Liên tục trong thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ học sinh (HS) bị chết đuối, có những vụ nhiều HS cùng thiệt mạng thương tâm như: ngày 18-4, 2 HS lớp 4 ở Hà Tĩnh và 6 HS lớp 7 ở Ninh Thuận; ngày 14-5, 4 HS lớp 6 ở Đắk Lắk; ngày 15-5, 2 HS lớp 7 ở Quảng Bình và 2 HS ở Hà Nội; ngày 18-5, 2 HS lớp 3 ở Cần Thơ; ngày 19-5, HS lớp 7 ở Phú Yên… Tất cả đều bị thiệt mạng do bất cẩn, chủ quan và thiếu kỹ năng đối phó với hiểm họa sông nước. Nhiều bạn đọc đã rất lo lắng và bức xúc, lên tiếng về việc giảm nguy cơ HS chết đuối.
Trang bị ý thức phòng tránh nguy cơ
Từ nhiều năm qua, cứ vào dịp hè là số trẻ em bị chết đuối lại tăng đột biến. Nguyên nhân chủ yếu do mùa nắng nóng, HS vừa xong 9 tháng học tập căng thẳng, nên thường rủ nhau đi chơi xa mà không có sự quản lý của người lớn. Liên tục trong những ngày qua đã xảy ra rất nhiều vụ HS chết đuối. Để phòng tránh hiểm họa này, trước khi cho HS nghỉ hè, nhà trường cần quan tâm phổ biến cho HS ý thức về hiểm họa sông nước và các biện pháp phòng tránh. Tổ chức đoàn, đội ở các địa phương cần chú ý tổ chức tốt các hoạt động trong dịp hè để thu hút HS tới sinh hoạt vui khỏe, an toàn. Trong khi việc dạy bơi cho HS tại trường chưa đảm bảo, phụ huynh cần chủ động cho con em học bơi để phòng tránh nguy cơ chết đuối; đồng thời quan tâm quản lý thời gian nghỉ hè của con em; thường xuyên căn dặn các cháu cảnh giác với nguy cơ bị chết đuối, không tự chơi ở các khu vực sông, suối, ao, hồ...
NGUYỄN HOÀNG DUY
(quận 5, TPHCM)
Đừng liều mạng với “hồ tử thần”
Hồ đá ở phường Đông Hòa (thị xã Dĩ An, Bình Dương) được xem là “hồ tử thần”, bởi hàng năm số người chết đuối tại hồ này từ 4 - 5 người, có năm lên đến cả chục người, chủ yếu là thanh thiếu niên. Thế nhưng, hàng ngày vẫn có nhiều người đến đây tắm, vui chơi và câu cá, bất chấp nguy hiểm luôn rình rập. Mặc dù tại hồ, chính quyền địa phương đã lắp biển cảnh báo nguy hiểm, thậm chí làm hàng rào dây thép gai để ngăn, nhưng nhiều thanh thiếu niên vẫn xuống hồ tắm. Hồ này do quá trình khai thác mỏ đá để lại, có nơi sâu tới hơn 60m. Nước trong xanh và lạnh ngắt, khu vực ven bờ có chỗ chỉ đứng ngang đầu gối, nhưng chỉ cần ra bước chân là có thể bị lọt vào kẽ đá hoặc vực sâu hàng chục mét, nên cực kỳ nguy hiểm, cả người bơi giỏi cũng rất dễ bị nạn. Thế nhưng không chỉ đến hồ đá để bơi lội, nhiều thanh thiếu niên thích cảm giác mạnh, tìm đến nơi có vách đá cao dựng đứng rồi đua nhau nhảy xuống lòng hồ, trình diễn các màn nhào lộn rợn người. Họ không cần để ý ở phía dưới là những mỏm đá nhấp nhô, trơn trượt, có thể cướp đi sinh mạng của bất cứ ai. Có lần 4 cô gái rủ nhau ra hồ đá chụp hình lưu niệm không hiểu sao cả 4 người đều bị rơi xuống hồ chết.
Thời gian qua, lực lượng chức năng địa phương đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra khu vực hồ tử thần, nhưng vẫn chưa hết các vụ chết đuối nơi đây. Rất mong các bạn trẻ đừng liều mạng, xem thường hiểm họa.
PHAN CHÚC
(quận Thủ Đức, TPHCM)
Đẩy nhanh việc phổ cập bơi lội cho HS
Dù chương trình phổ cập bơi lội cho HS giai đoạn 2011 - 2015 theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đã đi quá nửa chặng đường, nhưng đến nay chỉ mới được triển khai lác đác ở nội đô của một số tỉnh, thành phố. Trong khi đó, tình trạng HS chết đuối tập trung nhiều ở các vùng nông thôn bởi có nhiều sông rạch. Các trường chưa thực hiện được việc phổ cập bơi lội cho HS vì thiếu kinh phí và cơ sở vật chất. Mới đây, Bộ GD-ĐT có công văn hỏa tốc gửi các Sở GD-ĐT, trường ĐH, CĐ, THCN, yêu cầu tăng cường công tác phòng tránh tai nạn chết đuối nước cho trẻ em, HS, sinh viên. Hy vọng rằng, hè là dịp để các trường hoàn tất các khâu chuẩn bị, để trong năm học tới, HS cả nước sẽ được phổ cập bơi lội nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc do sông nước. Các trường cần khẩn trương triển khai các hoạt động dạy bơi cho HS. Nên có những chuyên đề ngoại khóa nói về nguy cơ chết đuối, cách nhận biết nguy hiểm và cách phòng tránh, đối phó với hiểm họa sông nước.
Về phía địa phương, cần kiểm tra những khúc kênh rạch nguy hiểm để rào chắn và cảnh báo cho người dân biết. Hiện nay, đã có một số địa phương nông thôn thực hiện tốt vai trò quản lý HS trong dịp hè, nhất là chủ động dạy bơi cho trẻ dù chưa có hồ bơi. Đơn cử như ở huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), những năm gần đây, đoàn thanh niên của nhiều địa phương cấp thôn, xã đã tận dụng những khúc kênh rạch nông, cải tạo bờ kè và cầu lên xuống sạch sẽ, quây vùng lại để làm nơi dạy bơi cho đội viên của đơn vị mình. Nhờ vậy nhiều HS đã biết bơi, biết nhận thức nguy hiểm, hạn chế nguy cơ chết đuối.
LY LY
(Kiến Thụy, Hải Phòng)