Ở Long An, chuyện nông dân thoát nghèo, khá lên rồi làm giàu nhờ trồng chanh không hiếm. Nhưng chuyện anh Phăng (Lê Minh Phăng) ở ấp 4 xã Bình Hòa Nam (huyện Đức Huệ) “tìm lại cuộc đời” nhờ cây chanh thì hết sức thú vị. Từ một tay trùm buôn lậu, bị kêu án tù 6 năm, nhưng nhờ cây chanh, anh đã làm lại cuộc đời. Không những thoát nghèo, mà còn làm giám đốc một công ty…
Trùm buôn lậu
Vào những năm 1990 của thế kỷ trước, vùng “tam giác sắt” (nơi tiếp giáp 3 tỉnh Long An, Tây Ninh của Việt Nam và tỉnh Xoài Riêng của Campuchia) là nơi buôn lậu nổi tiếng ở phía Nam. Mỗi ngày, tại vùng này có hàng trăm ngàn cây thuốc lá, hàng chục ngàn chai rượu, hàng trăm tấn đường cát… nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam. Riêng ở Long An, nơi buôn lậu hoạt động rầm rộ nhất là địa bàn huyện Đức Huệ. Và một trong những tay anh chị của giới buôn lậu hoạt động ở vùng này là “trùm” Xì Đen - biệt danh mà giới buôn lậu đặt cho Lê Minh Phăng.
Anh T. vốn có tiếng trong giới buôn lậu một thời ở đây cho biết: Dân buôn lậu vùng này ai cũng bị “thóp” (bị lực lượng chống buôn lậu phục bắt), riêng Xì Đen thì không. Tay này đánh hơi và luồn lách rất giỏi nên lực lượng chống buôn lậu của Long An, Tây Ninh nhiều lần phục bắt nhưng không được. Mãi đến cuối năm 1996, Xì Đen mới bị “thóp” do đàn em đầu thú với cơ quan chức năng. Còn anh Xì Đen khi nhắc lại chuyện xưa, cười bảo: “Tôi không nhớ mình đã đi bao nhiêu chuyến, tải bao nhiêu hàng lậu vào Việt Nam, chỉ khi bị bắt mới biết “thành tích” buôn lậu của mình phải trả bằng 6 năm tù giam. Tài sản có được từ buôn lậu cũng không còn”.
Làm lại cuộc đời
Sau khi bị kết án 6 năm tù, nhiều người cứ nghĩ trùm buôn lậu Xì Đen đã tàn đời, sẽ buông trôi theo số phận. Nhưng Lê Minh Phăng nghĩ khác, anh tâm sự: “Khi ra tòa tôi mới biết mình sai. Bây giờ đã trắng tay, lại phải ở tù thì ai lo cho vợ và hai con nhỏ. Sau nhiều ngày tự vấn, cuối cùng tôi viết đơn xin tạm hoãn thi hành án để được ở nhà lo kinh tế gia đình, khi ổn định sẽ thi hành bản án”. Cũng may, anh được tòa chấp thuận đơn. Nhờ bản tính nông dân sẵn có, cộng với cái “lì” của thời buôn lậu, cuối cùng anh Phăng cũng tìm được lối ra bằng cây chanh.
Anh Phăng kể: “Gia tài lúc này chỉ có hai công ruộng của ông già ruột cho. Trồng mía biết không đủ sống, tôi liều bắt chước người ta trồng chanh, ai dè cây chanh phát triển tốt và cho lợi nhuận rất cao”. Năm 2005, khi kinh tế gia đình ổn định, anh đến tòa nộp đơn xin thực hiện bản án năm xưa. Nhờ cải tạo tốt, năm 2007, anh được đặc xá. Từ đó đến nay, nhờ chí thú làm ăn nên vườn chanh nhà anh cũng rộng ra, anh mua thêm đất. Hiện anh có 18 ha đất, trong này 5 ha trồng chanh xen lẫn đu đủ (mỗi năm thu lời trên 600 triệu đồng), số còn lại trồng mía (mỗi năm cũng kiếm khoảng 300 triệu đồng).
Nhận xét về anh Phăng, ông Phạm Minh Vũ, Bí thư xã Bình Hòa Nam nói: “Anh Phăng lúc trước dữ lắm, nay tốt rồi, làm ăn chí thú lắm”.
Mở công ty
Năm 2009, Công ty TNHH một thành viên Minh Phăng được thành lập (chuyên san lấp mặt bằng, đào kênh thủy lợi…) do Lê Minh Phăng làm giám đốc.
Hôm tới nhà, thấy giám đốc Phăng luôn bận rộn. Lúc thì chạy đi hối thúc mấy “công nhân” nam trồng nhanh ruộng chanh mới. Lúc thì hối mấy chị “công nhân” nữ lẹ tay hái để kịp cân chanh cho thương lái. Khi mệt đừ, anh còn nói vui: “Nông dân vậy đó, lúc nào cũng cực, cũng mệt, nhưng trúng mùa, trúng giá là làm hoài không thấy mệt. Sướng lắm!”. Nhưng có lẽ, điều anh Phăng hài lòng nhất, sướng nhất hiện nay là chuyện học hành của cô con gái út. Chỉ cô “công nhân” đang hái chanh, anh bảo: “Con gái rượu của tôi đấy, đang học năm hai Đại học Tài chính Ngân hàng ở TPHCM. Mấy ngày nay nghỉ lễ nên về phụ tôi hái chanh. Cháu học giỏi lắm và cháu là ước mơ làm lại cuộc đời của tôi đấy”- nói xong, anh cười ha hả như đắc chí rồi vác cuốc ra ruộng trồng chanh với “công nhân” của mình. Còn cô hái chanh quay lại, cười bẽn lẽn, trông thật giống cha.
ĐĂNG NGUYÊN