Nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, Sở VH-TT-DL TPHCM và Trung tâm Văn hóa TPHCM tổ chức cuộc vận động sáng tác lời mới cho nhạc tài tử Nam bộ, bài vọng cổ và chặp cải lương. Cuộc thi đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo với bộ môn nghệ thuật độc đáo, qua đó làm giàu thêm kho tàng âm nhạc tài tử, tăng thêm sức sống đồng thời đưa âm nhạc tài tử đến với đông đảo người mộ điệu.
Sức lan tỏa mạnh mẽ
“Con số trên 700 tác phẩm của các tác giả chuyên nghiệp lẫn không chuyên đến từ TPHCM và 17 tỉnh, thành trong cả nước tham gia sau hơn 6 tháng phát động cuộc thi là một sự thành công ngoài mong đợi”, soạn giả Ngô Hồng Khanh, Trưởng ban giám khảo cuộc thi cho biết. Kết quả trên cũng minh chứng cho sức lan tỏa mạnh mẽ của nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) bởi hầu hết các địa phương có phong trào ĐCTT đều hưởng ứng nhiệt tình.
Soạn giả Ngô Hồng Khanh nhấn mạnh niêm luật cho cải lương đã khó, niêm luật cho 20 bài bản tổ của ĐCTT còn khó gấp nhiều lần, đòi hỏi người viết phải có sự tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ. Một tác phẩm thật sự có giá trị vừa phải thể hiện được tính văn học, tính nghệ thuật, tính thi ca vừa phải là đề tài gần gũi, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người.
Trong số các tác phẩm dự thi, chiếm nhiều nhất là bài ca vọng cổ với 408 tác phẩm, 276 tác phẩm sáng tác lời mới cho 20 bài bản tổ ĐCTT và 17 tác phẩm là chặp cải lương. Thạc sĩ - nhạc sĩ Huỳnh Khải, Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống Nhạc viện TPHCM, nhìn nhận: “Cùng với những bài bản tổ ĐCTT được sáng tác từ những năm 1920 đến 1940 trong dân gian đã bị thất lạc hoặc dần mai một, tôi nghĩ những tác phẩm từ cuộc thi này sẽ góp phần làm giàu cho kho tàng nghệ thuật ĐCTT truyền thống, giúp âm nhạc tài tử ngày càng phát triển sâu rộng hơn trong quần chúng nhân dân”.
58 xã có nhóm ĐCTT
Qua cuộc thi, các tác giả đã gửi gắm vào tác phẩm đầy ắp tình cảm, lòng tri ân của mình đối với Bác Hồ, với Đảng, những thế hệ anh hùng đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Một đề tài muôn thuở khác là tình đời, tình người, tình yêu quê hương, gia đình, cuộc sống, thiên nhiên cũng được các tác giả thể hiện.
Đó còn là sự thay da đổi thịt từ những miền quê đang trở giấc trên con đường xây dựng nông thôn mới - nếp sống mộc mạc, đầm ấm, thanh bình và cũng không kém phần văn minh hiện đại. Tất cả đã tạo nên một bức tranh đẹp về quê hương đất nước, nông thôn Việt Nam nói chung và nông thôn TPHCM nói riêng ngày càng phát triển, đi lên.
Sở VH-TT-DL TPHCM sẽ tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật âm nhạc tài tử Chào xuân mới 2013 và giới thiệu các tác phẩm đoạt giải cao, đồng thời trao giải cuộc thi tại sân khấu khu A, Công viên 23-9 vào đêm 30-12 tới. Ban tổ chức cũng xuất bản 1 tập bài ca tuyển chọn khoảng 100 tác phẩm cùng bộ đĩa 10 tác phẩm đoạt giải cao để cung cấp cho các CLB, đội nhóm ĐCTT của 58 xã nông thôn, phục vụ cho việc luyện tập, chuẩn bị tham gia Liên hoan các CLB ĐCTT các xã xây dựng nông thôn mới TPHCM trong năm 2013. Tập bài ca và CD này cũng sẽ được phát hành trong hệ thống trung tâm văn hóa các tỉnh, thành miền Đông và Tây Nam bộ, các quận huyện, đoàn thể và các CLB ĐCTT ở TPHCM.
Minh An