Làm gì khi trẻ bị trúng nắng?

Trúng nắng là khi trẻ đi ra nắng hoặc tắm ngoài nắng quá lâu. Thông thường ánh sáng mặt trời có nhiều loại, chỉ những loại có bước sóng từ 400-700 nanomet mới thấy được bằng mắt thường. Trên thực tế thì có rất nhiều tia có bước sóng ngắn hơn hoặc dài hơn chúng ta không thấy được, như tia cực tím UVA hay UVB, gây nhiều bức xạ và tác hại cho cơ thể. Những tia này có nhiều trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 14 giờ, do đó khi trẻ chơi ngoài nắng lâu, nhất là ở thời điểm này dễ bị trúng nắng hơn.

Trúng nắng có thể là do trời quá nóng nực, trẻ lại không mặc đồ thoáng mát, uống nước không đầy đủ, trẻ dễ bị mất nước, da lại không được thông thoáng. Hoặc khi trẻ nhỏ mới sanh được người lớn chăm sóc không đúng cách: Đóng kín cửa, trùm khăn, hơ lửa, có nhiều trẻ bỏng rộp cả da, khắp người nổi mẩn đỏ và nhiều mụn nhỏ li ti do bị ủ ấm quá mức, khiến cho da không hô hấp được… Triệu chứng trẻ say nắng, nóng thường ở tình trạng mất nước, da nhăn khô hoặc đỏ rộp, thóp lõm, thở nhanh, tay chân lạnh, nhiệt độ tăng nhanh. Trẻ lớn thường vã mồ hôi, nhức đầu, khó chịu, buồn nôn, mặt tái nhợt, mạch nhanh, da tái, có thể nôn ói, sốt cao trên 40°C, có thể co giật.

Khi gặp những trường hợp triệu chứng trên, nên cởi đồ thoáng mát cho trẻ, lau mát cho trẻ, cho uống nước oresol, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ ngất hoặc bị co giật. Khi trẻ chơi bên ngoài nên đội nón, mặc áo cotton cho trẻ, sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF cao, >30. Phụ huynh lưu ý vào tháng nóng nếu đưa trẻ đi tắm biển hoặc hồ bơi, nên cho trẻ chơi tránh những giờ nắng nóng cao điểm và nên đội mũ vải rộng vành cho trẻ. Ngoài ra, cung cấp đầy đủ nước uống cho trẻ, ăn nhiều trái cây cũng là cách giúp trẻ chống nắng, nóng. 

BS Nguyễn Thị Thanh
(BV Nhi đồng 2)

Tin cùng chuyên mục