Làm gì để du lịch miền Trung cất cánh?

Tại hội thảo “Liên kết phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung” từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức tại Phú Yên, nhiều đại biểu thừa nhận, nguồn nhân lực phục vụ du lịch nơi đây được đánh giá là thấp nhất nước. Toàn vùng có gần 36.000 lao động, chiếm chưa đến 2,5% lao động du lịch cả nước. Riêng Đà Nẵng, các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học có đào tạo chuyên ngành du lịch chỉ đáp ứng khoảng 1/10 yêu cầu so với thực tế. Khoảng trống về nguồn nhân lực có chất lượng chuyên môn cho ngành “công nghiệp không khói” ở các tỉnh duyên hải miền Trung thật đáng báo động.

Từ góc độ nhân lực của ngành cũng hình dung được phần nào về quy mô lẫn khả năng thu hút du lịch của khu vực miền Trung hiện nay. Một vấn đề cần được lý giải là vì sao miền Trung - nơi tập trung các di sản văn hóa, danh thắng đẳng cấp thế giới, nơi có nhiều bãi biển đẹp nhất nhì hành tinh và các di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ trải dài cả ngàn kilômét... lại phát triển du lịch ì ạch so với hai đầu đất nước?

Tại các cấp chính quyền địa phương? Không chắc. Bởi lẽ, câu chuyện đầu tư cho đô thị du lịch Hội An như hôm nay ghi công lớn của các thế hệ chính quyền địa phương này suốt 36 năm qua. Một Hội An nghèo sau khi được công nhận di sản văn hóa thế giới đã biết khơi gợi sự đồng lòng của người dân giữ gìn phố cổ, tự đầu tư du lịch, tẩn mẩn từng năm tháng để bảo tồn giá trị của di sản thế giới; tiếp đó là những giá trị riêng như “Hội An không sex”, “Hội An không túi ni lông”; rồi các sản phẩm du lịch sáng tạo đến bất ngờ như “Đêm rằm phố cổ”; “Cùng lao động và tận hưởng sản phẩm nông nghiệp” của làng rau Trà Quế. Phía bên kia đèo Hải Vân, chính quyền Thừa Thiên - Huế nỗ lực tạo nên từng kỳ Festival Huế lộng lẫy, độc đáo. Huế hướng đến một thành phố du lịch xanh trong lòng nét cổ kính, hoành tráng của quần thể di tích cố đô. Một Đà Nẵng nghèo tiềm năng du lịch so với 2 địa phương lân cận nhưng đã có sự đột phá với sản phẩm du lịch độc đáo: “Hội thi pháo hoa quốc tế” lôi cuốn, hấp dẫn hàng chục vạn du khách trong dịp này.

Ngoảnh nhìn lại cung cách kinh doanh du lịch của từng địa phương miền Trung mới nhận ra cái thiếu căn bản vẫn là thiếu các doanh nghiệp chịu đầu tư chiều sâu, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, riêng biệt. Hơn 2 thập niên trước, du lịch là ngành “độc quyền” của doanh nghiệp nhà nước. Sau cổ phần hóa, tư nhân hóa gần như xóa sạch các di sản doanh nghiệp nhà nước đã tạo dựng. Để đứng vững, các doanh nghiệp hậu duệ của các cơ sở du lịch nhà nước cũ “bơi” để kiếm sống qua ngày hơn là nghĩ đến chuyện đầu tư dài hơi. Từng ấy thời gian, hiếm có doanh nghiệp du lịch nào của các địa phương miền Trung tạo nên thương hiệu du lịch quy mô, có thế mạnh trên thương trường. Họ khiêm tốn phát triển lối kinh doanh đơn điệu là lưu trú cộng với các nhà đầu tư bất động sản làm du lịch theo điệp khúc: resort - khách sạn. Vì vậy, sản phẩm du lịch kém hấp dẫn, ít phát triển.

Liên kết du lịch của các địa phương trong vùng là việc phải làm, đã kêu gọi nhưng chưa thành hiện thực bởi thiếu cú hích đầu tư và thiếu yếu tố căn cơ, đó là sự vào cuộc của doanh nghiệp và sự quan tâm chỉ đạo xuyên suốt của ngành chủ quản và các địa phương. Mỗi địa phương cũng cần chọn nhóm sản phẩm du lịch danh thắng quốc gia, di sản văn hóa hoặc di tích lịch sử đặc thù để đầu tư theo hướng xã hội hóa thay vì khư khư quản lý một cách máy móc. Có như vậy du lịch miền Trung mới có cơ hội cất cánh.

Trần Kha

Tin cùng chuyên mục