng tuyên bố tương tự. Ngược lại, cho đến nay, Bộ Y tế Anh vẫn chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy các phụ nữ nên loại bỏ túi nâng ngực PIP. Trái với kết quả của Bộ Y tế Pháp cho rằng có 5% nguy cơ túi nâng ngực PIP bị vỡ, Cơ quan Quản lý dược và sản phẩm y tế Anh (MHRA) nói con số này chỉ có 1%.
Bộ trưởng Y tế Anh Andrew Lansley cho rằng, những phụ nữ thường xuyên giải phẫu thẩm mỹ nay lại tiếp tục phẫu thuật bỏ túi nâng ngực sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với việc tiếp tục mang chúng. Các cơ quan y tế xứ sở sương mù vẫn còn đang tranh cãi về vấn đề này và hứa đến cuối tuần này sẽ đưa ra giải pháp cuối.
Chủ tịch Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ Fazel Fatah (BAAPS) nói rằng: “Lợi nhuận của ngành công nghiệp làm đẹp tại Anh lên tới hàng tỷ bảng mỗi năm, nhưng nó lại gần như không được kiểm soát”. Từ những vụ việc xảy ra liên tiếp, nhiều người cho rằng cơ chế quản lý sản phẩm y tế quá lỏng lẻo của nhiều nước châu Âu đã đến hồi báo động.
Là phụ nữ, ai cũng muốn mình đẹp hơn. Nhưng không nên cả tin vào những lời quảng cáo hấp dẫn của các hãng sản xuất mỹ phẩm. Các bác sĩ khuyên trước khi thực hiện bất cứ hành động nào trên cơ thể, bạn cần phải có sự tư vấn và hướng dẫn của những chuyên gia thẩm mỹ được đào tạo bài bản. Nếu không, giấc mơ làm đẹp có thể trở thành cơn ác mộng với những di chứng không thể xóa bỏ.
THANH HẢI