Lạm dụng biển báo tiếng nước ngoài

Một số người đi Nhật Bản và Trung Quốc về, hay phàn nàn rằng sang bên ấy mà không biết tiếng của họ như là người mù chữ, vì các bảng hiệu, biển báo ở đó tuyệt đại đa số dùng chữ viết của họ là chữ tượng hình nên người Việt mình đành bó tay! Quả có vậy, với người Việt, đến xứ nào dùng mẫu tự La tinh nếu không dùng từ điển vẫn ít nhiều có thể đoán được, hay tệ nhất cũng đọc được địa danh, còn với chữ tượng hình thì không thể nào đoán được nếu không biết chữ.

Nhưng chính điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ, hình như người Việt quá lạm dụng tiếng nước ngoài trên biển báo, bảng hiệu, khẩu hiệu… Ở ngay sát Hà Nội, làng Đồng Kỵ, Phù Khê (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) nổi bật với hàng loạt bảng hiệu chữ Hán; một số khu vực ở TP Phan Thiết (Bình Thuận), nhiều hàng quán chỉ ghi bằng tên tiếng Nga mà không thèm ghi tiếng Việt; còn tiếng Anh gần như ở đâu cũng có, cứ như ở xứ ta đang xài song song hai ngôn ngữ Việt và Anh vậy.

Đành rằng dùng tiếng nước ngoài trong điều kiện hội nhập, có nhiều du khách ngoại quốc đến nước ta, có quan hệ làm ăn với nhiều người nước ngoài… cũng là điều nên làm. Thế nhưng, việc dùng nhiều đến mức không dành chỗ cho tiếng Việt hoặc lấn át tiếng mẹ đẻ quả là không nên. Đã vậy, rất nhiều biển báo, bảng hiệu ghi chữ tiếng nước ngoài khi sai chính tả, lúc sai ngữ pháp. Thậm chí, các khẩu hiệu chào mừng cũng sai tuốt (do cơ quan nhà nước chỉ đạo thực hiện), như trường hợp của câu song ngữ “Lạng Sơn kính chào quý khách” và “See you again Langson” cùng ghi trên một mặt của bảng chào mừng mà các diễn đàn đã phản ánh; hay viết “wellcome” thay vì “welcome”…

Ngay bây giờ, với các quy định đã có về biển hiệu, tên doanh nghiệp, theo Điều 18 Luật Quảng cáo: “Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo, khổ chữ nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt” thì các cơ quan quản lý có thể xử lý ngay những tổ chức, cá nhân lạm dụng tiếng nước ngoài.

Từng có ý kiến đề xuất xây dựng Luật Ngôn ngữ hay Luật sử dụng tiếng Việt. Các cơ quan chức năng nên nghiên cứu đề xuất này để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng như việc sử dụng ngôn ngữ ở nơi công cộng, trên các phương tiện truyền thông, ở các văn bản hành chính… Đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, nhằm tránh lạm dụng và dùng đúng nơi, đúng hoàn cảnh, đúng từ, đúng ngữ pháp...

TRÚC GIANG (quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục