Làm gì để giảm thiệt hại do bão lũ ở miền Trung?

Làm gì để giảm thiệt hại do bão lũ ở miền Trung?

Năm nào cũng vậy, theo quy luật thời gian, cứ vào khoảng tháng 9, 10, 11 là bão lũ lại xuất hiện tại miền Trung. Người dân miền Trung chung sống với bão lũ ra sao? Các nhà khoa học, các cơ quan chức năng đã, sẽ làm gì giúp người dân miền Trung đang oằn mình sống chung với lũ?

Miền Trung đã trải qua 15 cơn bão trong năm qua. Cơn bão nào cũng làm sập nhà, tốc mái, cây trồng ngã đổ… Nhà trên đồi cao hay ở đồng bằng thấp đều bị bão càn quét qua. Lốc xoáy thì càng nguy hiểm, nó có thể bê một chiếc ô tô tải quăng xa hàng trăm mét. Ngay sau bão là lũ, rồi là ngập lụt và vừa lũ vừa lụt. Dải đất miền Trung cơ cực không năm nào là không có lũ ác. Khái niệm lũ hiền đã từ lâu không có ở đây, kể cả lũ tiểu mãn. Còn lũ quét trước thường xuất hiện ở những tiểu lưu vực đầu nguồn, nay cũng xuất hiện ở cả vùng trung du và hạ du. Lũ về, lưu lượng vô cùng lớn, tốc độ dòng chảy cực nhanh, cuốn băng băng cả những cây cầu, ngôi nhà, hoa màu, gia súc. Tốc độ ngập lụt xảy ra rất nhanh, có khi 1 - 1,5m/giờ, làm người dân trở tay không kịp, mất tài sản, cây trồng, vật nuôi và chết nhiều người.

Xả nước tại các thủy điện cần tuân thủ chặt chẽ các quy định. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Xả nước tại các thủy điện cần tuân thủ chặt chẽ các quy định. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Đã có những thùng quà cứu trợ, có người góp từng đồng cho đến nhiều tỷ đồng giúp đỡ miền Trung rất kịp thời. Điều này thật đáng quý! Các nhà khoa học đã tạo ra mô hình nhà chung sống với lũ, bão. Nhưng như thế vẫn chưa đủ để cho người dân chung sống một cách chủ động, bền vững! Mảnh đất đầy tiềm năng mà vẫn khốn khó này sống bằng gì đây: chăn nuôi, trồng trọt hay sống về du lịch cảnh quan thiên nhiên? Du lịch tâm linh, du lịch di sản? Với những rừng nguyên sinh, những hang động, với những bãi biển hình trăng khuyết, cát trắng, biển xanh? Đất đai sẽ dùng cho trồng cây nông nghiệp hay dành cho công nghiệp hay du lịch, hay là trồng rừng? Đánh bắt gần bờ thì tài nguyên thủy sản đã cạn kiệt rồi! Còn đánh bắt xa bờ thì phương tiện, trang thiết bị nào, phương án nào tối ưu, khi các cơn bão dữ ngày một tăng? Trong lúc đó, ngoài thiên tai lại có thêm nhân tai: tàn phá miền Trung có sự góp sức của chính thủy điện. Điều này đã là chắc chắn rồi! Không thể ai đó đổ tội cho nhau, né tránh trách nhiệm. Phải tìm ra địa chỉ gây ra nhân tai, không thể chia chung mỗi nơi một tí. Quốc hội đã thông qua nghị quyết và các tỉnh cùng Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT cũng đã rà soát xóa bớt nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ theo kiểu “nhà nhà làm thủy điện, người làm thủy điện”. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ khi lũ chồng lũ thì vấn đề xả nước các hồ chứa thủy điện sẽ được quy định nghiêm ngặt như thế nào cũng cần phải đặt lên bàn nghị trình Quốc hội. Bên cạnh đó, hình thái tiết diện các lưu vực miền Trung theo dạng hình thang ngược và cửa sông lại có dạng miệng cái “lưỡi nhủi”. Hầu hết các con sông đều ngắn, dốc. Vì vậy, đáy sông và cửa sông ra biển bị bồi lắng rất nhanh. Cũng từ địa mạo này mà sức tàn phá của gió bão đổ bộ vào cửa sông, vào đất liền rất nhanh, rất mạnh; ngay sau đó lũ ác xảy ra cũng rất nhanh, rất mạnh. Vì vậy, để tránh thiệt hại, các tỉnh miền Trung có nên trồng cao su hay không? Bởi cây cao su rất dễ gãy đổ hàng loạt. Muốn chống bão phải trồng mật độ dày, nhưng như vậy cây sẽ còi cọc vì thiếu ánh sáng. Nếu trồng hàng phi lao chống bão thì 7, 8 năm sau mới có tác dụng nhưng hiệu quả vẫn không cao với cấp bão 10 trở lên!

Mặt khác, đồng bằng nhỏ hẹp, phù sa các con sông ít sét, lắm sỏi đá, cát thô này có nên trồng lúa nữa không, nhất là trong 4 tháng bão lũ? Biết như vậy nhưng ta đã làm gì để khống chế, giảm thiểu tai ương? Thêm nữa, hiện nay mới là “khúc dạo đầu của biến đổi khí hậu” mà đã tác hại ghê gớm thì ít năm sau, biến đổi khí hậu sẽ lớn hơn, người dân miền Trung sẽ sống ra sao đây? Nhiều chuyên gia đã đầu tư công sức, nhà nước bỏ ra nhiều tỷ đồng để lập bản đồ cảnh báo, cùng với việc lắp đặt những hệ thống báo động, nhưng vẫn chưa thấy hiệu quả gì cả! Rõ ràng, chúng ta đã làm khá nhiều nhưng vẫn chưa đủ, kể cả việc di dân tránh bão, lụt, lũ quét.

Bên cạnh đó, qua tình trạng ngập của miền Trung có lẽ cũng phải suy xét thêm vai trò của quốc lộ 1 và tuyến đường sắt Bắc - Nam. Vì theo một phương diện nào đó, thì 2 tuyến giao thông này đã là “con đê kép” chắn dòng thoát lũ ra biển. Chính vì vậy mà vừa qua, nhiều vùng chỉ cách biển mươi cây số nhưng ngập rất sâu và khá lâu. Thế ta phải khắc phục sao đây? Đó là những câu hỏi lớn đặt lên trên bàn các đại biểu tại nghị trường Quốc hội!

Cách sống chung với bão lũ ở miền Trung sẽ như thế nào cũng cần được phân định rõ ràng hơn để những năm sau không phải chịu tổn thất lớn như đã từng xảy ra.

GS-TSKH LÊ HUY BÁ

Tin cùng chuyên mục