Làm “kinh tế” lễ hội?

Làm “kinh tế” lễ hội?

Cùng với tiềm năng thiên nhiên, lễ hội là lợi thế lớn của chúng ta, của quá trình khai thác và phát triển du lịch văn hóa. Cách đây vài năm Tổng cục Du lịch đã chọn được 20 lễ hội tiêu biểu trong cả nước thể nghiệm đầu tư nhằm biến sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch. Kết quả thật khả quan, đặc biệt có những lễ hội rất thành công như lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở Hưng Yên, lễ hội Kiếp Bạc (Hải Dương), chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Quan Thế Âm ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Bà Chúa Xứ ở An Giang, hội Chăm ở Ninh Thuận, đua ghe ngo ở Sóc Trăng…

Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng)

Thế nhưng, không phải nơi nào bài toán kinh tế và văn hóa cũng được phát triển song hành. Lễ hội làm kinh tế cũng đồng nghĩa với việc thay đổi trong tổ chức và nhất là quảng bá. Nhiều phong tục, tập quán, lễ nghi, tục hèm ở các lễ hội đã bị hiểu sai hẳn so với nguyên gốc. Trớ trêu, nó đánh trúng vào tâm lý cầu may rủi của một bộ phận không nhỏ người dân. Ví dụ như trường hợp phát ấn đền Trần. Gốc gác của lễ hội đâu phải là cầu quan, cầu chức. Nhưng giờ, nó thành một niềm tin phổ biến: cướp ấn, cướp lộc đền Trần là để thăng quan, tiến chức, để lộc lắm, tài nhiều. Nhiều trường hợp, sự hiểu sai đó không phải do tình cờ. Nhưng nó đem lại “cái được” là khách hàng đến với lễ hội ngày một nhiều hơn. Lễ hội nào càng “thiêng”, người ta càng đổ xô đến. Nhiều nghi thức, yếu tố mang màu sắc tâm linh núp dưới vỏ bọc phục dựng, sáng tạo… đã giúp nhiều lễ hội chỉ trong một vài kỳ tổ chức bỗng chốc phát triển nhanh chóng vượt qua khỏi quy mô làng xã, trở thành lễ hội của tỉnh, của vùng. Lễ hội lớn đồng nghĩa với nguồn thu từ lễ hội cũng lớn và vì thế nhiều địa phương đã coi lễ hội chính là một sản phẩm kinh tế mũi nhọn đem lại nguồn thu khổng lồ cho ngân sách địa phương.

Mâu thuẫn giữa việc gìn giữ bản sắc văn hóa với món lợi kinh tế khiến không chỉ người dân lúng túng mà ngay cả các nhà quản lý cũng bối rối. Lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội chia sẻ, giờ đây khi báo cáo về lễ hội, người ta chỉ hỏi là đón tiếp bao nhiêu khách, thu được bao nhiêu tiền, chứ có mấy ai đo đếm được là sức lan tỏa của văn hóa rộng đến mức nào đâu. Thậm chí đại diện của một sở VH-TT-DL ở phía Bắc còn dõng dạc phát biểu rằng: lễ hội cứ thuần khiết như ngày xưa, thì khó. Chọi trâu bán thịt là bình thường. Thậm chí bán rất đắt, rất được giá. Con trâu giờ không phải đầu cơ nghiệp mà là hàng hóa, có ai bắt mua đâu. Ông thích ăn miếng thịt trâu chọi mà ngon, non tơ như thế, thì bỏ ra 1 triệu đồng là đúng rồi. Vì thế phải tính cơ chế phù hợp thị trường!

Không phủ nhận một trong những mục đích tổ chức lễ hội là nhằm thu hút khách du lịch, đem lại nguồn thu cho người dân, cho ngân sách, song Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện thẳng thắn bày tỏ: “Chúng ta phải phân biệt giữa khía cạnh kinh tế của lễ hội với tính thương mại hóa lễ hội. Tổ chức lễ hội không chính đáng, không đúng quy định pháp luật, nhằm lợi dụng lễ hội để thu lợi bất chính mới là thương mại hóa. Hiện nay, các lễ hội đều tổ chức dưới hình thức xã hội hóa, họ phải lấy thu, bù chi nhưng đương nhiên không thể khuyến khích thu lợi bất chính”.

Di sản lễ hội là một món quà của cha ông. Nó cũng được coi là tài nguyên du lịch. Nhưng nói đến di sản, trước hết phải nói đến bảo tồn. Nếu cứ coi nặng việc “làm kinh tế” của lễ hội chẳng khác nào việc “bán rẻ” tài nguyên của đất nước. Nói như một nhà văn hóa nổi tiếng: “Mất tiền thì có thể kiếm lại được, còn mất bản sắc, mất văn hóa là mất hết!”.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục