Làm giấy tờ cá nhân: Vướng mắc do cứng nhắc

Ra tù vẫn... ngoài vòng pháp luật
Làm giấy tờ cá nhân: Vướng mắc do cứng nhắc

Thời gian gần đây, các cơ quan nghiệp vụ hành chính của Công an TPHCM đã có nhiều cải tiến trong thủ tục làm giấy tờ cá nhân. Có thể ghi nhận chưa bao giờ việc cấp phát giấy tờ cá nhân đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng như hiện nay. Song, qua đường dây nóng Báo SGGP, một số bạn đọc phản ánh cũng còn những vướng mắc không đáng, do cán bộ giải quyết cứng nhắc.

Người dân đến làm thủ tục cấp đổi CMND.

Người dân đến làm thủ tục cấp đổi CMND.

Ra tù vẫn... ngoài vòng pháp luật

Ông Tống Chinh Hùng (42 tuổi, ở đường Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10) than: “Tôi vừa mãn hạn tù và rất muốn làm một công dân lương thiện. Nhưng, tôi vẫn phải tiếp tục sống ngoài vòng pháp luật. Bởi lẽ, tôi không có giấy tờ tùy thân, không nhập được hộ khẩu”.

Qua tìm hiểu, được biết, trong thời gian thi hành án tù thì ông Hùng và vợ ly dị, rồi căn nhà ông ở trước đây đã bị bán qua mấy đời chủ. Ông Hùng liên hệ công an địa phương để làm thủ tục nhập hộ khẩu, và được hướng dẫn có thể nhập hộ khẩu vào bất cứ nơi đâu, với điều kiện chủ hộ có cam kết đồng ý. Người chủ mới của căn nhà mà ông Hùng có hộ khẩu trước đây dứt khoát không cho một người không quen biết, lại vừa ra tù đăng ký nhập lại hộ khẩu chung địa chỉ nhà mình.

Ông Hùng chạy vạy liên hệ tất cả những người thân quen, cuối cùng cũng có một người bà con xa ở quận 10 đồng ý cho ông nhập hộ khẩu. Nhưng khi ông Hùng đi làm thủ tục đăng ký nhập hộ khẩu, mới biết không thể nào làm được. Bởi lẽ ông đã bị mất chứng minh nhân dân (CMND), mà theo quy định, công dân muốn cấp mới, cấp đổi CMND thì phải có hộ khẩu. Mà ông Hùng thì lại chưa có hộ khẩu!.

Người già cũng khóc!

Bà Trương Ngọc Liên (85 tuổi, ở đường Võ Trường Toản, phường 2, quận Bình Thạnh) lâu nay tằn tiện sống bằng lương hưu. Do sức khỏe ngày càng yếu, nên mỗi khi lãnh lương hưu bà phải nhờ con ra phường lãnh giùm. Nhưng gần đây, theo quy định mới, bà phải có giấy ủy quyền thì con của bà mới lãnh giùm lương hưu được.

Để làm giấy ủy quyền, bà phải có CMND. Cả nhà xôn xao tìm khắp các tủ giấy tờ, quần áo…, nhưng không tìm ra CMND của bà. Mà nếu có tìm ra CMND, cũng không còn giá trị sử dụng, vì đã quá hạn 15 năm tính từ ngày cấp. Vậy thì đi làm CMND. Những tưởng chuyện đơn giản, nhưng khi làm thủ tục tại Công an quận Bình Thạnh, cán bộ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bà Liên phải ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh.

Khổ nỗi lâu nay trong tất cả các giấy tờ cá nhân của bà Liên và hộ khẩu gia đình đều chỉ ghi năm sinh, chứ không có ngày, tháng sinh. Và hầu như những người cao tuổi ở nước ta thường rất khó xác định rõ ngày tháng sinh (do không sinh ở bệnh viện và không làm khai sinh ngay sau khi sinh).

Theo hướng dẫn, trường hợp không rõ ngày, tháng sinh thì có thể ghi ngày 1-1. Tuy nhiên, cán bộ hướng dẫn yêu cầu phải làm thủ tục để bổ sung ngày sinh 1-1 trong hộ khẩu, vì cấp CMND căn cứ hộ khẩu. Mà muốn điều chỉnh chi tiết ngày, tháng sinh trong hộ khẩu, bà phải có giấy khai sinh. Càng khổ, sinh năm 1928, đến bây giờ địa phương làm sao trích lục khai sinh cho bà, và nếu có thể trích lục thì giấy khai sinh của bà cũng đâu có ghi ngày, tháng sinh.

Bà Trần Thị Vinh (75 tuổi, ở phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng) vào TPHCM sống với gia đình con trai ở phường Phú Hữu, quận 9. Thế nhưng việc đăng ký tạm trú cho bà không đơn giản, vì cán bộ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bà phải khai đầy đủ họ tên cha và mẹ.

Cô cháu gái của bà Vinh buồn buồn tâm sự: “Từ hồi 4 tuổi, bà của chúng tôi đã mồ côi. Từ đó đến lúc trưởng thành bà được nhiều người là cha nuôi, mẹ nuôi đùm bọc. Bây giờ, tuổi đã cao, bà chỉ nhớ tên ông này, bà kia, chứ cũng chẳng thể nào nhớ rõ để khai báo cụ thể tên cha mẹ”. Việc đăng ký tạm trú mà cũng bị vướng mắc kéo dài, anh công an khu vực cũng thực sự áy náy, hơn tháng sau anh tìm đến tận nhà đề nghị bà Vinh… khai đại tên thế nào cũng được, bởi lẽ thủ tục buộc phải vậy!”.

Phải xử lý linh hoạt

Chúng tôi đã mang tất cả các trường hợp gặp vướng mắc nêu trên đặt lên bàn của Thượng tá Đoàn Ngọc Minh, Phó phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội của Công an TPHCM.

Ông Minh cho biết: “Quy định pháp luật khá chặt chẽ. Song, từ thực tế cuộc sống, có nhiều trường hợp cá biệt đòi hỏi chúng tôi phải có hướng xử lý thật linh hoạt, thấu tình, đạt lý, để giải quyết rốt ráo các yêu cầu chính đáng của người dân. Các trường hợp nêu trên có thể do cán bộ thụ lý hồ sơ đã giải quyết quá cứng nhắc.

Cụ thể, với trường hợp của ông Hùng, có thể đến phường xin chứng nhận để làm thủ tục nhập hộ khẩu về nơi người thân đồng ý cho nhập hộ khẩu, rồi từ đó tiến hành làm CMND. Trường hợp của bà Liên, năm nay đã cao tuổi rồi, lại đang đau yếu, cán bộ phải có trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ đến tận nhà để bà Liên thực hiện thủ tục làm CMND. Bộ Công an đã có văn bản hướng dẫn đối với những trường hợp không nhớ ngày tháng sinh thì lấy ngày 1-1 của năm sinh, không cần phải đính chính trên hộ khẩu. Trường hợp bà Vinh, cũng đã cao tuổi, không nhớ chính xác họ tên cha mẹ để khai theo đúng quy định, cũng có thể chấp nhận được”.

Qua đó cho thấy rất cần có văn bản hướng dẫn thật cụ thể đối với những trường hợp này để các cán bộ thụ lý giải quyết việc cấp giấy tờ cá nhân quán triệt và tháo gỡ những vướng mắc không đáng cho người dân.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục